Nông nghiệp hữu cơ nhằm bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác.
Xác định nông nghiệp hữu cơ là xu hướng sản xuất tất yếu để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh đang tích cực nghiên cứu, xây dựng đề án, tham mưu với UBND tỉnh phát triển nông nghiệp hữu cơ theo từng giai đoạn và tầm nhìn đến năm 2030.
Ông Nguyễn Trung Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ninh cho biết: Mục tiêu của đề án là phát triển một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, khuyến khích sản xuất các sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn và có chứng nhận.
Ở lĩnh vực trồng trọt, đề án tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm rau, củ, quả, chè, dược liệu, lúa gạo hữu cơ tại các địa phương: Quảng Yên, Vân Đồn, Ba Chẽ, Bình Liêu, Hải Hà... Sau đó, khoanh vùng, thực hiện giai đoạn chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ đối với 55ha sản xuất trồng trọt.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, đề án xây dựng tập trung phát triển sản phẩm gia súc, gia cầm hữu cơ tại: Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà và Móng Cái; trong đó, tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi hữu cơ 10 - 15%.
Để thực hiện những mục tiêu này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham mưu với tỉnh xây dựng các chính sách khuyến khích nông nghiệp hữu cơ như: Hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ (điều tra cơ bản; khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước...); hỗ trợ toàn bộ kinh phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm.
Cũng theo ông Thành, trước mắt, cần có sự quy hoạch đồng bộ, bài bản. Những khó khăn hiện nay đòi hỏi cần phải có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương, để từ đó có những giải pháp tốt nhất nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Nông nghiệp hữu cơ nhằm bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác, chỉ được sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại, các vật tư đạt chuẩn. Mô hình này đang có xu hướng phát triển tại nhiều địa phương, nhưng để có sự bền vững, ổn định cần sự chung tay, góp sức của các cơ quan ban ngành và cơ sở sản xuất.
Việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đòi hỏi đảm bảo tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc như cung cấp chất dinh dưỡng thông qua quá trình phân hủy chất hữu cơ bởi vi sinh vật hoặc từ các khoáng chất, phù sa sông suối. Bên cạnh đó, việc phòng trừ sâu, bệnh, cỏ dại chủ yếu bằng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân, mà còn đảm bảo hệ sinh thái bền vững, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác, góp phần bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bắt đầu ứng dụng nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất. Tuy nhiên, các mô hình này mới chỉ dừng lại ở bước đầu, còn manh nha, nhỏ lẻ. Thực tế cho thấy, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ còn nhiều khó khăn.
Ông Thành cho rằng, đầu ra sản phẩm là nhân tố quyết định của sản xuất. Tuy nhiên, đây lại là giai đoạn khó khăn nhất của sản phẩm hữu cơ hiện nay. Để có sản phẩm hữu cơ đòi hỏi rất nhiều điều kiện nên nông nghiệp hữu cơ không có được mức tăng trưởng nhanh như sản xuất nông nghiệp thâm canh. Bên cạnh đó, việc sản xuất cần hàng loạt các chi phí khiến giá sản phẩm ở mức cao, người tiêu dùng đứng trước nhiều sự lựa chọn nên đầu ra gặp khó khăn.