Trước phản ánh của người dân, dư luận về tình trạng sim “rác” hoạt động lừa đảo qua tin nhắn, cuộc gọi, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức kiểm tra, xử phạt nhiều cơ sở, cửa hàng kinh doanh, phân phối sim với số tiền xử phạt lên tới hàng tỷ đồng.
Khốn khổ vì sim “rác”
Ông Nguyễn Xuân Minh (63 tuổi, trú phường 7, quận Phú Nhuận) phản ánh về trường hợp ông bị “khủng bố” bởi tin nhắn, cuộc gọi làm phiền (“spam”) nhiều lần để quảng cáo mua bán nhà đất, bảo hiểm, vay tín dụng đen không cần thế chấp tài sản. Ông Minh cho biết, bản thân chưa hề liên hệ với các cá nhân, tổ chức kể trên nhưng không hiểu sao các thông tin cá nhân bị rò rỉ và làm phiền.
Mới đây, chị P.K.H. liên hệ đến Tổng đài 1022 của Trung tâm Công nghệ và thông tin thành phố để phản ánh việc bị một số điện thoại lạ gọi đến tự xưng là nhân viên Cục Quản lý Giao thông đường bộ. Đối tượng thông báo chị H. thuê 1 chiếc xe hiệu Inova trong thời gian du lịch tại TP Đà Nẵng nhưng phương tiện này sau đó gây tai nạn, nên yêu cầu chị H. cung cấp các thông tin cá nhân để gửi biên bản phạt. Nếu không, trường hợp của chị H. sẽ bị gửi đến Công an TP Đà Nẵng để xử lý hình sự vì không chấp hành. “Rất may, chúng tôi chưa từng đi du lịch tại TP Đà Nẵng trong khoảng thời gian đối tượng lạ mặt nêu ra nên sau khi trấn tĩnh lại, tôi đã cảnh giác và không cung cấp thông tin cũng như chuyển tiền theo yêu cầu của nhóm đối tượng” - chị H. kể lại.
Không may mắn như ông Minh, chị H., trường hợp ông M.X.Đ. (53 tuổi, trú quận Gò Vấp) báo tin tội phạm đến Công an phường An Phú Đông, quận 12, TPHCM về việc ông bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến gần 2 tỷ đồng. Theo đơn trình báo, ông Đ. làm việc tự do tại quận 12 nhận được cuộc gọi của số điện thoại xưng là tổng đài nhà mạng thông báo số điện thoại ông Đ. đang sử dụng sẽ bị cắt trong vòng 2 tiếng. Để “mở khóa” tiếp tục sử dụng, tổng đài giả mạo hướng dẫn ông Đ. bấm phím số 2 để được hướng dẫn. Khi ông Đ. thực hiện theo chỉ dẫn, tiếp tục có nhân viên tổng đài thông báo trường hợp thông tin cá nhân của ông Đ. đã bị một đối tượng lừa đảo đăng ký trùng tên, sau đó hướng dẫn gặp cán bộ công an để cung cấp thông tin cá nhân. Do quá bất ngờ và không phòng bị trước, ông Đ. đã cung cấp thông tin CCCD, tài khoản ngân hàng,… Nạn nhân sau đó được yêu cầu truy cập vào một đường link qua tin nhắn để xác minh, lấy lại số điện thoại chính chủ. Theo cơ quan công an, ông Đ. bị lừa đảo qua điện thoại với số tiền gần 2 tỷ đồng, hiện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 12 (TP HCM) đang xác minh, điều tra vụ việc.
Nhiều điểm bán “chui” sim “rác”
Trước vấn nạn sim điện thoại “rác” lừa đảo, Công an TP HCM đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử phạt các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, cơ sở mua bán SIM điện thoại trên địa bàn.
Ngày 10/11, Công an quận 8, TP HCM đã tiến hành kiểm tra đồng loạt tại 9 điểm nghi vấn hoạt động kinh doanh mua bán, cho thuê sim trên địa bàn, đã phát hiện 8/9 hộ kinh doanh có các hành vi về “bán sim thuê bao di động khi không được doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng ủy quyền” hoặc "bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao kích hoạt sẵn dịch vụ di động”;… Theo đại diện Công an quận 8, đoàn kiểm tra đã xử phạt các điểm cung cấp sim “rác” kể trên với số tiền xử phạt hành chính ban đầu lên đến gần 200 triệu đồng, kèm theo tạm giữ gần 200 sim “rác” của một số đơn vị nhà mạng Mobifone, Vinaphone, Viettel,…VietnamMobile.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tâm (Đoàn Luật sư TP HCM), cần có sự phối hợp tích cực từ các nhà mạng. Bởi vì, nếu không quản được “từ gốc” (các nhà mạng là đơn vị độc quyền cung cấp sản phẩm SIM điện thoại) thì vấn nạn sim “rác” được trao đổi, mua bán tràn lan trên thị trường vẫn còn tiếp diễn. “Hiện nay, về luật đã có Thông tư 22/2021/TT-BTTTT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, đã có hiệu lực thi hành từ đầu năm nay. Do đó, ngoài nhà mạng thì cơ quan chức năng các địa phương cũng cần liên tục tuần tra, xử phạt những hành vi vi phạm liên quan tới tin nhắn, gọi điện thoại gây phiền nhiễu đến cá nhân, tổ chức” - Luật sư Tâm đề nghị.
Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Phòng Tham mưu Công an TP HCM cho biết, hiện nay Bộ Công an đã triển khai kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao di động nhằm xác thực dữ liệu người dùng nên có thể là giải pháp hiệu quả để chặn đứng sim điện thoại “rác”. Đến nay, toàn ngành đã xác thực được hơn 1 triệu thông tin thuê bao của 3 nhà mạng VinaPhone, Viettel và MobiFone. Do đó, khi có các cơ sở dữ liệu đầy đủ, được xác thực, được làm sạch thì sim “rác” sẽ không còn tồn tại được.
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Phòng Tham mưu, Công an TP HCM, từ đầu tháng 11/2022, Công an thành phố đã ban hành thông báo về chỉ đạo tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có sử dụng sim “rác” để hoạt động đánh bạc, cá độ. Đặc biệt, trong thời gian cao điểm diễn ra World Cup 2022 và Tết Nguyên đán 2023.