Quốc Trung, Monsoon và ‘idol’ của tôi

TRẦN THỊ TRƯỜNG 18/08/2023 07:58

“Ít ngày nữa Hà Nội sẽ có một chương trình âm nhạc lớn, các bạn có biết không?” Đó là câu hỏi của một cô gái người Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc, họ từ Hàn Quốc sang chơi đang ở studio nhà tôi, hỏi mấy bạn trẻ khác người Việt, cùng độ dưới 30 tuổi. Họ đều là khách mời của tôi trong bữa ăn trưa để chuẩn bị cho một dự án, trong đó có tôi, đưa văn hóa Việt sang Hàn.

Nhạc sĩ Quốc Trung.

Các bạn Việt Nam reo lên thích chí, một cô bảo: Em đã từng xem 2 lần, vô cùng háo hức, hồi năm 2014 và năm 2015. Ôi chao, cả trường em cứ nháo nhào cả lên, mỗi nhóm cử một bạn đi mua vé, xếp hàng khá dài. Có bạn khác bảo đã xem cả 5 lần.

Cậu trai Việt cười, nói: Lúc ấy em và bạn này chưa quen nhau ạ. Nhưng cả 2 trường đại học đều giống nhau, bọn em đứa nào cũng biết đến lễ hội âm nhạc Gió mùa (Monsoon Music Festival). Trước và sau sự kiện Monsoon, ngày nào ở trường cũng chỉ bàn luận về chủ đề âm nhạc và Quốc Trung thôi ạ.

- Thế còn lần này?

- Vâng, bọn em biết vé đã mở bán, nhưng đang chờ thêm thông tin. Chắc chắn sẽ đi thôi nhưng từ 14 đến 22/10 thì còn thời gian và cũng còn xem thời tiết để chọn ngày đẹp. Tóm lại là không thể không đi xem Monsoon Music Festival mùa mới ạ. Hai bạn từ Hàn Quốc thì cho biết họ đã mua vé, giữ chỗ rồi sẽ về Seoul, tháng 10 lại quay sang, xem Monsoon và hy vọng gặp nhạc sĩ Quốc Trung.

Nhân nhóm nhạc BlackPink vừa diễn xong 2 đêm tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội), tôi hỏi cả nhóm có ai xem buổi nào không. Ba thanh niên Việt thì nói không có tiền xem. Nếu có ngần ấy tiền thì làm việc khác chứ không và chưa dám chơi liều hết cả tháng lương như vậy. Các bạn này khá sành âm nhạc, họ bảo, “đen hồng” không có gì làm các bạn ấy sửng sốt loại trừ sự tươi trẻ và cách gây hiệu ứng cho đám đông. Còn hai bạn ở Hàn thì nhún vai nhè nhẹ. Họ không phủ nhận nhóm BlackPink đang thành công về doanh thu, sự nổi tiếng, đang làm mưa làm gió, thành công khắp thế giới…

Nhưng dường như có điều gì đó khiến anh chồng chèn thêm câu đùa: “Người ta bảo thanh niên muốn học cho chắc về kinh tế thì nên sang Mỹ, thích nghiên cứu thời trang thì nên sang Anh, thích làm thương hiệu mỹ phẩm thì sang Pháp, còn muốn giỏi truyền thông thì nên sang Hàn… Không ít sản phẩm thành công không bởi giá trị thật của nó mà bởi được truyền thông dẫn dắt”. Nói đến đây anh bỏ lửng...

Cô bạn trẻ người Việt đang học marketing bên Hàn đế thêm vào: “Vâng đúng vậy ạ. Truyền thông giỏi, có bài bản dễ dẫn người ta đến thành công. Nắm vững hiệu ứng đám đông, tâm lý giới trẻ, biết tạo ra cao trào và luôn biết sử dụng yếu tố mới, lạ, bí ẩn… Căn bản hơn họ chuẩn bị từ lâu một chiến lược bền bỉ và lâu dài… xuất khẩu văn hóa đại chúng. Việc này không chỉ nhỏ lẻ từ các nhà sản xuất, vài ba tờ báo mà phải từ cấp vĩ mô”.

Là người từng có không ít kinh nghiệm tổ chức những show diễn đình đám, tôi nhận thấy những điều các bạn trẻ nói trên đây đều khá chính xác, có ý nghĩa. Trong thâm tâm tôi cũng đang liên tưởng đến Quốc Trung - chàng "chiến binh" dũng cảm trong cuộc chơi lớn và Monsoon cũng là một chương trình âm nhạc tầm cỡ thế giới, có tính chuyên môn cao.

Tôi thừa nhận mình là fan của Quốc Trung, không chỉ một chương trình nào, mà ngay từ khi tôi biết Quốc Trung còn rất trẻ, mới trở về từ Bulgaria đã thành lập ban nhạc riêng, mang tên Phương Đông. Đã ẵm giải Nhất tại Liên hoan các ban nhạc toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Đà Nẵng. Tôi nể anh ở những sáng tác, hòa âm phối khí, sản xuất chương trình… suốt 20 năm qua. Đã không làm thì thôi, Quốc Trung làm gì cũng cẩn trọng, cũng kỹ lưỡng, cũng hay và cũng… lạ dị mà quyến rũ.

Cuộc bàn bạc về “xuất khẩu văn hóa” ở nhà tôi xong, chúng tôi chia tay, hẹn gặp lại ở Hà Nội vào dịp chuỗi âm nhạc Monsoon diễn ra, tôi gọi và xin gặp Quốc Trung. Rất mừng là anh có nửa ngày trống.

Xin nói qua về Quốc Trung. Anh nổi tiếng, không chỉ bởi gắn bó với diva Thanh Lam một thời theo nghĩa vợ chồng, có 2 con giờ đã lớn cũng đang rất được chú ý vì tài năng. Là tổng đạo diễn của Monsoon 5 lần, cá nhân Quốc Trung và công ty Thanh Việt của anh được đề cử và vinh danh ở hạng mục Chương trình của năm tại giải thưởng âm nhạc Cống hiến lần thứ 10, 11, 12, 13, 15. Năm 2018, Monsoon mùa lần thứ 3 được KOCCA (Korea Creative Content Agency) lựa chọn là đơn vị đại diện trao đổi nghệ sĩ với sự kiện âm nhạc MU:CON tại Hàn Quốc. Đấy cũng là lý do mà khi nhắc đến âm nhạc và Monsoon các bạn đã từng sống ở Hàn Quốc đều biết đến Quốc Trung.

Ban nhạc Bức Tường và Ngọt sẽ tham gia lễ hội Gió mùa năm nay.

Một Quốc Trung độc đáo và kỹ tính

Tôi muốn gặp Quốc Trung để nói với anh về Monsoon. Tôi không muốn anh sẽ vất vả như mọi lần. Với tôi đây là sự kiện lớn, là gương mặt đáng tự hào của văn hóa Việt trong thời đại văn hóa toàn cầu. Tôi biết anh ít thời gian và là người khá khắt khe dùng từ ngữ và các khái niệm trong nói chuyện.

Monsoon, chương trình mà anh đang dồn hết sức lực, tâm trí và tiền bạc vào đó là lễ hội âm nhạc được tổ chức trong không gian đầy tính lịch sử của khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Là một sự kiện thu hút hàng chục nghìn khán giả yêu thích âm nhạc trong và ngoài nước.

Khán giả sẽ được thấy những tên tuổi âm nhạc lớn với thành tựu đã được kiểm chứng, lẫn những nghệ sĩ mới nhưng năng lượng và “màu” nhạc kỳ lạ. Monsoon năm nào cũng hay nhưng với 2023 sẽ “hay một cách đặc biệt”. Không chỉ là một không khí lễ hội âm nhạc vốn là nhu cầu mạnh mẽ của người trẻ, mà còn là một hoạt động giao lưu, nơi mọi người có cơ hội khám phá và thấu hiểu những giá trị văn hóa đa dạng trong và ngoài nước.

Một tên phố mới: Phố Hàng Nhạc sẽ xuất hiện và hy vọng nó sẽ tồn tại trong lịch sử. Tuần lễ âm nhạc ở phố Hàng Nhạc đa dạng cả về nơi tổ chức lẫn màu sắc âm nhạc. Tổ chức tại nhiều địa điểm khác nhau, phố Hàng Nhạc sẽ kết nối các nghệ sĩ và khán giả, từ rock đến pop, indie đến dân gian, mang đến một hành trình âm nhạc phong phú.

Điểm nhấn đặc biệt của Monsoon 2023, như những lễ hội trước, là hai đêm nhạc mang tên “Thăng Long Thành Hội” tại không gian Hoàng thành Thăng Long - một địa điểm “đặc sản” của Monsoon, cổ nhưng không cũ và đầy quyến rũ bởi tài nghệ sắp đặt của các nhà thiết kế nghệ thuật giàu kinh nghiệm. Không chỉ là một đêm nhạc thuần túy, Monsoon hy vọng mang lại một trải nghiệm văn hóa, mang đến cảm xúc tinh thần và sự kết nối sâu sắc giữa những tâm hồn đồng điệu.

Còn gì lo lắng?

Dạo này đi đâu cũng thấy nói về công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo. Nhưng đa phần không hiểu là để xây dựng một nền công nghiệp sáng tạo người ta cần có những quy trình sản xuất, quản lý, truyền thông… một cách khoa học mà ở đó timeline (mốc thời gian) thực hiện là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất. Chúng ta không có và không chịu áp dụng bởi nhiều lý do. Có lẽ khó nhất vẫn là thuyết phục và vượt qua được “quy trình quản lý”. Nếu không được chuẩn bị và có đủ thời gian thì đừng bao giờ hy vọng là có được sản phẩm sáng tạo đỉnh cao hay truyền tải nó đến công chúng với chất lượng cao nhất. Công nghiệp văn hóa không có chỗ cho chộp giật, cũng chẳng có đường tắt để đón đầu…

Nhạc sĩ Quốc Trung

Tôi nhắc lại với Quốc Trung những con số mà tôi biết qua 5 mùa Monsoon: 150.000 khán giả. 300 nghệ sĩ trong nước và quốc tế tham gia. 80 đối tác đồng hành. 12 tháng chuẩn bị. 168 giờ sản xuất. 390 nhân sự điều hành/ điều dẫn/ trật tự. 50 tấn thiết bị. Tiêu chuẩn quốc tế. Các phong cách âm nhạc đa dạng.

Điều đặc biệt của Monsoon được Quốc Trung tạo ra không chỉ kiên định tạo dựng nên một lễ hội có uy tín cho Hà Nội, cho cộng đồng, một thương hiệu văn hóa mà còn có tác động tích cực bền vững tới đời sống âm nhạc và các nghệ sĩ Việt Nam.

Sân khấu với tiêu chuẩn quốc tế tại Hoàng thành Thăng Long đã mang lại những trải nghiệm không thể quên đối với khán giả và nó trở thành niềm ao ước, khát khao được biểu diễn ở đó không chỉ với các nghệ sĩ trẻ, nghệ sĩ Việt Nam mà còn cả những nghệ sĩ khắp nơi trên thế giới.

Những cơ hội tiếp cận sự đa dạng, những tính cách âm nhạc độc đáo mới lạ của các nghệ sĩ đối với khán giả nhất là khán giả trẻ cũng là cơ hội cọ sát, học hỏi, tìm cảm hứng và những cơ hội cộng tác cho các nghệ sĩ Việt Nam.

Cũng từ Monsoon mà những quy trình về sản xuất, quản lý đã dần được lan tỏa cộng hưởng trong đời sống âm nhạc, dần xây dựng nên những đội ngũ kỹ thuật, những nhà cung cấp có tiêu chuẩn. Để minh chứng rõ nhất mà ít người biết, đó chính là ekip kỹ thuật và giám đốc kỹ thuật của Monsoon cũng chính là đội ngũ tham gia tổ chức cho show Born Pink đình đám tại Mỹ Đình cuối tháng 7 vừa qua. Giám đốc kỹ thuật là người được Quốc Trung đưa đi thực tập tại Roskilde Festival 2008 (một trong những festival âm nhạc lớn nhất thế giới tại Đan Mạch).

Thích việc khó và… luôn thiệt thòi

Khó liệt kê ra đầy đủ những gì mà Quốc Trung đã cống hiến. Trong môi trường âm nhạc, thường showbiz phải tìm cách tạo ra chiêu trò, giật gân để đánh động sự tò mò của thị hiếu nhưng Quốc Trung không làm thế. Anh nói thẳng: “Tôi không cần scandal và những người yêu quý tôi cũng không thích tôi tạo ra scandal”. Đó là tính cách là đạo đức nghề nghiệp, nhưng anh đã để cái vòng giới hạn của mình quá khắt khe.

Thế giới của cạnh tranh, của lấn át, nếu anh không có chiến lược truyền thông thì anh dễ thất bại… Nói đến đây tôi cảm thấy nước mắt dâng đầy vì cảm động và lo lắng. Tôi đã từng. Và tôi biết, nếu ở thế giới gặp khó khăn một thì ở Việt Nam sẽ gấp mười khi người ta muốn đưa một chương trình âm nhạc ra mắt công chúng. Từ giấy phép, đến địa điểm, đến thời tiết, đến nhân sự, đến trật tự an ninh… cái gì cũng… “đầu tiên”.

Sức chứa của Monsoon tại Hoàng thành Thăng Long là khoảng 8.000 người và nếu bán hết số vé đó thì cũng chưa tới 30% kinh phí sản xuất. Điều này làm tôi vô cùng xúc động vì sự can đảm và tính kiên định của Quốc Trung.

Vậy mà bao năm qua Quốc Trung vẫn giữ nguyên những tiêu chuẩn kỹ thuật, thẩm mỹ và giá trị âm nhạc của mình và cũng không tăng giá vé vì anh biết giá vé Monsoon rẻ hơn các sự kiện có quy mô nhỏ hơn nhiều. Kiên định xây dựng thói quen mới, xây dưng thương hiệu cho thành phố Hà Nội. Vậy mà Monsoon 2023 còn mở rộng và kéo dài đến gần 10 ngày với gần 40 ban nhạc và nghệ sĩ và hơn 60 set biểu diễn. Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa mà Quốc Trung vẫn chạy đôn chạy đáo với các thủ tục, tài trợ, với những khối lượng công việc đồ sộ ngổn ngang mà như anh nói nó cần phải chuẩn bị trước 1 năm.

Phải thẳng thắn mà nói dù có mất lòng, rằng nhiều người Việt chỉ thích xin vé xem ca nhạc, xin sách. Thật, không hiểu tại sao. Có lẽ họ không biết tổ chức một show diễn, nhà sản xuất phải chi trả rất nhiều hạng mục. Tôi từng nói với nhạc sĩ Phó Đức Phương lần anh làm show "Trên đỉnh phù vân", rằng, anh chỉ có căn nhà chưa đầy 5 tỉ, nếu không bán được vé, anh sẽ phải bán nó để trả nợ đấy.

Vậy tại sao họ vẫn làm, khi biết sẽ lỗ?

Nếu bạn có sự say mê nghề nghiệp, say mê cái đẹp, cái bạn nghĩ nó là đỉnh, là “món ngon” thì bạn luôn mong cho mọi người thưởng thức nó. Đó là "căn bệnh" muôn đời của nghệ sĩ. Cho nên, có nhiều nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ… có tài mà rất nghèo. Tôi không nói Quốc Trung nghèo. Quốc Trung có nghề, có nhiều việc làm khác để bù vào, có một vài bạn bè là doanh nghiệp yêu tính cách và tài năng Quốc Trung nên ủng hộ. Song lần này, vừa mới qua đại dịch, các doanh nghiệp còn đang liêu siêu cả… Tôi lo lắm!

Lễ hội âm nhạc Gió mùa từng thu hút rất đông khán giả đến thưởng thức.

Chiến lược văn hóa tầm vĩ mô

Trở lại với thành công doanh thu của nhóm nhạc trẻ Hàn Quốc gần đây, con số giả định là 66.000 vé, được bán hết, doanh thu có thể ngang bằng 60 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong 6 tháng. Một con số mà ai quan tâm đến người Việt, nước Việt không thể bỏ qua mà không có chút tiếc nuối…

Tôi không có ý tranh luận với ai về chuyên môn, những người có chuyên môn đều hiểu về họ cả rồi. Tôi thán phục họ về khả năng marketing, về chiến lược xuất khẩu văn hóa tầm sâu rộng không chỉ của nhóm nhạc mà của Chính phủ. Chính phủ không coi đó là nhóm nhạc tư nhân hay nhà nước quản lý, mà coi đó là gương mặt chung mang ý nghĩa quốc gia.

Những nhà chiến lược tầm vĩ mô nhận biết phân khúc thị trường: Chỗ nào cho đỉnh cao, chỗ nào cho trung lưu, chỗ nào cho đại chúng và họ chú trọng tất cả. Cái cho đại chúng là cái thu được lợi nhuận nhiều nhất, họ có chiến lược phổ biến, phổ quát, và đẩy nó đến thành công trong và ngoài biên giới, thu lợi về.

Một vấn đề không nhỏ như thế, đòi hỏi phải có tầm. Phải có chiến lược dài hơi, cũng có thể bắt đầu từ nghị quyết, nhưng phải là những thực thi nghiêm chỉnh. Có được nghị quyết đúng đắn đã khó nhưng đòi hỏi những người thực thi nó phải nghĩ nhiều đến lợi nhuận tầm quốc gia chứ không phải "cái túi riêng" của các nhà quản lý rộng hẹp thế nào. Tôi tin rằng, và đã từng trải nghiệm rằng, nếu không bị gây khó dễ, nếu cứ có một bộ luật nghiêm túc, không kèm theo những cái lệ “đi đêm” thì âm nhạc, hội họa, điện ảnh… của chúng ta không phải hổ thẹn, thậm chí không hề thua kém những quốc gia khác.

Tôi kể dài (mà chưa hết) về Quốc Trung để chứng minh điều đó. Anh ít nói nhưng đã mở lời thì hóm hỉnh và rất duyên. Chắc hẳn anh nghĩ nói ra chẳng thể lay chuyển được gì. Xin trích một cảm thán riêng tư trên Facebook gần đây của anh: “Dạo này đi đâu cũng thấy nói về công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo. Nhưng đa phần không hiểu là để xây dựng một nền công nghiệp sáng tạo người ta cần có những quy trình sản xuất, quản lý, truyền thông… một cách khoa học mà ở đó timeline (mốc thời gian) thực hiện là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất. Chúng ta không có và không chịu áp dụng bởi nhiều lý do.

Có lẽ khó nhất vẫn là thuyết phục và vượt qua được “quy trình quản lý”. Nếu không được chuẩn bị và có đủ thời gian thì đừng bao giờ hy vọng là có được sản phẩm sáng tạo đỉnh cao hay truyền tải nó đến công chúng với chất lượng cao nhất. Công nghiệp văn hóa không có chỗ cho chộp giật, cũng chẳng có đường tắt để đón đầu…”

Tôi cũng không muốn "dội nước lạnh" vào niềm tự hào của những người đã hồ hởi được đứng cạnh idol “đen hồng” hôm vừa rồi. Hiệu ứng đám đông, sức mạnh khủng khiếp của nền công nghiệp giải trí dựa trên sự khai thác tiềm năng văn hóa đại chúng đã cuốn họ theo và đã đem lại cho họ niềm hồ hởi ấy, nhưng khi trưởng thành thật sự, có thể họ sẽ nhận ra, cái mà họ thần tượng chỉ là cái… thời tuổi trẻ chưa nhiều kinh nghiệm và chưa thật tường tận những gì là giá trị mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quốc Trung, Monsoon và ‘idol’ của tôi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO