Quay cuồng trong khủng hoảng khí hậu

Mai Phương 29/07/2023 07:05

Châu Á - Lục địa lớn nhất và đông dân nhất thế giới đang tính đến những tác động chết người của thời tiết mùa hè khắc nghiệt, khi các quốc gia phải chịu đựng những đợt nắng nóng gay gắt và lượng mưa gió mùa kỷ lục.

Đường cao tốc ngập nước sau mưa lũ ở Pakistan. Ảnh: Reuters.

Lũ lụt đi kèm nhiệt độ cao kỷ lục

Trong tháng này, những cơn mưa xối xả đã làm ngập lụt nhiều khu vực của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ, làm đảo lộn cuộc sống của hàng triệu người dân và gây ra lũ quét, sạt lở đất và cắt điện. Nhiệt độ kỷ lục cũng dẫn đến sự gia tăng các bệnh liên quan đến nhiệt, đặc biệt là ở các đối tượng dễ bị tổn thương như người lớn tuổi.

Tuần trước, ít nhất 13 người ở thành phố Cheongj (miền Trung Hàn Quốc), đã thiệt mạng sau khi nước tràn bờ sông làm ngập một đường hầm, khiến các phương tiện bị mắc kẹt, bao gồm cả xe buýt công cộng. Chưa kể, ít nhất 41 người khác đã thiệt mạng ở Hàn Quốc trong những ngày gần đây và hàng nghìn người khác buộc phải sơ tán khỏi nhà và tìm nơi trú ẩn tạm thời khi những trận mưa lớn đổ bộ vào miền Trung và miền Nam của đất nước.

Ở nước láng giềng Nhật Bản, lượng mưa kỷ lục phía Tây Nam nước này đã dẫn đến lũ lụt tàn khốc khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và nhiều người khác mất tích.

Thủ đô Delhi của Ấn Độ hôm 10/7 đánh dấu ngày tháng 7 ngập lụt nhất trong hơn 40 năm qua. Những trận mưa lớn buộc các trường học phải đóng cửa và khiến nhiều người dễ bị tổn thương không có nơi trú ẩn. Hai tuần sau đó, ngày 26/7, mưa lớn đã gây ngập lụt tại một khu vực gần thủ đô New Delhi của Ấn Độ, khiến nhiều người phải sơ tán và trường học phải đóng cửa.

Trong khi một số khu vực đang vật lộn với những trận mưa lớn chết người, những khu vực khác lại đang phải đối mặt với cái nóng như thiêu như đốt.

Tuần trước, một trạm thời tiết ở Đông Bắc Trung Quốc ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục 52,2 độ C, trong khi Nhật Bản ghi nhận nhiệt độ tăng lên 39,7 độ C. Tổng cộng, hơn 5 trạm thời tiết ở Trung Quốc đã vượt quá mức 50 độ C - một trong những mức nóng nhất trong lịch sử. Điều này xảy ra sau một mùa hè nóng kỷ lục ở thủ đô Bắc Kinh, nơi có nhiệt độ vào đầu tháng 7 tăng vọt lên 40 độ C, khiến các quan chức phải đưa ra cảnh báo đỏ về nhiệt độ trong hai tuần khi khủng hoảng khí hậu toàn cầu gia tăng.

Sóng nhiệt cũng đã tấn công các vùng của Nhật Bản. Nhiệt độ vào đầu tuần này đã tăng lên mức cao 39,7 độ C tại thành phố Kiryu, thành phố lớn nhất và đông dân nhất Nhật Bản (nằm ở tỉnh Gunma trên đảo Honshu ), và 39,6 độ C tại thị trấn Hatoyama thuộc tỉnh Saitama. Các trường hợp say nắng ngày càng trở nên phổ biến ở người cao tuổi Nhật Bản, chiếm 28% dân số.

Nhiệt độ ở thủ đô Tokyo đã tăng vọt đến mức nguy hiểm trong những năm gần đây, khiến các quan chức chính phủ phải kêu gọi phân phối điện khi đất nước phải vật lộn với tình trạng thiếu điện ngày càng tăng.

Khu vực dễ tổn thương

Các nhà khoa học đã cảnh báo, tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục gia tăng khi cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra ngày càng gia tăng. Trong bản cập nhật khí hậu hàng năm, Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết, thế giới đang trên đà vi phạm ngưỡng khí hậu quan trọng trong 5 năm tới khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng cao hơn mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Châu Á, với tổng dân số ước tính khoảng 4,4 tỷ người, rất dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, với những đợt thời tiết khắc nghiệt gần đây dẫn đến tình trạng thiếu nước, mất mùa và làm chậm sự phát triển của nền kinh tế.

Tính dễ bị tổn thương đó đã trở thành tâm điểm chú ý vào năm ngoái khi lũ lụt thảm khốc tấn công Pakistan giết chết hơn 1.700 người và khiến hàng triệu người mất nhà cửa. Quốc gia Nam Á này hiện đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, nó còn trở nên tồi tệ hơn do lạm phát tăng vọt khi lũ lụt làm hỏng vụ thu hoạch năm ngoái.

“Có một điều rất rõ ràng rằng, những gì đã xảy ra ở Pakistan sẽ không chỉ diễn ra ở Pakistan” - Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif nói với các nhà lãnh đạo thế giới tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9 năm ngoái, cảnh báo rằng, biến đổi khí hậu sẽ không bỏ qua bất kỳ nước nào.

Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nước láng giềng Ấn Độ nằm trong số những quốc gia được cho là sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng khí hậu, có khả năng ảnh hưởng đến 1,4 tỷ người trên toàn quốc. Sau khi hứng chịu những đợt nắng nóng gay gắt gần đây ở phía Bắc và phía Đông, hàng nghìn người sau đó buộc phải chạy trốn lũ lụt nghiêm trọng ở các bang như Himachal Pradesh vào tuần trước sau khi mưa lớn tàn phá các ngôi làng và biến đường thành sông.

Trong một báo cáo được công bố hôm 27/7, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, các hiện tượng thời tiết cực đoan, từ hạn hán đến lũ lụt quy mô lớn và các tác động khác của biến đổi khí hậu đang gia tăng ở châu Á và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực cũng như hệ sinh thái của châu lục này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quay cuồng trong khủng hoảng khí hậu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO