Giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại tỉnh Thái Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng ý với đề xuất rút hồ sơ vụ án 4 người trong đó có cán bộ Công an tỉnh xâm hại tình dục nữ sinh 14 tuổi để nghiên cứu, xem xét lại...
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Bình.
Tiếp tục hoạt động giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại tỉnh Thái Bình, ngày 27/9, Đoàn giám sát của Quốc hội (QH) do Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh này...
Theo báo cáo của UBND tỉnh, giai đoạn từ năm 2015-2019 toàn tỉnh có 74 trẻ em,trong đó có 53 em gái bị xâm hại, bằng nhiều hình thức khác nhau như:bạo lực, bóc lột, mua bán,xâm hại tình dục. Trong đó, hình thức xâm hại phổ biến nhất là xâm hại tình dục (dâm ô, giao cấu, hiếp dâm), chiếm tới hơn 60% số vụ việc được phát hiện, xử lý (41 vụ). 30/41vụ các đối tượng liên quan đã bị khởi tố về tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Đáng chú ý, đối tượng xâm hại tình dục trẻ em rất đa dạng, thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần, trong đó có cả các đối tượng ít ai ngờ tới như công an, bí thư đoàn, người cao tuổi, người hành nghề y dược. Một số vụ việc hành vi xâm hại có tính chất rất nghiêm trọng; gây tổn hại nặng nề về sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ; gây bức xúc, hoang mang trong xã hội.
Điển hình là vụ việc 4 người, gồm cán bộ Công an tỉnh và chủ doanh nghiệp xâm hại tình dục nữ sinh 14 tuổi trong 2 ngày ở một khách sạn (xảy ra ngày 29/8/2018). Hay gần đây là vụ Bí thư đoàn phường Đề Thám (TP Thái Bình) dâm ô một bé gái mới 11 tuổi...
Tại buổi làm việc, ghi nhận chính quyền tỉnh Thái Bình đã có sự quan tâm khi đã ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các ban ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Tuy nhiên, quá trình tìm hiểu, giám sát các thành viên trong đoàn giám sát của Quốc hội cùng có chung nhìn nhận, đó là nhận thức về vai trò, trách nhiệm đối với công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục của các cấp ủy, chính quyềnvà các đoàn thể ở Thái Bình chưa đầy đủ, chưa sâu sắc.
Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, các đoàn thể, chính quyền cơ sở trong quản lý, chăm sóc trẻ em chưa chặt chẽ. Công tác kiểm tra, giám sát về xâm hại trẻ em ở tỉnh Thái Bình không thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Trên thực tế kết quả phòng, chống chưa đáp ứng được yêu cầu, để xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng...
Quang cảnh buổi làm việc.
Trước đó, khi giám sát tại TP Thái Bình (địa phương từ năm 2015 đến nay để xảy ra 15 vụ hại trẻ em, trong đó có 9 vụ xâm hai tình dục), nghe xong báo cáo của chính quyền thành phố, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánhđã thốt lên: “15 vụ xâm hại trẻ em là 15 nỗi đau, mỗi vụ có hoàn cảnh,nguyên nhân khác nhau, để lại nhiều bài học riêng và đều khiến cả xã hội phải lo lắng, bức xúc trong khi báo lại quá sơ sài, đơn giản, nghe rất bình yên, như không hề có vấn đề gì. Tôi cho rằng đây là một điều đáng lo!”.
Trong khi đó, ông Tạ Văn Hạ, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thể hiện sự không đồng tình với kết quả điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án xâm hại tình dục trẻ em của các cơ quan tố tụng tỉnh Thái Bình.
Dẫn chứng vụ 4 ngườitrong đó có cả cán bộ Công an tỉnh xâm hại tình dục nữ sinh 14 tuổi,ông Tạ Văn Hạ cho rằng đây là vụ việc rất nghiêm trọng, một trong những bị cáo là cán bộ Công an, có chức năng bảo vệ trẻ em nhưng thay vì là chỗ dựa của các em lại đi xâm hại chính các em.
Từ góc nhìn của một nhà lập pháp, ông Hạ cho rằng đây là vụ án hiếp dâm trẻ emchứ không chỉ là hành vi giao cấu với người dưới 16 tuổi (tội danh các bị cáo bị truy tố và xét xử trước đó).
Theo lập luận của ông Hạ,một người đàn ông rủ rê một bé gái 14 tuổi đi ăn nhậu vào buổi tối là có sẵn ý đồ xấu. Ông cũng cho rằng cần phải làm rõ trong suốt hai ngày ở khách sạn, cháu bé nạn nhân có đòi vềhay không,các đối tượng có cưỡng ép, giữ cháu ở lại hay không? Nếu có thì cần phải khởi tố thêm tội giam giữ người trái phép.
Từ việc vị Phó phòng An ninh kinh tế có mặt trong bữa tiệc có nữ sinh tham dự do chủ doanh nghiệp tổ chức, đến việc cán bộ công an này cùng có hành vi tình dục với nữ sinh này, ông Hạ đề nghị phải làm rõ thêm trong vụ án này có chuyện chủ doanh nghiệp hối lộ Công an kinh tế của tỉnh bằng tình dục hay không?
Với những phân tích lập luận trên, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thẳng thắn: “Tội danh và mức hình phạt các cơ quan tố tụng ở địa phương dành cho 4 bị cáo là không phù hợp, không đúng tội danh, không đúng khung hình phạt. Tôi đề nghị Ủy ban Tư pháp của Quốc hội rút hồ sơ của vụ án để xem xét lại cho thấu đáo hơn”.
Kết luận buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhìn nhận mặc dù tỉnh Thái Bình đã quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em tuy nhiên giai đoạn 2015-2019, tình trạng xâm hại trẻ em ở địa phương có chiều hướng gia tăng. Tổng số vụ không nhiều nhưng tính chất rất nghiêm trọng. Mỗi một vụ việc có tính chất, nguyên nhân khác nhau, do vậy tỉnh cần phải phân tích, làm rõ, tìm ra các biện pháp hữu hiệu, khả thi để phòng ngừa, ngăn chặn. Trong số các giải pháp phải phải xác định rõ các giải pháp trọng tâm, phù hợp thực tiễn.
Đặc biệt, ông Uông Chu Lưu cho rằng phòng chống xâm hại trẻ em là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, không của một cấp, một ngành nào. Ông đề nghị tỉnh sớm thành lập Hội bảo vệ quyền trẻ em để làm đầu mối tiếp nhận, bảo vệ, phản biện khi xảy ra vụ việc xâm hại trẻ em. Ông cũng lưu ý tỉnh cần chú trọng việc biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể thực hiện tốt các chính sách phòng, chống xâm hại trẻ em; nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả...
Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã đồng ý với đề xuất rút hồ sơ vụ án 4 người trong đó có cán bộ Công an tỉnh xâm hại tình dục nữ sinh 14 tuổi để nghiên cứu, xem xét lại...