Ngày 30/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách năm 2018 và kế hoạch năm 2019, quyết toán ngân sách 2017. Tăng giá điện; cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; sắp xếp các đơn vị hành chính là những vấn đề nhận được quan tâm của nhiều đại biểu. Đặc biệt, một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần sớm công bố kết quả thanh tra việc tăng giá điện.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội trường.
Cần sớm công bố kết quả thanh tra giá điện
ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng, việc tăng giá điện thời điểm này không phù hợp do đó Chính phủ cần sớm công bố kết quả việc thanh tra tăng giá điện xem có đúng quy định không? Nếu sai thì xử lý thế nào? Theo bà Phúc, việc tăng giá điện sẽ kéo theo tăng giá các mặt hàng khác, nhất là vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất gây khó khăn cho người dân. Vì vậy, Chính phủ cần có giải pháp phòng ngừa tình trạng “té nước theo mưa”.
Theo ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau), việc tăng giá điện chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân, làm tăng chi phí đầu vào và tăng giá thành sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Vì vậy cần giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán hoạt động kinh doanh ngành điện.
Giải trình về vấn đề tăng giá điện, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, điện là vấn đề an ninh năng lượng trọng yếu của nền kinh tế, bình quân tăng 1% GDP thì tăng 1,5% điện. GDP 6,8% thì điện tăng 11,23%. Do đó điều hành giá phải kiểm soát được lạm phát và kêu gọi đầu tư cho ngành điện. Qua rà soát đầu vào của điện như than , khí, tỷ giá tăng hơn 20 ngàn tỷ đồng cho nên phải bù đắp và đảm bảo có lợi nhuận 3% cho ngành điện. Do đó Bộ Công thương có đề xuất 3 mức tăng, Chính phủ đã họp và chọn tăng 8,36%, bắt đầu điều chỉnh từ ngày 15/3.
“Về nguyên nhân tăng giá điện bước đầu sơ bộ theo báo cáo của Bộ Công thương trên cơ sở các đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công thương, Bộ Tài chính, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì thì do 3 nguyên nhân là: Điều chỉnh giá, số ngày ghi công tơ trong tháng 4 nhiều hơn 3 ngày so với tháng 3, và do nắng nóng bất thường. Hiện Thanh tra Chính phủ đang thanh tra và sẽ sớm công bố kết luận thanh tra và xử lý nếu có sai phạm”-Phó Thủ tướng cho hay.
ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) phát biểu tại hội trường.
Đầu tư công còn dàn trải
Nói về đầu tư công, ĐB Đôn Tuấn Phong (An Giang) cho rằng, trong thời gian qua cách tiếp cận của chúng ta còn dàn trải; việc đầu tư cho hạ tầng giao thông chưa hài hoà giữa các vùng miền. ĐB Phong đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp cận theo hướng tập trung hơn nữa nguồn lực để đầu tư một số công trình thật trọng điểm, có tác động và sức lan toả kinh tế-xã hội lớn (ví dụ như đường bộ cao tốc Bắc-Nam, các dự án giao thông liên kết vùng nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, các dự án đầu tư cho con người và khoa học-công nghệ). Có như vậy mới tạo động lực cho toàn nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, từ đó tạo nguồn lực nhiều hơn để thực hiện các dự án đầu tư công khác.
Về vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, số liệu thống kê cho thấy: “Năm 2018 cả nước phải cổ phần hóa 64 doanh nghiệp nhưng thực tế chỉ đạt hơn 17%, với 12 doanh nghiệp hoàn thành; 35 doanh nghiệp đề nghị chuyển sang hoàn thành vào năm 2019, chiếm 55%; 12 doanh nghiệp đề nghị chuyển sang thực hiện năm 2020, chiếm 23% và 6 doanh nghiệp không báo cáo thời gian dự kiến hoàn thành”- ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đưa ra dẫn chứng khi nhắc đến việc cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Đề cập đến nguyên nhân, ông Giang cho rằng đó là do kỷ cương, kỷ luật trong thực thi chính sách, pháp luật chưa nghiêm. Nhiều cấp, nhiều ngành còn chưa tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ. Còn tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cơ cấu lại cổ phần hóa thoái vốn, gây bức xúc dư luận. Kỷ luật chấp hành chỉ đạo của cấp trên, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện nghiêm, nhưng việc xác định và xử lý trách nhiệm đối với cá nhân để xảy ra sai phạm chưa được kịp thời.
Qua theo dõi việc cổ phần hóa một số doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua, theo ông Giang, việc cổ phần hóa còn thiếu công khai, minh bạch, “lợi ích nhóm”, có hiện tượng can thiệp chưa đúng quy định của pháp luật. Sau khi đưa ra những dẫn chứng cụ thể, ông Giang đề nghị, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo kế hoạch đề ra. “Thực hiện công khai, minh bạch, khẩn trương xác định giá trị doanh nghiệp, có lộ trình thời gian cụ thể để cổ phần hóa, thoái vốn. Có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với những tổ chức, cá nhân cố tình trì hoãn, không thực hiện cổ phần hóa cũng như cơ quan, tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp”-ông Giang kiến nghị.
Cần phân cấp mạnh hơn cho địa phương
ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) nhìn nhận việc đổi mới mô hình tăng trưởng đang còn nhiều khó khăn, rào cản. Nhiều năm trở lại đây tăng trưởng vẫn phụ thuộc chủ yếu vào doanh nghiệp FDI, trong khi nhiều doanh nghiệp báo lỗ chuyển giá. Theo ông Thưởng, việc đổi mới chính sách, cải cách thủ tục hành chính chưa thông thoáng, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm được một số đầu việc nhưng thủ tục lại dài hơn, các dự án địa phương liên quan đến Trung ương còn nhiều rào cản, từ khi khởi động đến thi công mất 2-3 năm vậy hiệu quả nằm ở đâu? Do đó để phát triển nhanh, bền vững cần phân cấp mạnh hơn nữa cho chính quyền địa phương, rút ngắn thời gian thực hiện, thay vào đó là tăng cường hậu kiểm để thực hiện nghiêm.
Ông Thưởng cũng cho rằng việc xắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã còn nhiều vướng mắc, xử lý sau sáp nhập còn nhiều bất cập do đó cần văn bản hướng dẫn sắp xếp các đơn vị hành chính để địa phương thực hiện, nhất là thời điểm Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng toàn quốc đang đến gần.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, để thực hiện tốt việc sắp xếp đơn vị cấp huyện, xã, Bộ Nội vụ đã phối hợp với ngành Công an, Tài nguyên môi trường, Tổng cục Thống kê xây dựng các phương án để địa phương thực hiện theo đề án. Theo địa phương phản ánh thì khó khăn nhất chính là sắp xếp cán bộ lãnh đạo quản lý bị dôi dư. Do đó Bộ sẽ tham mưu để Chính phủ ban hành chính sách giải quyết theo yêu cầu thực tiễn ở địa phương. Nhưng để sắp xếp đồng bộ thì Bộ đã đề nghị Ban Tổ chức Trung ương, các đoàn thể, MTTQ có hướng dẫn sắp xếp các đơn vị tương ứng tới từng cấp huyện, xã.
Liên quan đến việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, Chính phủ chỉ quy định khung cơ quan chuyên môn, sau khi sắp xếp không được nhiều hơn số hiện có chia theo nhóm quản lý chung cả nước, nhóm thí điểm, nhóm đặc thù trong đó quy định số lượng cấp phó tối đa. Trong tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thì giao cho UBND tỉnh thực hiện và đẩy mạnh phân cấp phân quyền. “Đây là vấn đề mới phức tạp và xã hội quan tâm nên Chính phủ có nhiều cuộc họp giữa Trung ương và địa phương. Chính phủ sẽ thảo luận về vấn đề này trong buổi họp thường kỳ Chính phủ tháng 5 diễn ra và ngày 31-5”-Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay đồng thời cho biết đến nay đã có 4 tỉnh là Bạc Liêu, Bắc Ninh, Hà Giang, Lào Cai giảm 5 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; 15 tỉnh thí điểm sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp huyện, đã giảm 185 phòng chuyên môn.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn An Giang phát biểu ý kiến.
* Nêu bức xúc của cử tri về gian lận thi cử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Gang) đề nghị Bộ GD-ĐT xử lý nghiêm, chỉ ra thiếu sót trong kỳ thi và chỉ rõ trách nhiệm cụ thể vì không thể nói lỗi hoàn toàn thuộc địa phương khi gian lận xảy ra ở nhiều tỉnh. “Nếu phúc tra trên cả nước, tôi tin còn nhiều vi phạm trong kỳ thi vừa qua” – ông Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ và nhấn mạnh trong giáo dục, việc đánh giá kết quả hết sức quan trọng nên vừa qua có nhiều cải cách, nhưng phương pháp chưa đúng. Theo đại biểu Hiếu, đúng sao được khi mà một lớp gần có 100% học sinh đạt loại giỏi. Trong phiên thảo luận về Luật Giáo dục, chúng ta bàn nhiều về triết lý giáo dục, nhưng trước mắt cần đưa ra nguyên tắc giáo dục đơn giản là nền giáo dục không nói dối. Không thể tạo nên một sản phẩm hoàn hảo khi chấp nhận nói dối ngay từ những năm các con cắp sách đến trường.
* Ngăn chặn việc chồng, cha đi tù vài năm để vợ, con sống sung túc: Theo ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau), cần xử lý triệt để thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng.Tham nhũng đáng bị lên án xử lý, dù bản án cao nhất là tử hình đi chăng nữa thì cũng là nhẹ, chưa đảm bảo công bằng cho xã hội vì số tiền thất thoát hàng nghìn tỷ đồng có thể dùng để xây dựng nhiều công trình dân sinh, đảm bảo an toàn cho nhiều người dân. Do đó cần chế tài nặng và việc thu hồi tài sản tham nhũng sẽ có tính răn đe lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng, chống việc đi tù vài chục năm để gia đình, vợ con sống an nhàn, sung túc cả đời.