Tỉnh Quảng Trị đã chuyển đổi 148 ha đất rừng để lấy đất xây dựng làm dự án điện gió trong khi chưa có đánh giá tác động môi trường tổng thể, tạo điều kiện cho các dự án này hoàn thành trước ngày 31/10 để “tranh thủ” ưu đãi của Chính phủ. Trong khi đó, dự án khu bến cảng Mỹ Thủy được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án năm 2019 đến nay vẫn chưa triển khai, UBND tỉnh mới ra văn bản nhắc nhở.
Dự án động lực, quan trọng liên tục sai hẹn
Dự án khu bến cảng Mỹ Thủy được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án năm 2019. Theo đánh giá của lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, đây là dự án động lực, quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhà đầu tư thực hiện dự án là Công ty CP liên doanh cảng quốc tế Mỹ Thủy, tổng vốn đầu tư của dự án là 14.234 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư để thực hiện dự án là 2.143 tỷ đồng.
Tiến độ thực hiện dự án đầu tư gồm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 từ năm 2018 - 2025 sẽ đầu tư 4 bến cảng, tổng vốn đầu tư 4.946 tỷ đồng; Giai đoạn 2 từ năm 2026 - 2031 sẽ đầu tư 3 bến cảng, tổng vốn đầu tư 4.980 tỷ đồng; giai đoạn 3 từ năm 2032 - 2036 sẽ đầu tư 3 bến, tổng vốn đầu tư 4.308 tỷ đồng.
Vào tháng 2/2020, tỉnh Quảng Trị đã rầm rộ khởi công Dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy tại xã Hải An, huyện Hải Lăng thuộc khu kinh tế Đông Nam.
Sau lễ khởi công, dự án rơi vào trạng thái "án binh bất động" do chủ đầu tư chưa hoàn thiện nhiều thủ tục đầu tư quan trọng như chưa hoàn thành các thủ tục thẩm định, phê duyệt thiết kế cơ sở, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép xây dựng...
Đầu tháng 1/2021, sau buổi làm việc với Công ty Mỹ Thủy về vấn đề trên, UBND tỉnh Quảng Trị đã có chủ trương thống nhất với các ban ngành chức năng liên quan về việc chấm dứt nhà đầu tư này đối với dự án đầu tư xây dựng, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét thông qua để trình Thủ tướng Chính phủ nhằm xin thay đổi nhà đầu tư phù hợp. Nhưng không hiểu vì lý do gì việc thay chủ đầu tư vẫn không được thực hiện.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị một lần nữa lại bày tỏ quan điểm “quyết liệt” trên giấy bằng văn bản cảnh báo Công ty CP liên doanh cảng quốc tế Mỹ Thuỷ (chủ đầu tư) đã không thực hiện đúng các nội dung như đã cam kết về chứng minh năng lực tài chính, vốn chủ sở hữu, ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án, bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hoàn thành hồ sơ thiết kế cơ sở, đánh giá tác động môi trường... do đó, không thể tổ chức thi công dự án trước ngày 31/7 như đã cam kết.
Được biết, Công ty CP liên doanh cảng quốc tế Mỹ Thủy được thành lập năm 2015 với số vốn điều lệ là 500 tỷ đồng. Trụ sở doanh nghiệp nằm tại số 169 quốc lộ 9, phường 5, TP Đông Hà, Quảng Trị.
Ông Cho Gilhyung (54 tuổi) là người đại diện pháp luật và là Tổng Giám đốc của công ty. Cổ đông của Công ty CP liên doanh cảng quốc tế Mỹ Thủy bao gồm: Công ty TNHH Đầu tư phát triển dịch vụ xây dựng Việt Nam (70%), Công ty TNHH Phát triển khoáng sản Duy Tân (25%) và cá nhân ông Trần Hưng Khánh. Công ty TNHH Đầu tư phát triển dịch vụ xây dựng Việt Nam (doanh nghiệp nắm giữ 70% cổ phần của Công ty CP Liên doanh cảng quốc tế Mỹ Thủy) cũng do ông Cho Gilhyung làm người đại diện pháp luật và là Tổng Giám đốc.
Từ khi thành lập, Công ty CP liên doanh cảng quốc tế Mỹ Thủy, Công ty TNHH Đầu tư phát triển dịch vụ xây dựng Việt Nam là những công ty có kết quả kinh doanh liên tục thua lỗ, không tìm thấy gói thầu hay dự án nào đã được thực hiện được công bố trên hệ thống đấu thầu quốc gia.
Vội vã bạt rừng cho thi công điện gió
Dự án động lực, quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có giá trị lên đến hơn 14 nghìn tỷ đồng có nguy cơ “phá sản” nhưng lãnh đạo địa phương vẫn còn lúng túng trong việc tìm giải pháp giải quyết. Việc lựa chọn nhà đầu tư sai, nhà đầu tư gian lận hồ sơ để được giao dự án chắc chắn cần được điều tra, làm rõ.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần phải có giải pháp quyết liệt để thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, không thể vì chậm chỗ này, thì đẩy nhanh chỗ khác bất chấp các quy định của pháp luật. Việc phát triển điện gió ồ ạt, chưa đánh giá tác động môi trường tổng thể, có vi phạm trong việc chuyển đổi rừng là có nhưng tại cuộc họp báo tình hình kinh tế xã hội 7 tháng đầu năm tỉnh Quảng Trị, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị và ông Hà Sĩ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị (Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực) cho rằng làm điện gió vẫn là “được nhiều hơn mất”.
Quảng Trị có thể mất rừng, người dân có thể phải sống chung với khói bụi, tiếng ồn, đứng trước nguy cơ bị sạt lở khi mùa mưa đến nhưng việc chưa đánh giá tổng thể tác động môi trường, vi phạm chuyển đổi rừng là vi phạm các quy định của pháp luật, không thể so sánh “được” hay “mất”.
Cũng tại buổi họp báo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị đã thành lập các đoàn kiểm tra việc tuân thủ Luật Lâm nghiệp với các dự án điện gió trong các tháng 4, 5, 6. Kết quả, qua kiểm tra hàng chục vị trí, vi phạm của các dự án điện gió là có, Sở NN-PTNT đã cho chấn chỉnh.
Còn đại diện Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị cho biết diện tích đất dành cho năng lượng của Quảng Trị được quy hoạch là 1.800 ha, riêng đối với điện gió là 439 ha, có một số dự án thi công ồ ạt khi chưa xong thủ tục cấp đất là do một số nguyên nhân khách quan, đặc biệt là áp lực phải hoàn thành trước ngày 31/10 để hưởng ưu đãi của Chính phủ.
Áp lực phải hoàn thành trước ngày 31/10 để hưởng ưu đãi của Chính phủ không có nghĩa để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi, chính quyền phải cho doanh nghiệp làm tắt, làm sai quy trình. “Được” hay “mất” ở đây chưa ai có thể khẳng định khi những dự án điện gió chưa đi vào hoạt động, khi những người dân còn đang phải sống chung với ô nhiễm môi trường và những rủi ro thiên tai, bệnh tật.
Quy trình cấp chủ trương đầu tư, kế hoạch sử dụng đất, thủ tục chuyển đổi rừng - đất rừng, quy hoạch các dự án năng lượng và quy trình thực hiện dự án… của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị cần được làm rõ, không thể dùng tư tưởng “đi tắt đón đầu” trong việc thực hiện các quy định pháp luật. Đã đến lúc, Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc xác minh để đánh giá thực hư Quảng Trị “được nhiều” hay “mất nhiều”?