Những con đường mới mở rộng rãi, những khu đô thị khang trang, những khu công nghiệp hiện đại mọc lên. Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) chuyển mình mạnh mẽ “từ làng lên phố”. Nhưng rút kinh nghiệm trong phát triển đô thị ở nhiều địa phương khác, Quế Võ sớm xây dựng quy hoạch, phát triển hạ tầng đồng bộ, định hình một thị xã, góp phần đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trong tương lai.
Định hình một đô thị hiện đại
Quế Võ là đô thị có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi liên kết vùng với nhiều tuyến giao thông trọng điểm chạy qua, bao gồm: Quốc lộ 18, quốc lộ 17, tỉnh lộ 279, 287; hệ thống giao thông đường thuỷ trên các tuyến sông Cầu và sông Đuống, cùng với đó là các dịch vụ vận tải đường dài, logistics, ICD Tân cảng Bắc Ninh I, cảng Đức Long…
Đến nay, sau hơn 10 năm đầu tư xây dựng phát triển đô thị theo định hướng quy hoạch vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Quế Võ chuyển mình mạnh mẽ thành một đô thị công nghiệp, dịch vụ thương mại, trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa.
Trong giai đoạn trước năm 2021, UBND huyện Quế Võ phê duyệt 72 đồ án QH, bao gồm: QH chung xây dựng nông thôn mới, QH chi tiết trung tâm xã (20/20 xã), QH chi tiết khu nhà ở đấu giá quyền sử dụng tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng và các dự án dân cư dịch vụ trên địa bàn các xã: Phương Liễu, Phượng Mao, Việt Hùng, thị trấn Phố Mới… Quy hoạch này là “bộ khung” để Quế Võ xây dựng, phát triển đô thị.
Ngoài thị trấn Phố Mới từ lâu đã định hình dáng vóc một đô thị, ngay cả khu vực “từ làng lên phố” cũng thay đổi diện mạo một cách nhanh chóng. Đến xã Việt Hùng, không ai không bất ngờ bởi đây vốn là xã thuần nông. Nhưng dọc trục QL 18 đoạn qua địa bàn xã, bây giờ, nhiều công trình chung cư cao tầng, nhà ở thương mại được xây dựng đồng bộ, hiện đại. Đi sâu vào các tuyến đường trong xã, hai bên san sát những ngôi nhà cao tầng và các công trình phúc lợi công cộng mới đầu tư khang trang.
Hiện nay, để thúc đẩy tốc độ phát triển đô thị của huyện Quế Võ và khu vực trung tâm xã, tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đô thị tại xã Việt Hùng, xã Bằng An, diện tích gần 50 ha, quy mô dân số khoảng 7.200 người. Đây là khu đô thị hiện đại, nhiều không gian cây xanh, mặt nước, mật độ xây dựng thấp, có điểm nhấn, bản sắc riêng và đồng bộ về cơ sở hạ tầng xã hội, kỹ thuật, phát triển bền vững.
Ngoài Việt Hùng, diện mạo trung tâm các xã Quế Tân, Bằng An, Cách Bi, Bồng Lai, Phương Mao, Phương Liễu… cũng có nhiều đổi thay theo hướng khang trang, hiện đại.
Xác định xây dựng hạ tầng xã hội, nhất là hạ tầng giao thông là vấn đề cốt lõi cho sự phát triển của huyện, huyện Quế Võ triển khai nhiều dự án xây mới, cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm.
Đến nay, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Quế Võ có tổng chiều dài các tuyến đường khoảng hơn 1.200 km. Trong đó, các tuyến đường trục chính gồm: Hơn 31 km các tuyến quốc lộ (QL18, QL17); gần 40 km đường tỉnh (ĐT 278, ĐT279, ĐT287) và 75 km đường huyện đều đã được đầu tư xây dựng đồng bộ theo tiêu chuẩn đường đồng bằng cấp 3, 4.
Từ năm 2019, toàn huyện khởi công xây dựng nhiều công trình giao thông quan trọng, thiết thực liên quan đến đời sống sản xuất của nhân dân và hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan đô thị. Điển hình là các dự án: Đấu nối đường trục chính đô thị từ xã Phượng Mao sang Khu công nghiệp Quế Võ I (giai đoạn 2); cải tạo, nâng cấp đường Nội Doi - Cung Kiệm; mở rộng Tỉnh lộ 279 tạo thuận lợi cho giao thông vào Cụm công nghiệp Nhân Hòa - Phương Liễu; đường nội thị khu trung tâm huyện Quế Võ, đoạn từ Quốc lộ 18 đi xã Bằng An nối với Tỉnh lộ 279, thị trấn Phố Mới; đường trục Quế Võ đoạn từ QL 18 đi thôn Do Nha (Phương Liễu)…
Chủ tịch UBND huyện Quế Võ Đặng Văn Tuấn cho biết: “Năm 2022, mặc dù giai đoạn đầu năm vẫn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng Quế Võ vẫn thúc đẩy các dự án giao thông. Toàn huyện làm thêm 9,46 km đường bê tông xi măng, 19,72 km đường nhựa, cống dọc 30,03 km, cống ngang 3,33 km, tường kè 2,99 km, chiếu sáng 214,33 km, giá trị đạt 488,69 tỷ đồng, tăng 73,92% so với cùng kỳ năm 2021”.
Đô thị “đa quốc gia”
Với định hướng phát triển thành đô thị, Quế Võ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sang công nghiệp – dịch vụ. Được sự chỉ đạo, tạo điều kiện của tỉnh, Quế Võ đẩy mạnh xây dựng các khu công nghiệp, cải cách thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là những “đại bàng” lớn.
Đến nay, Quế Võ có 4 KCN với tổng diện tích 1.500 ha, thu hút hàng trăm doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Trong đó KCN Quế Võ 1 mở rộng quy mô 618 ha, KCN Quế Võ 2 quy mô 269,48 ha đang đầu tư hạ tầng, đã thu hút 30 doanh nghiệp hoạt động; KCN Quế Võ 3 quy mô 530 ha đang đầu tư hạ tầng, có hơn 10 doanh nghiệp hoạt động; KCN An Việt Quế Võ 6 quy mô 78,6 ha đang lập quy hoạch chi tiết.
Ngoài các KCN tập trung, Quế Võ có 2 cụm công nghiệp là Cụm Châu phong - Đức Long diện tích trên 50 ha, Cụm công nghiệp hỗ trợ Cách Bi diện tích 72 ha. Sự phát triển mở rộng của các khu, cụm công nghiệp tạo động lực thúc đẩy sự phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ của huyện.
Hiện nay, các khu công nghiệp trên địa bàn Quế Võ là điểm đến của nhiều tập đoàn đa quốc gia như: Canon, Nippon Steel, Mitsuwa, Toyo Ink, Tenma, Foxconn, Mitac, VS Group, Sentec, Nippon Zoki...
Nhờ định hướng đúng đắn này mà năm 2022, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện (theo giá so sánh 2010) đạt 61.966 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 1.532 tỷ đồng, tăng 2,4% so cùng kỳ; công nghiệp - xây dựng đạt 56.284 tỷ đồng, tăng 9,0% so cùng kỳ; dịch vụ đạt 4.150 tỷ đồng, tăng 9,8% so cùng kỳ.
Chủ tịch UBND huyện Quế Võ Đặng Văn Tuấn cho biết: “Thời gian tới, huyện Quế Võ tiếp tục đẩy mạnh phát triển đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; bảo tồn, duy trì và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp; triển khai thực hiện đề án bảo tồn và phát triển làng nghề gốm Phù Lãng thành điểm du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm; khuyến khích các hộ gia đình, tư nhân, HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đa dạng đáp ứng nhu cầu tại chỗ và xây dựng các thương hiệu sản phẩm làng nghề, từng bước tham gia xuất khẩu. Phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ chiếm 97%”.
Ở “trận địa” nông nghiệp, do sản xuất nông nghiệp đang thu hẹp dần trong khi người dân cần một bước chuyển tiếp về công ăn, việc làm trong quá trình “lên phố”, Quế Võ tập trung vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Sau 5 năm thực hiện Đề án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh, trên địa bàn huyện Quế Võ đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ hiệu quả, đẩy mạnh sản xuất hàng hoá.
Đến nay, toàn huyện hình thành 30 vùng trồng khoai tây thương phẩm và khoai tây giống an toàn, diện tích hơn 1.500 ha; 69 vùng sản xuất lúa hàng hóa, diện tích 765 ha (trong đó có 1 vùng sản xuất lúa tẻ thơm theo tiêu chuẩn VietGap với diện tích 10 ha tại thôn Quế Ổ, xã Chi Lăng); 3 vùng trồng cà rốt quy mô 45 ha; 37 mô hình tích tụ ruộng đất, trong đó có 9 mô hình trồng cây ăn quả tập trung với tổng diện tích 26,3 ha, 4 vùng trồng chuối quy mô 69 ha.
Lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, toàn huyện có 10 mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm, lợn nái, thỏ, chim bồ câu quy mô hơn 1.000 - 2.500 con ứng dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn, uống tự động. Hình thành 3 vùng thủy sản thâm canh và vùng nuôi cá lồng trên sông Đuống, quy mô gần 400 lồng. Việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung tạo điều kiện thuận lợi để nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, nâng cao giá trị, tăng thu nhập.
Từ những kết quả này, Quế Võ phấn đấu tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện năm 2023 (tính theo giá so sánh 2010) tăng 7% - 8% so với năm 2022. Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng, phát triển đồng bộ công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp để sớm trở thành đô thị hiện đại trong tương lai gần.