Ngày 29/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019-2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017; Đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.
Toàn cảnh phiên họp chiều 29/10. Ảnh: Quang Vinh.
Dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả
Theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), kế hoạch chúng ta có 2 triệu tỷ đồng với 9.620 dự án, nhưng nhiều dự án ở địa phương đang dở dang thiếu vốn, 64 tỉnh, thành phố với số lượng các dự án là rất lớn, hiếm có nước nào phân bổ 1 tỉnh 1 dự án, mà các nước là tổng đầu tư toàn xã hội và tạo ra sự lan tỏa.
“Mong muốn của địa phương là chính đáng nhưng trong bối cảnh bội chi lớn, nợ công ở mức cao cần lựa chọn tập trung tránh dàn trải. Công bằng không có nghĩa cào bằng, có trọng tâm chứ không phải dàn trải cho nên các địa phương phải có lộ trình thích hợp”- bà Mai giãi bày, đồng thời đề nghị, cần cương quyết thay đổi nguồn lực, trật tự ưu tiên, đề xuất dự án cần sự liên kết giữa các khu vực, tránh việc có quá nhiều dự án nhỏ lẻ mà thiếu dự án mạnh; thực hiện tốt quy hoạch tránh chồng chéo nhỏ lẻ; và nhà nước chỉ đầu tư ở những ngành, lĩnh vực tư nhân không làm được.
Cùng chung quan điểm, ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cũng nhìn nhận, thu nội địa không đạt dự toán, nhiều dự án giải ngân chậm làm lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước; trong khi nhiều dự án có tính khả thi nhưng lại được phân bổ vốn ít. Sử dụng đầu tư công còn lãng phí, kém hiệu quả, nhất là các dự án BT còn nhiều khoảng trống pháp lý. Báo cáo của Kiểm toán cho thấy 90% dự án BT lựa chọn nhà đầu tư chỉ định thầu trong khi quy định là đấu thầu công khai. Nhiều dự án BT biến thành giao dịch ngầm của doanh nghiệp; nhiều dự án thiếu tính khách quan, công tác kiểm tra giám sát chưa thường xuyên gây thất thu, chưa giảm gánh nặng cho ngân sách, vì vậy có nên tiếp tục duy trì hình thức BT nữa hay không? Nếu vẫn duy trì thì cần có cơ chế mới.
Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), dẫu thu ngân sách nhiều năm liền vượt dự toán nhưng năm 2018 thu ngân sách thuộc dạng thấp nhất trong 4 năm nay, thu chủ chủ yếu từ các nguồn thu không ổn định, và nguồn thu chính vẫn phụ thuộc vào thu từ đất đai và dầu thô, nghĩa là thu vẫn dựa vào bán tài nguyên thiên nhiên. Trong khi đó thu tại 3 khu vực đều không đạt.
“Hiện nợ đọng thuế khá cao, tính đến 30/9 nợ nội địa tăng 13,4% và đây là vấn đề cần phải làm rõ, nhất là trong bối cảnh giải ngân chậm, cân đối ngân sách nợ công có giảm nhưng hiện nay tiền phát triển chủ yếu là do đi vay, đã vay là chưa thực sự bền vững, cho nên cần làm rõ lộ trình vay và trả nợ”- bà Bé cho hay.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) thì cho rằng, dự án nào cũng cần vốn, địa phương nào cũng cần dự án, “miếng bánh ngân sách” liệu có đủ lớn để chia? Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp cần đẩy mạnh xã hội hóa. Có như vậy mới giảm được ngân sách cho quốc gia.
Đại biểu QH Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội).
Bao nhiêu công trình hiệu quả thấp?
Đề cập đến hiệu quả đầu tư, theo bà Vũ Thị Lưu Mai, thời gian qua số lượng dự án hoàn thành là rất lớn với 1.789 dự án, dự kiến đến hết năm 2018 là hơn 6.200 dự án nhưng chưa có báo cáo thẩm định mang lại hiệu quả thiết thực bao nhiêu công trình hiệu quả cao? Bao nhiêu công trình hiệu quả thấp? Bao nhiêu công trình chưa hiệu quả? Chúng ta phân bổ nguồn lực nhưng đánh giá sau đầu tư lại chưa được quan tâm, thiếu vắng quy định trách nhiệm sau đầu tư. Do đó cần hoàn chỉnh bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư theo thông lệ quốc tế; ngay từ khi lựa chọn dự án đầu ra phải gắn với hiệu quả; tăng cường trách nhiệm giải trình, làm rõ bất cập khó khăn.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng cho rằng, Chính phủ cần thống kê vừa qua bao nhiêu dự án đầu tư công hiệu quả? Dự án nào thua lỗ? Như vậy mới xác định được trách nhiệm tổ chức, cá nhân và xử lý nghiêm, tránh thất thoát vốn nhà nước. Theo đó, Chính phủ phải bổ sung báo cáo, thanh tra xử lý sai phạm thời gian qua đến đâu, bao nhiêu dự án phá sản, được phục hồi và mức độ xử lý.
Trên cơ sở đó, ông Phương cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ phải rà soát lại quy định pháp luật. Nếu Luật có điểm nào chưa hợp lý làm chậm tiến độ thực hiện dự án, cần nghiên cứu sửa đổi, lò đang nóng mà văn bản pháp luật chồng chéo thì sửa ngay để tạo nguồn thu quốc gia, đẩy nhanh tiến độ dự án, tránh ứ đọng vốn, có tiền mà không tiêu được.
Lo ngại 2 năm còn lại, phương án phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách trung ương trong kế hoạch trung hạn Chính phủ trình không đúng quy định của Luật Đầu tư công, dàn trải, kém hiệu quả, tạo cơ chế xin - cho, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng bởi cân đối 2 năm cho chi đầu tư đã rất nỗ lực nhưng chỉ được 414 nghìn tỷ đồng, thiếu gần 60 nghìn tỷ đồng cho các dự án đã có danh mục, số vốn được phân bổ trong kế hoạch trung hạn. Nếu sử dụng tiếp dự phòng của Trung ương sẽ thiếu khoảng 150 nghìn tỷ đồng thì theo phương án của Chính phủ, các dự án đã được ghi tên và mức vốn cụ thể trong kế hoạch trung hạn phần ngân sách trung ương phải cắt giảm khoảng 60 nghìn tỷ đồng. Nếu sử dụng tiếp dự phòng, các dự án này phải cắt giảm sâu hơn, khoảng 150 nghìn tỷ đồng dẫn đến các dự án bị chậm tiến độ, dàn trải đồng thời việc gá chân thêm vào kế hoạch các dự án mới làm tăng thêm mức độ dàn trải, vi phạm Luật Đầu tư công, phá vỡ thành quả của việc cơ cấu lại chi đầu tư với thành tựu nổi bật là chống dàn trải, nợ đọng dựa trên nguyên tắc đã được luật định, chỉ quyết định dự án khi cân đối được nguồn và cách làm này sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho giai đoạn sau.
Từ đó ông Hàm nêu quan điểm, cần đảm bảo minh bạch trong phân bổ vốn để các bộ, ngành, địa phương biết từ nay đến 2020 dự kiến mình có bao nhiêu tiền? Các dự án sau khi rà soát đều cân đối được nguồn và có vốn để lập quy hoạch, thực hiện các dự án cấp bách, mở dự án cho giai đoạn sau. Có như vậy cơ cấu lại đầu tư công mới đúng luật, không tạo kẽ hở thất thoát ngân sách.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
* Giải trình về vấn đề giải ngân chậm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, vấn đề này Chính phủ đã nhận thấy và trình Quốc hội sửa Luật Đầu tư công tại kỳ họp lần này để tháo gỡ ách tắc rào cản, thúc đẩy giải ngân. Trong đó Luật quy định phải đưa ra trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong các giai đoạn, và trách nhiệm người đứng đầu địa phương các cấp. Do là lần đầu tiên chúng ta thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn cho nên có nhiều cái chưa quen, phức tạp, bỡ ngỡ. Chưa kể nhiều địa phương đến tháng 9 rồi mà chưa giao vốn thì sao công trình triển khai được. Do đó mong ĐBQH tăng cường giám sát tại cơ sở.
* Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội đã yêu cầu tăng cường ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ và tài khóa nên Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành phối kết hợp trong quản lý điều hành. Chính sự phối hợp giữa 4 bộ: Tài chính; Công thương; Ngân hàng Nhà nước; Kế hoạch và Đầu tư nên đạt được nhiều mục tiêu để ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiều hối, cán cân xuất nhập khẩu qua đó củng cố niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài, giảm áp lực trả nợ. Thời gian tới sẽ tiếp tục cùng với các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ để kiểm soát lạm phát, quản lý tốt các điều chỉnh, điều tiết giữ ổn định mặt bằng lãi suất.