Quảng Ninh đang đẩy mạnh xúc tiến, phát triển du lịch biên giới, góp phần hoàn thành mục tiêu đón 20 triệu khách năm 2025.
Ngày 25/2/2025, cặp cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam) - Động Trung (khu Phòng Thành, Trung Quốc) chính thức được thông quan xuất nhập cảnh cho khách du lịch và cư dân biên giới.
"Điều này không chỉ tác động rất lớn đến phát triển thương mại mà còn mở ra cơ hội lớn để thúc đẩy du lịch biên giới. Việc khai thác du lịch qua cửa khẩu Hoành Mô được Bình Liêu xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đạt được kịch bản tăng trưởng kinh tế cũng như chỉ tiêu phát triển du lịch của huyện", ông Vi Ngọc Nhất, Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Bình Liêu khẳng định.
Từ khi cặp cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc) thông quan xuất nhập cảnh đến nay, trung bình mỗi ngày Bình Liêu đón khoảng 200 lượt khách Trung Quốc, chủ yếu là khách đi về trong ngày.
Bình Liêu cũng đã định hình một số tour tuyến mang đặc thù văn hoá, thắng cảnh đặc sắc để đáp ứng khách du lịch biên giới, như: Hành trình Cửa khẩu Hoành Mô - Chợ phiên Bình Liêu - Thác Khe Vằn - Núi Cao Ly; Cửa khẩu Hoành Mô - vườn hoa Cao Sơn - Núi Cao Ly; Cửa khẩu Hoành Mô - khu vực trồng và chế biến dong riềng… Huyện sẽ tích cực phối hợp với các sở, ngành chức năng và bên phía bạn để tiến hành khảo sát, nghiên cứu và hoàn thiện các tour tuyến này.
Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, đặc trưng văn hóa đặc sắc, Bình Liêu nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, loại hình du lịch nhằm tăng thu hút du khách quanh năm, xóa bỏ tính mùa vụ của du lịch ở miền Bắc. Trong đó, huyện đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bản văn hóa du lịch người Sán Chỉ và người Dao tại bản Lục Ngù (xã Húc Động) và bản sông Moóc (xã Đồng Văn); phát triển các sản phẩm du lịch "công viên hoa Sở" tại xã Đồng Tâm, "công viên hoa Dong Riềng" - trải nghiệm quy trình sản xuất và thưởng thức miến dong Bình Liêu tại xã Húc Động;... Bên cạnh đó, huyện cũng hợp tác với các doanh nghiệp nâng cấp các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm như: Đi bộ xuyên rừng ở xã Đồng Văn; chèo thuyền kayak trên sông Bình Liêu;...
Huyện Bình Liêu cũng đang tập trung cải thiện, nâng cấp hạ tầng du lịch thông qua việc cải tạo, mở rộng các tuyến đường kết nối các điểm du lịch và khu dân cư; phát triển các khu cắm trại và đầu tư hạ tầng viễn thông, nhà vệ sinh công cộng và các tiện ích khác ở điểm du lịch...
"Để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động du lịch biên giới qua cặp cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc), chúng tôi mong muốn các cấp có thẩm quyền triển khai cơ chế thông thoáng hơn về du lịch, ví dụ giấy thông hành du lịch như các cặp cửa khẩu khác...", ông Nhất chia sẻ.
Tại thành phố vùng biên Móng Cái - một trong những trung tâm du lịch sôi động nhất của Quảng Ninh, địa phương đang tập trung duy trì phát triển và làm mới các sản phẩm du lịch đã có, đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch mới.
Nổi bật là việc phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng gắn với giáo dục truyền thống lịch sử và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu làng người Dao (xã Hải Sơn), thông qua: Khai thác sản phẩm tham quan di tích lịch sử Quốc Gia “Đài tưởng niệm liệt sỹ Pò Hèn”; tham quan cột mốc 1347; du lịch sinh thái, trải nghiệm đồi sim tình yêu, làng bích họa xóm họ Đặng, trải nghiệm trồng cây, thu hoạch củ, quả bốn mùa, ẩm thực mẹt...; vận động các hộ dân đầu tư dịch vụ lưu trú homestay, dịch vụ chăm sóc sức khỏe (tắm thuốc lá người Dao, massage...) gắn với việc bảo tồn, phát triển.
Từ đầu năm 2025, Móng Cái đã chính thức đưa vào hoạt động chương trình City tour bằng xe điện phục vụ khách thăm quan thành phố lung linh sắc màu về đêm, trải nghiệm các điểm du lịch gồm: Đền Xã tắc, cầu Ka Long, Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, đình Trà Cổ, nhà thờ Trà Cổ, cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, phố đi bộ và phố ẩm thực Trần Phú, Ka Long... Đồng thời, làm mới và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch tại phố đi bộ Trần Phú gắn với phát triển chợ đêm.
Hiện, thành phố đang tích cực hoàn thiện các sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn, phục vụ du khách trải nghiệm tham quan hồ, đầm, câu cá, hái rau sạch, thưởng thức ẩm thực biển, cắm trại… trên địa bàn phường Hải Yên và xã Hải Xuân. Dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong dịp 30/4 tới đây.
Thành phố cũng đang đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc triển khai các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Trà Cổ Long Beach và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí tại Khu đô thị Vinhomes Golden Avenue Móng Cái.
"Bên cạnh đó, TP Móng Cái đang tích cực phối hợp với TP Đông Hưng (Trung Quốc) khảo sát, thống nhất và báo cáo cấp có thẩm quyền triển khai hoạt động du lịch trên sông biên giới Bắc Luân. Đồng thời, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao phù hợp, tăng cường giao lưu nhân dân, liên kết hợp tác thu hút phát triển du lịch biên giới. Điển hình như giải đạp xe qua biên giới sẽ được tổ chức vào dịp 30/4 này...", ông Vũ Tuấn Anh, Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin TP Móng Cái cho biết.
Với những nỗ lực và kế hoạch cụ thể, các địa phương vùng biên của Quảng Ninh đang tích cực thúc đẩy phát triển du lịch biên giới, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.