Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo luôn được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm, thể hiện ở từng chủ trương, chính sách trong suốt quá trình phát triển của địa phương.
Những năm gần đây, Quảng Ninh tiếp tục tạo đột phá trong việc tập trung, ưu tiên dành nguồn lực cho Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, Quảng Ninh ưu tiên bố trí trên 3.400 tỷ đồng vốn đầu tư ngân sách tỉnh hỗ trợ trực tiếp thực hiện Chương trình, cùng hàng nghìn tỷ đồng vốn lồng ghép, vốn sự nghiệp và huy động tổng thể các nguồn lực khác.
Ông Lục Thành Chung - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh cho biết: Bám sát chủ trương, chính sách của Trung ương nhằm thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 13 dự án giao thông động lực, kết nối vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo bằng nguồn vốn chương trình đã được hoàn thành. Tỉnh đã hoàn thành hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà ở dột nát cho 441 hộ với tổng kinh phí thực hiện từ nguồn xã hội hóa là 32,96 tỷ đồng, trong đó hoàn thành việc hỗ trợ cho 66 hộ thuộc diện xóa nhà tạm, nhà ở dột nát thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Từ năm 2023 đến nay, tỉnh đã sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất cho 166 hạng mục công trình, trường học, với tổng kinh phí gần 1.400 tỷ đồng. Trong đó đầu tư nâng cấp 5 trường học thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, với tổng kinh phí hơn 48 tỷ đồng. Hệ thống cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, thể thao vùng DTTS được các cấp, các ngành quan tâm, đầu tư, nâng cấp đồng bộ. 100% thôn, bản vùng đồng bào DTTS có nhà văn hóa...
Nhiều cơ chế, chính sách cụ thể về y tế, giáo dục, văn hóa, nhà ở, giải quyết việc làm, tín dụng chính sách xã hội, góp phần đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội cho bà con vùng đồng bào DTTS, miền núi được triển khai kịp thời. Điển hình như: Đề án nâng cao chỉ số phát triển con người tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025; đề án tuyên truyền, vận động cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2022-2025...
Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 17 ngày 30/10/2023 về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng để thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS, gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, quan điểm của Quảng Ninh không chỉ dừng lại ở việc lo cho đồng bào DTTS có cơm ăn, áo mặc, trẻ con được học hành, mà còn từng bước tạo dựng nên vùng đồng bào DTTS có nền kinh tế phát triển bền vững, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống; đoàn kết yêu thương, đùm bọc nhau, gắn kết cùng cộng đồng đồng bào DTTS trong vùng giữ vững quốc phòng - an ninh biên giới, quốc gia, dân tộc.