Thời gian qua, nhiều tàu cá từ tỉnh khác đến vùng biển ven bờ tỉnh Quảng Trị dùng mìn, điện cao áp hoặc nghề giã cào để khai thác hải sản theo kiểu “tận diệt”.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị kiểm tra tàu cá vi phạm.
Điển hình vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 vừa qua, một số tàu cá của các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa… làm nghề lưới chụp gần bờ, có sử dụng mìn để khai thác hải sản. Trong quá trình khai thác, khâu thu lưới và vớt cá chưa hết nên cá còn sót lại trên biển bị chết trôi dạt vào bờ từ xã Triệu An đến xã Triệu Vân thuộc huyện Triệu Phong.
Không chỉ tận diệt nguồn lợi thủy sản, làm ảnh hưởng lớn đến môi trường, một số tàu giã cào còn gây mất an ninh, trật tự vùng biển. Theo quy định, các tàu giã cào công suất lớn chỉ được cấp phép đánh bắt ở ngoài khơi và một số vùng biển nhất định. Thế nhưng, vào mùa cá hằng năm, khi mà các loại thủy, hải sản vào gần bờ để sinh sản thì nhiều tàu giã cào đã bất chấp quy định, ép sát bờ để tận thu các nguồn lợi thủy sản.
Mới đây, vào ngày 26/5, lực lượng biên phòng tỉnh Quảng Trị đã phát hiện 3 tàu cá tỉnh Quảng Ngãi đánh bắt hải sản ở vùng biển ven bờ bằng nghề giã cào. Lực lượng chức năng đã lập biên bản và xử lý các chủ tàu cá vi phạm theo quy định.
Theo ông Hồ Xuân Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong, môi trường biển mới phục hồi sau 2 năm xảy ra sự cố môi trường biển vào tháng 4 và tháng 5-2016, do đó lực lượng chức năng cần kiên quyết ngăn chặn việc dùng mìn, điện cao áp, mắt lưới không đúng kích cỡ để đánh bắt hải sản.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý 3 tàu cá làm nghề lặn hoạt động trái phép trong Khu bảo tồn biển Cồn Cỏ. Trong quá trình tuần tra biển, các lực lượng cũng đã phát hiện 6 vụ khai thác hải sản trái phép và xử phạt các chủ tàu 17,5 triệu đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, tỉnh đã chỉ đạo lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt, nắm bắt và xử lý theo quy định của pháp luật đối với những tàu cá làm các nghề bị cấm hoặc dùng chất cấm để khai thác hải sản; đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, không để tình trạng khai thác hải sản trái phép tái diễn, ảnh hưởng đến sản xuất trên biển.