Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực mở cửa đón làn sóng đầu tư chuyển dịch mạnh mẽ vào khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Nhiều đơn vị, tập đoàn lớn nhanh chóng quyết định đầu tư tại Quảng Ninh tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
Đồng hành cùng nhà đầu tư
Ngày 19/9 vừa qua, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam (Dự án Jinko2) cho Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar (Việt Nam) tại Khu công nghiệp Sông Khoai, thị xã Quảng Yên.
Dự án có tổng vốn đăng ký là 365,6 triệu USD. Và đây là một trong những dự án được tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận trong thời gian rất nhanh, chỉ sau 4 ngày nhận được hồ sơ bổ sung của Nhà đầu tư.
Điều đặc biệt đây là dự án thứ 2 của Công ty tại Quảng Ninh sau 6 tháng khi Công ty đầu tư Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (Dự án Jinko 1) với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 500 triệu USD. Chính trong quá trình đầu tư Dự án Jinko1 tại Quảng Ninh, Nhà đầu tư là Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam đã quyết định “bẻ lái” ý định đầu tư Dự án Jinko2 tại Malaysia để đầu tư tại Quảng Ninh.
Lý giải về quyết định của Công ty khi lựa chọn Quảng Ninh là điểm đầu tư Dự án Jinko2, ông Hoàng Kim Tinh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam, chia sẻ: Sau 6 tháng kể từ khi nhận được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Jinko1, chúng tôi đã được nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Jinko 2. Kết quả này, đã khẳng định sự quan tâm, ủng hộ, đồng hành của tỉnh Quảng Ninh. Trực tiếp Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Xuân Ký đã đến kiểm tra, động viên và cam kết tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ Tập đoàn tiếp tục triển khai đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh. Do đó, chúng tôi đã quyết định lựa chọn đầu tư triển khai dự án mới tại Quảng Ninh.
Công ty Jinko Solar Việt Nam không phải là trường hợp duy nhất lựa chọn tỉnh Quảng Ninh là địa điểm đầu tư khi đã có dự định đầu tư, mở rộng ở một địa phương khác. Tôi còn nhớ cách đây vài năm, một tập đoàn lớn của Việt Nam chuyên về sản xuất ô tô đã có nhà máy lắp ráp tại địa phương khác và có ý định mở rộng quy mô nhưng sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Quảng Ninh cũng đã quyết định chuyển hướng đầu tư tại Quảng Ninh chứ không phải là những địa phương mà tập đoàn này đã dự định, lên phương án đầu tư trước đó.
Cùng "vượt bão" Covid-19
Do kiên định với chính sách thu hút đầu tư hướng vào những nhà đầu tư có chuyên nghiệp, những “sếu đầu đàn” và có những giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả nên công tác thu hút đầu tư các dự án của tỉnh Quảng Ninh những năm qua luôn đạt kết khả quan. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp như hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đã làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, vừa giúp các nhà đầu tư ổn định, phát triển sản xuất vừa thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư mới.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng vốn thu hút vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (chưa tính Khu kinh tế Vân Đồn) đạt 40.783 tỷ đồng, tương đương khoảng 1.867 triệu USD, đạt 148% kế hoạch thu hút đầu tư theo Kịch bản tăng trưởng năm 2021. Trong đó thu hút mới 15 dự án, có 8 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,244 tỷ USD và 7 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là 14.320,4 tỷ đồng. Riêng nguồn vốn thu hút vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 28.521 tỷ đồng, gấp 3,56 lần so với mục tiêu đặt ra.
Hoạt động của các dự án cơ bản phù hợp với định hướng ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên thu hút của tỉnh đề ra tại Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020- 2025, định hướng đến năm 2030, góp phần đẩy mạnh việc hình thành chuỗi các dự án sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử, điện và sản xuất công nghiệp dệt may trên địa bàn các KCN, KKT.
Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh cho biết, ‘bí quyết’ tạo sức hút đối với các nhà đầu tư đến với Quảng Ninh đó là tỉnh luôn chú trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, tích cực chăm sóc, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp trong suốt quá trình triển khai dự án và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo niềm tin về môi trường đầu tư an toàn, thân thiện và hấp dẫn trong cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp. Ban đã phối hợp với các ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp như: Giải quyết vướng mắc của Nhà đầu tư trong công tác nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động của dự án đầu tư (Dự án Weili tại KCN Việt Hưng, Dự án S-Việt Nam tại KCN Đông Mai, Dự án nhà máy dệt kim Texhong tại KCN Texhong-Hải Hà, Dự án Công trình hạ tầng kỹ thuật phụ trợ phục vụ cho KCN Texhong Hải Hà); Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xuất khẩu hàng hóa của công ty TNHH KHKT Texhong Ngân Hà… Với những trải nghiệm thực tiễn môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh của tỉnh Quảng Ninh, nhiều Nhà đầu tư đã quyết định tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư hoặc mời gọi các đối tác vệ tinh đầu tư tại Quảng Ninh.