Quy hoạch cán bộ và kỳ vọng của nhân dân

Lục Bình (thực hiện) 15/01/2016 09:30

Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vừa kết thúc đã thu hút sự quan tâm của cán bộ, nhân dân cả nước. Trao đổi với Đại Đoàn Kết về kết quả Hội nghị, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng: Từ những thành công của Hội nghị sẽ mang lại thành công cho Đại hội Đảng lần thứ XII sắp tới. Đặc biệt, sẽ lựa chọn được đội ngũ cán bộ lãnh đạo đủ đức, đủ tài đưa đất nước tiếp tục đi lên.

Quy hoạch cán bộ và kỳ vọng của nhân dân

Ông Nguyễn Trọng Phúc.

PV: Ông đánh giá thế nào về kết quả của Hội nghị Trung ương 14 vừa bế mạc?

Ông Nguyễn Trọng Phúc: Hội nghị T.Ư lần thứ 14 tiếp tục phần việc còn lại của những hội nghị T.Ư trước, đặc biệt là vấn đề nhân sự. Thực ra vấn đề này đã được T.Ư khóa XI quy hoạch từ đầu nhiệm kỳ. Sau đó triển khai việc giới thiệu lấy phiếu tín nhiệm từ các địa phương, ngành, cơ quan để đề cử các đồng chí vào BCH T.Ư khóa XII, gắn với NQ T.Ư 4.

Chẳng hạn, Hội nghị T.Ư lần thứ 11 tháng 5/2015 đã trao đổi thảo luận những vấn đề về quy chuẩn cán bộ vào T.Ư của khóa XII, khẳng định những vấn đề về đạo đức, phẩm chất, trí tuệ, bản lĩnh cán bộ được giới thiệu vào BCH T.Ư khóa XII. Hội nghị T.Ư lần thứ 12 bỏ phiếu danh sách đề cử ủy viên T.Ư cả chính thức và dự khuyết. Đến Hội nghị T.Ư 13 đã hoàn tất việc giới thiệu cán bộ vào BCH T.Ư và có thêm phần việc giới thiệu Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII cũng như giới thiệu các đồng chí vào các chức danh chủ chốt như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch QH. Về cơ bản đến Hội nghị T.Ư lần thứ 13 đã hoàn thành toàn bộ những công việc cần thiết đối với vấn đề văn kiện và nhân sự.

Riêng về vấn đề nhân sự, Hội nghị T.Ư lần thứ 14 họp trong 3 ngày tiếp tục hoàn tất việc còn lại. Tức là khẳng định, chốt lại danh sách đề cử vào T.Ư khóa mới, danh sách Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cả 4 chức danh chủ chốt của đất nước.

Theo tôi, nhìn tổng thể toàn bộ công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược vào BCH T.Ư khóa XII đã được BCH T.Ư khóa XI chuẩn bị khá bài bản, chu đáo từ đầu nhiệm kỳ. Quy hoạch gắn với đào tạo bồi dưỡng, gắn với việc bỏ phiếu chốt lại danh sách. Có thể nói, với tư cách là người nghiên cứu lịch sử Đảng thì đây là lần đầu tiên Đảng làm việc trọng đại như vậy. Điều này thể hiện ở những điểm quan trọng.

Thứ nhất, đánh dấu bước phát triển cao về dân chủ trong Đảng. Dân chủ để lựa chọn được những lãnh đạo chủ chốt ở tầm chiến lược đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của đất nước.

Thứ hai, việc quy hoạch này đã nhận được sự đồng thuận cao trong Hội nghị T.Ư 14, thể hiện quy trình làm việc chặt chẽ, bài bản đặc biệt trong lựa chọn BCH T.Ư khóa mới. Thứ ba, thể hiện tinh thần trách nhiệm của T.Ư, Bộ Chính trị khóa XI đối với nhiệm kỳ tiếp theo.

Vấn đề lựa chọn nhân sự, đặc biệt là nhân sự chủ chốt là mối quan tâm hàng đầu của nhân dân. Sự quan tâm ấy hàm chứa cả yêu cầu của dân về phẩm chất và tài năng của những người sẽ lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ tới. Đó là một yêu cầu hết sức chính đáng thưa ông?

Đúng vậy. Nhân sự của Đảng, tất nhiên là do Đảng quyết định. Nhưng Đảng ta sinh ra từ dân, được dân che chở, luôn lấy quyền lợi của dân, của nước làm mục tiêu phấn đấu. Vì vậy, người mà Đảng chọn phải là người đáp ứng được sự tin tưởng, kỳ vọng của đại đa số nhân dân. Đó phải là những người đủ tâm, đủ tầm để gánh vác trách nhiệm lớn lao mà nhân dân ủy thác. Đất nước trên đà phát triển và hội nhập, nền kinh tế thị trường đang tác động không nhỏ tới hệ thống chính trị từ các giá trị rất đời thường.

Quyền lực chính trị sinh ra quyền lực kinh tế, đến lượt mình quyền lực kinh tế lại hỗ trợ, củng cố và gia tăng quyền lực chính trị. Vì vậy, công tác lựa chọn nhân sự của Đảng chắc chắn cũng được đặt trong bối cảnh có nhiều tác động, nhiều tiêu chí về phẩm chất đạo đức, tài năng, sự thích ứng…để những người được chọn sẽ đủ sức gánh vác nhiệm vụ, đủ uy tín tập hợp lòng dân.

Đây là việc quan trọng thế nên ngay tại Hội nghị T.Ư 12, chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, kiên quyết không để lọt vào BCH T.Ư những người có một trong các khuyết điểm như: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng; tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm...

Ông có thể phân tích rõ hơn về những tiêu chí lựa chọn cán bộ được Hội nghị T.Ư 12 đưa ra?

Nếu để lọt vào T.Ư những người mắc các khuyết điểm như nêu trên rất tác hại cho vai trò lãnh đạo của Đảng. Theo tôi, có thể lực lượng cán bộ lãnh đạo của Đảng rất đông đảo, chọn được nhiều người tốt. Nhưng không cẩn thận chỉ cần vài người có những vấn đề này, vấn đề khác về chính trị, phẩm chất, phong cách làm việc, quan liêu, bè phái, lợi ích nhóm... sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong chừng mực nào đó, kẻ thù có thể lợi dụng các phần tử cơ hội chính trị và tham vọng quyền lực này. Nếu phần tử này lọt vào T.Ư, họ sẽ thực hiện cơ hội chính trị phục vụ lợi ích riêng của họ mà quên đi lợi ích chung của đất nước.

Cho nên, trong công tác cán bộ, cái này phải hết sức cẩn trọng nhất là lựa chọn ban lãnh đạo cấp chiến lược. Sắp tới trong bầu cử QH, HĐND các cấp cũng không thể để những người có biểu hiện này lọt vào các cơ quan dân cử, cơ quan của Nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển.

Thưa ông, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI của Đảng đã chỉ ra một bộ phận không nhỏ đảng viên thoái hóa làm giảm lòng tin của dân với Đảng, vậy theo ông nhiệm kỳ tới chúng ta phải có giải pháp như thế nào?

Giờ vẫn đang tiếp tục thực hiện NQ T.Ư 4, Báo cáo Chính trị ĐH XII đã nói rõ ở nhiệm vụ thứ nhất trong 6 nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, thực hiện NQ T.Ư 4 ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng đạo đức lối sống trong bộ phận cán bộ đảng viên. Làm thế nào để đẩy lùi bộ phận không nhỏ này thì phải trở lại 4 nhóm giải pháp của NQ T.Ư 4 như tự phê bình, phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, giáo dục chính trị... tất cả những điều này phải được làm một cách mạnh mẽ, đồng bộ. Không quyết tâm cao thì sẽ rơi vào tình trạng đánh trống bỏ dùi rất nguy hiểm.

Vừa rồi, chúng ta cũng đã xử lý nghiêm bộ phận này, chẳng hạn, đến năm 2014 đã xử lý khoảng trên 54.000 cán bộ đảng viên chưa kể năm 2015 cũng xử lý khoảng mấy nghìn cán bộ nữa; đã đưa ra xử những vụ đại án như 8 vụ tham nhũng điển hình trước ĐH XII. Những cách làm như vậy là phù hợp nên duy trì thường xuyên. Đặc biệt dân cũng phải có trách nhiệm giám sát. Các tổ chức như MTTQ các cấp, các đoàn thể phải giám sát thì kết quả mới bền vững, không nên coi đây là việc riêng của Đảng mà việc chung của đất nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy hoạch cán bộ và kỳ vọng của nhân dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO