Quốc hội thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Quan tâm hơn đến người dân bị thu hồi đất

H.Vũ 15/11/2022 07:00

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 14/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng thời, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Quang cảnh phiên họp ngày 14/11. Ảnh: Quang Vinh.

Giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất

Liên quan tới các trường hợp nhà nước thu hồi đất, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) cho rằng, thu hồi đất là một trong những lĩnh vực có nhiều khiếu nại, do các quy định liên quan đến lĩnh vực này còn bất cập, chưa giải quyết được mối quan hệ hài hòa giữa nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất.

Theo ông Minh, Điều 86 của dự thảo luật có quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. So với luật hiện hành thì quy định có phạm vi mở rộng hơn, nhưng chưa rõ ràng về mục đích, chưa nổi bật tiêu chí trường hợp thật cần thiết phải thu hồi. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét thêm về nội dung này.

ĐBQH Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho rằng, thu hồi đất luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Người dân có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi hoặc chịu thiệt nếu việc thu hồi đất đó cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế cho lợi ích của cộng đồng, lợi của nhà nước nhưng sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc nhóm người nhưng lại áp giá đền bù thấp, mang tính áp đặt hay tạo kẽ hở trục lợi lợi ích nhóm. Từ đó ông Tám đề nghị, việc sửa đổi bổ sung Luật Đất đai cần làm rõ nội hàm của việc thu hồi đất cho phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

“Những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, những dự án phát triển kinh tế - xã hội mang tính chiến lược, quy định sự phát triển một vùng, một khu vực, một tỉnh hoặc của cả nước hoặc các công trình công cộng thì thu hồi. Còn các dự án phát triển kinh tế đơn thuần, thương mại theo quy hoạch mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư thì thương lượng với người dân để mua lại hoặc thỏa thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất”- ông Tám nói.

Chung quan điểm, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) cho rằng, tại Điều 54 Hiến pháp năm 2013 quy định: Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật. Do đó, trong việc thu hồi đất phải đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của 3 bên: Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, trong đó, cần quan tâm hơn đến người dân bị thu hồi đất, vì họ ở thế bị động.

“Các trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì dự thảo luật lần này có mở rộng thêm các trường hợp thu hồi đất, hoặc mở rộng phạm vi hơn so với các trường hợp đã quy định trong luật hiện hành. Cần rà soát, đánh giá lại các trường hợp thu hồi đất theo quy định của luật hiện hành xem còn phù hợp hay không. Với những trường hợp mới bổ sung, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, tránh tình trạng quy định quá nhiều trường hợp thu hồi, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, tiềm ẩn nguy cơ tăng khiếu kiện về đất đai” - bà Hoa nhấn mạnh.

Giá đất phải theo thị trường

Liên quan đến vấn đề định giá đất, ĐBQH Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) cho biết, xác định, định giá đất tiếp cận với giá thị trường là điều rất khó. Cho nên cần phải quy định thể chế thật kỹ về tiêu chí, điều kiện, có căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn, cơ sở để tham khảo từ Hội đồng định giá để đảm bảo định giá sát với giá thị trường.

Theo đánh giá của ĐBQH Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) tại khoản 1 Điều 164, 165 của dự thảo luật về bảng giá đất, giá đất cụ thể vẫn chưa khắc phục được những bất cập trong Luật Đất đai 2013. Do đó cần có cơ chế hữu hiệu hơn để nâng cao hiệu quả, tính minh bạch của công tác định giá đất, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong công tác định giá.

“Cần xác định rõ, tường minh thế nào là “phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường” để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng. Bên cạnh đó, để giá đất tiệm cận với giá thị trường cần định rõ vai trò, thẩm quyền của cơ quan nhà nước cũng như các chủ thể liên quan như nhà đầu tư, người sử dụng đất trong quá trình thẩm định giá, giảm tối đa cơ hội cán bộ có thể lạm quyền. Hội đồng thẩm định giá đất cần có sự tham gia của các bên, và hoạt động theo nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng” - ông Bình nói.

ĐBQH Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh) kiến nghị, việc xác định giá đất sát với giá thị trường là điều mà luật phải tính toán kỹ và cần quy định chặt chẽ công tác công khai thông tin, tuyên truyền về giá để hạn chế tình trạng sốt đất ảo, giúp cân bằng ổn định về giá thị trường, có chế tài xử lý nghiêm những hành vi đầu cơ, lướt sóng, tạo giá ảo về đất, gây nhiễu loạn thị trường đất đai.

Trong khi đó, ĐBQH Trần Đình Văn (Đoàn Lâm Đồng) cũng cho rằng dự án luật chưa có quy định cụ thể về phương pháp định giá đất. Vì vậy đề nghị có quy định mang tính nguyên tắc trong dự thảo luật về phương pháp xác định giá đất cụ thể để đảm bảo khi xác định giá đất theo phương pháp nào thì cũng ra kết quả phù hợp với giá thị trường, đưa ra các chế tài đối với các đơn vị, cá nhân tư vấn xác định giá đất được ràng buộc trách nhiệm, đồng thời đảm bảo tính công khai, minh bạch trong công tác này.

Theo ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Đoàn Nghệ An), thủ tục hành chính chậm trễ là một trong những cản trở lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, báo cáo của ban soạn thảo cho thấy hiện nay Luật Đất đai đã có những điểm mâu thuẫn, chồng chéo với ít nhất 20 văn bản luật khác. Điều này dẫn đến có nhiều vướng mắc trên thực tế vì các thủ tục thường liên quan đến nhiều sở, ngành khác nhau, khó đạt được sự kết nối thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để đơn giản hóa thủ tục hành chính về đất đai. Còn ĐBQH Đoàn Thị Hảo (Đoàn Thái Nguyên) cho rằng Dự thảo Luật Đất đai bỏ quy định khung giá đất chuyển sang xác định giá đất phù hợp với giá thị trường là bước đột phá về tư duy và mang ý nghĩa lịch sử. Đề nghị cần quy định cơ chế hoạt động độc lập của Hội đồng thẩm định giá đất và các thành viên của Hội đồng thẩm định. Tăng tỷ lệ thành viên Hội đồng thẩm định giá đất là các chuyên gia tư vấn độc lập.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quốc hội thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Quan tâm hơn đến người dân bị thu hồi đất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO