Quảng Ninh quyết tâm phủ xanh rừng gỗ lớn

Nguyễn Quý 18/11/2022 10:52

Đã có lúc khi nói chuyện với những người chủ rừng tại Quảng Ninh về việc tại sao không thay đổi những cách rừng trồng keo ngắn ngày sang các loại cây gỗ lớn, chúng tôi chỉ nhận được cái lắc đầu cùng nụ cười chế giễu. Nhưng đó là câu chuyện của 10 năm về trước. Với những gì đã diễn ra, mục tiêu đến năm 2025 Quảng Ninh có gần 12.900 ha rừng gỗ lớn (trong đó có gần 9.000ha trồng và hơn 3.800 ha chuyển hóa) đã không còn quá xa vời.

Thay đổi nhận thức về kinh tế rừng

Tại thôn Tàu Tiên (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) ai cũng thán phục trước tấm gương nông dân Triệu Quay Phúc - người dám nghĩ, dám làm, quyết tâm chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang mô hình trồng rừng cây gỗ lớn.

Hợp tác xã Nông - Lâm nghiệp và Dịch vụ Ba Chẽ do anh Triệu Quay Phúc thành lập từ năm 2020, với 10 thành viên. Xuất phát từ ý tưởng chuyển đổi cây keo kém hiệu quả, anh Phúc trồng thử nghiệm cây quế.

Anh Triệu Quay Phúc chăm sóc vườn ươm giống cây quế, nhân rộng mô hình trồng quế tại Ba Chẽ và các vùng lân cận.

Từ những thành công bước đầu, anh Phúc kêu gọi thêm 9 hộ khác chuyển đổi, với tổng diện tích trên 100 ha quế. Cây quế giống được chính anh ươm trồng nhờ tự mày mò, học hỏi kinh nghiệm.

Ngoài trồng và ươm cây quế giống, hợp tác xã còn thu mua nguyên liệu quế. Từ các cành quế phế phẩm trên rừng, anh Phúc thu mua lại rồi sử dụng công nghệ chế biến, tận thu từng vỏ, cành, lá quế thải loại.

"Mới thành lập 2 năm nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cho hợp tác xã đã thấy rõ. Các thành viên góp vốn đều có thu nhập từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng trong năm qua. Từ diện tích trồng keo trước đây, nhiều người dân thấy hiệu quả từ cây gỗ lớn đã triển khai theo mô hình" – anh Triệu Quay Phúc nói.

Hội Nông dân Quảng Ninh trao cây quế cho các hộ dân tại huyện Bình Liêu hồi tháng 3/2022.

Huyện miền núi Ba Chẽ có diện tích rừng lớn được tỉnh Quảng Ninh quy hoạch là vùng trọng điểm thay đổi cây rừng, có tỷ lệ trồng lim xanh, dổi, lát hoa cao nhất. Đến nay, huyện đã thành lập tổ công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cá nhân đăng ký thực hiện hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa tại các thôn, bản. Người dân đăng ký trồng rừng cây gỗ lớn được hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, tối đa 15 triệu đồng/ha và được hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp không quá 20 triệu đồng/ha.

Nhận thức rõ lợi ích từ trồng cây gỗ lớn, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, nhiều hộ gia đình ở Ba Chẽ đã mạnh dạn chuyển một phần diện tích cây rừng ngắn ngày sang trồng các loại cây gỗ lớn lâu năm có giá trị kinh tế cao như lim, lát, dổi, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương.

Năm 2022, từ tháng 7 cho đến hết tháng 9 là khung thời vụ trồng rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tranh thủ thời tiết thuận lợi mưa nhiều, người dân các địa phương đã tích cực thực hiện trồng rừng gỗ lớn.

Nối vòng tay lớn để có rừng gỗ lớn

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh Vũ Duy Văn cho biết, tính đến hết tháng 10/2022, các địa phương đã thực hiện trồng rừng gỗ lớn vượt kế hoạch tỉnh giao, với diện tích gần 2.200 ha (tỉnh giao 2.000 ha năm 2022).

Để phát triển lâm nghiệp bền vững, ngày 28/11/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có diện tích trồng rừng gỗ lớn gần 12.900 ha; trong đó, có gần 9.000 ha rừng trồng và trên 3.800 ha rừng chuyển hóa.

Bà Trần Thị Hỷ (thôn Pắc Liềng, thị trấn Bình Liêu) phấn khởi trồng cây quế do tỉnh hỗ trợ, quyết tâm thay đổi giống cây keo ngắn ngày.

Chương trình trồng rừng gỗ lớn ở Quảng Ninh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, đơn vị vào cuộc hỗ trợ tiền, cây giống cho người dân. Theo ước tính đã có gần 50 cơ quan, đơn vị, tập đoàn, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ủng hộ kinh phí hỗ trợ các địa phương trồng rừng gỗ lớn.

Cụ thể như Tập đoàn Sun Group hỗ trợ cây giống trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh trị giá 5 tỷ đồng cho 11 địa phương, đơn vị với 400 ha; Tập đoàn Amata hỗ trợ thành phố Móng Cái trồng 10 ha rừng gỗ lớn tại thôn Pò Hèn (xã Hải Sơn); Tổ hợp khu công nghiệp Deep C (thị xã Quảng Yên) đã hỗ trợ huyện Tiên Yên cây giống dổi, lát trị giá 300 triệu đồng; Chi đoàn Đồn Biên phòng Quảng Đức phối hợp với Huyện Đoàn Hải Hà tổ chức phát động, vận động lực lượng đoàn viên, thanh niên và nhân dân trên địa bàn tham gia trồng được gần 4.000 cây lim, dổi dọc tuyến đường vành đai biên giới đơn vị phụ trách quản lý, bảo vệ tại các cột mốc biên giới…

Nhằm khắc phục những hạn chế trong chiến lược phát triển trồng rừng gỗ lớn, ngành lâm nghiệp tỉnh Quảng Ninh đang tích cực triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng. Theo đó, đối với chính sách hỗ trợ phát triển rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, tối đa 15 triệu/ha. Đối với chính sách hỗ trợ chuyển loại từ rừng, đất rừng sản xuất sang rừng, đất rừng phòng hộ, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, vật tư và 50% chi phí nhân công, chăm sóc, bảo vệ đối với diện tích rừng để đạt tiêu chí rừng phòng hộ; mức hỗ trợ tối đa không quá 45 triệu đồng/ha.

Theo đó, những năm gần đây, rừng được bảo vệ và phát triển, độ che phủ rừng hàng năm tăng, chất lượng rừng cải thiện đáng kể. Các mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là cơ sở để khai thác tốt các điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó, trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn mở ra triển vọng tạo hàng hóa lâm sản có tính cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

Có thể nói, những giải pháp quyết liệt, đồng bộ để bảo vệ và phát triển rừng đã và đang được tỉnh Quảng Ninh chú trọng thực hiện trong thời gian qua. Bởi việc giữ gìn tốt “lá phổi xanh” cũng chính là cách để ươm mầm cho hàng loạt những lợi ích to lớn về môi trường, khí hậu, cảnh quan, nguồn sinh kế ổn định trước mắt và về lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Ninh quyết tâm phủ xanh rừng gỗ lớn