Từ nhiều năm trước, Quảng Ninh đã xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh.
Theo định hướng, toàn tỉnh Quảng Ninh sẽ hình thành 6 trung tâm logictics, bao gồm: Khu vực thành phố Hạ Long; Khu vực Vân Đồn - Cẩm Phả; Khu vực thị xã Quảng Yên; Khu vực thành phố Móng Cái; Khu vực huyện Hải Hà; Khu vực huyện Bình Liêu.
Tuy nhiên, làm sao để những định hướng chiến lược này không nằm trên bàn giấy? Đó là điều trăn trở của những nhà hoạch định chính sách tại Quảng Ninh.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, khẳng định: Chất lượng dịch vụ logistics không chỉ cần đến hạ tầng, công nghệ, mà quyết định vẫn nằm ở nhân tố con người. Cần dày công chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức mẫn cán, liêm chính, kỷ cương, sáng tạo; quyết liệt trong hành động, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích nhân dân.
Đến nay, sau 5 năm triển khai Kế hoạch về việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, nhiều doanh nghiệp lớn tới Quảng Ninh. Nhiều dự án cảng biển, logistics, hạ tầng giao thông - kỹ thuật đã và đang được đầu tư hoàn thiện, điển hình như Dự án bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1) của Công ty cổ phần cảng quốc tế Vạn Ninh, tổng mức đầu tư 2.248,5 tỷ đồng; cùng một số dự án đang được các nhà đầu tư nghiên cứu như Dự án cảng hàng không ở Quảng Yên, Dự án cảng tổng hợp, container tại khu vực Con Ong - Hòn Nét (TP Cẩm Phả),...
Quảng Ninh xác định rõ tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh sẽ trở thành một cực (cùng với Hà Nội và Hải Phòng) của trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa, cửa ngõ xuất - nhập khẩu trọng yếu của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đồng thời, có vai trò và vị thế ngày càng quan trọng trong mạng lưới phân phối, trung chuyển hàng hóa quốc tế ở khu vực Đông Nam Á.
Ông Bùi Văn Khắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh quyết liệt triển khai, bám sát quy hoạch tỉnh để phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics và phù hợp với các trung tâm logistics, cảng cạn, kho, bãi trong một tổng thể thống nhất. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là thu hút các DN có năng lực về hoạt động logistic tới nghiên cứu đầu tư, xây dựng các trung tâm logistics đã được UBND tỉnh quy hoạch. Tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng cửa khẩu, hạ tầng thương mại trên địa bàn gắn với việc khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân kinh doanh dịch vụ logistics.
Trong bối cảnh tự do hóa thương mại, hội nhập quốc tế và thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, mang lại những thời cơ, thuận lợi cho các ngành kinh tế nói chung và logistics nói riêng, Quảng Ninh được kỳ vọng trở thành trung tâm logistics hình mẫu của cả nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, khi nhắc đến Quảng Ninh, người ta thường nghĩ ngay đến du lịch và năng lượng, bởi có những tiềm năng, lợi thế vượt trội về tài nguyên khoáng sản, danh lam thắng cảnh… Tuy nhiên, còn một ngành dịch vụ tiềm năng mà Quảng Ninh cũng có lợi thế đặc biệt để phát triển, đó chính là logistics.