Mỗi năm Việt Nam có khoảng trên 9.000 người tử vong do nguồn nước và vệ sinh kém; gần 250.000 người nhập viện vì tiêu chảy cấp bởi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm; khoảng 200.000 người mắc bệnh ung thư mỗi năm.
Chiều 20/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Theo ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), Việt Nam là quốc gia có may mắn sở hữu nguồn tài nguyên nước đa dạng và dồi dào. Tuy nhiên, nước không phải nguồn tài nguyên vô tận và bất biến. Chính việc chưa coi nước là tài nguyên quý giá nên việc khai thác, sử dụng nước thời gian qua nhiều khi chưa được quan tâm đúng mức đến việc tiết kiệm, hiệu quả, gắn khai thác, sử dụng với việc bảo vệ nguồn nước và hành lang nguồn nước khiến cho nhiều nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề, bị cạn kiệt, ảnh hưởng tiêu cực tới môi sinh, cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Đưa ra dẫn chứng con số thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế: Mỗi năm Việt Nam có khoảng trên 9.000 người tử vong do nguồn nước và vệ sinh kém; gần 250.000 người nhập viện vì tiêu chảy cấp bởi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm; khoảng 200.000 người mắc bệnh ung thư mỗi năm mà một trong những nguyên nhân chính là ô nhiễm nguồn nước, bà Nga cho rằng: Việc sụt giảm đến mức báo động về trữ lượng nước do nhiều nguyên nhân cũng đòi hỏi có những quy định, giải pháp quyết liệt để ngăn ngừa nguy cơ mất an ninh nguồn nước.
Bà Nga cũng đề nghị cần quy định rõ hơn việc tổ chức công bố thông tin chất lượng nguồn nước sinh hoạt để thực hiện một cách thực chất và hiệu quả.
Nhận định so với luật Tài nguyên nước hiện hành, dự thảo luật lần này có bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm, đảm bảo việc quản lý nguồn nước được chặt chẽ, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, bà Nga đánh giá trong khoản 4 có quy định hành vi bị cấm là “lấp sông suối, kênh rạch” chưa rõ các hành vi bị cấm. Trên thực tế hiện nay, rất nhiều dòng sông tuy chưa bị lấp nhưng bị người dân lấn chiếm phần diện tích ven sông rất nhiều bằng cách đổ vật liệu bồi đắp biến phần mặt nước sông thành diện tích đất để sử dụng. “Hầu như những con sông có các hộ gia đình sinh sống hai bên bờ sông đều rơi vào tình trạng bị lấn chiếm, vì vậy, cần quy định rõ hành vi bị cấm là lấn chiếm, lấp sông suối, kênh rạch”-bà Nga đề nghị.
Liên quan đến quy định: “Các hồ chứa, đập dâng và công trình khai thác, sử dụng nước khác khai thác nước không hiệu quả, gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng thì phải cải tạo, nâng cấp, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc phá dỡ”, bà Nga đánh giá, quy định như trên còn khá dễ dãi, chưa nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ nguồn nước khi “gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước” tới mức nghiêm trọng mới phải cải tạo, nâng cấp, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc phá dỡ. Mặt khác, mức độ “ô nhiễm nghiêm trọng” cụ thể là như thế nào cũng chưa được quy định rõ.
Do đó vị ĐBQH đoàn Hải Dương đề nghị sửa theo hướng bỏ cụm từ “nghiêm trọng”. Theo đó, các hồ chứa, đập dâng và công trình khai thác nước sử dụng không hiệu quả, gây suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước phải cải tạo, nâng cấp, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc phá dỡ. Như vậy mới nâng cao được trách nhiệm, hiệu quả của việc phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.