Quy hoạch Điện VIII: Kỳ vọng tháo gỡ những nút thắt

Minh Phương 29/09/2020 08:00

Đề án Quy hoạch Điện VIII được dự báo sẽ thúc đẩy phát triển ngành điện, phát triển hợp lý, hài hòa, lưới điện truyền tải, đảm bảo vận hành ổn định hệ thống điện lưới quốc gia. Đó là nhận định của giới chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo Quy hoạch Điện VIII do Bộ Công thương tổ chức sáng 28/9 tại Hà Nội.

Ngành điện còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ trong hệ thống truyền tải điện.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Đề án Quy hoạch điện VIII về cơ bản đã hoàn thành, theo đúng kế hoạch Bộ Công thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10/2020. Theo Chương trình phát triển nguồn điện giai đoạn tới năm 2030, dự kiến tổng công suất nguồn điện sẽ tăng thêm khoảng gần 80.000 MW so với năm 2020, trong đó các nguồn điện lớn như các nhà máy nhiệt điện than, khí và LNG dự kiến sẽ tăng thêm khoảng trên 30.000 MW; các nhà máy điện gió onshore, offshore và điện mặt trời dự kiến tăng thêm khoảng gần 30.000 MW.

Ông Vượng cho biết, phần lớn các nguồn điện này đều tập trung nằm xa trung tâm phụ tải. Vì vậy, công tác phát triển lưới truyền tải để giải tỏa công suất các nguồn điện này đặt ra nhiều nội dung cần xem xét và nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu của Đề án chỉ ra rằng, xu hướng truyền tải điện sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới. Thay vì truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Nam như những năm qua, chiều truyền tải có xu hướng thay đổi dần theo chiều ngược lại.

“Trong Đề án lần này, vấn đề liên kết lưới điện đã được Bộ Công thương nghiên cứu kỹ lưỡng và đề xuất các giải pháp triển khai nhằm hiện thực hóa các chủ trương liên kết lưới điện của Chính phủ. Chính vì vậy, việc phát triển hợp lý, hài hòa, lưới điện truyền tải, đảm bảo vận hành ổn định hệ thống cần phải được nghiên cứu và xem xét cụ thể cũng như chủ trương cụ thể về triển khai nhập khẩu điện từ các nước trong khu vực. Việc này không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nước ta trong giai đoạn tới, quan trọng hơn là tạo ra sự liên kết mạnh giữa hệ thống điện Việt Nam và các nước trong khu vực, hướng tới thị trường điện cạnh tranh”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đó, việc lập Quy hoạch điện VIII được mong đợi sẽ đề ra các giải pháp toàn diện để giải quyết vào tháo gỡ các nút thắt hiện nay trong phát triển điện lực.

Những kết quả nghiên cứu cho thấy tốc độ tăng trưởng phụ tải giai đoạn 2021-2030 được dự báo vẫn ở mức cao, khoảng 8,6% giai đoạn 2021-2025 và 7,2% trong giai đoạn 2026-2030. Nhiều kịch bản phát triển nguồn điện đã được đưa ra mổ xẻ, phân tích thấu đáo. Kịch bản phát triển nguồn điện tối ưu là kịch bản đáp ứng các mục tiêu đề ra của Nghị quyết số 55, hướng tới thân thiện với môi trường và khai thác tối đa lợi ích từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Điều này cũng đặt ra những thách thức trong Quy hoạch điện VIII, khi mà nhu cầu điện vẫn tăng trưởng với tốc độ cao nhưng các nguồn năng lượng sơ cấp ngày càng khan hiếm. Và để đảm bảo cung ứng điện tới năm 2030, Việt Nam dự kiến phải nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn LNG, 35,1 triệu tấn than vào năm 2025 và tăng dần tới 8,5 triệu tấn LNG và 45 triệu tấn than vào năm 2030.

Chia sẻ quan điểm tại Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Phát triển hệ thống điện – Viện Năng lượng cho biết, việc thiết kế hệ thống lưới truyền tải đảm bảo đi trước một bước; trong đó, đưa ra lộ trình xây dựng lưới truyền tải giai đoạn 2021-2030, định hướng tới 2031-2045; lập danh mục đường dây và trạm biến áp cấp điện phụ tải và lưới truyền tải đấu nối nguồn điện, nhất là hệ thống gom nguồn năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy hoạch Điện VIII: Kỳ vọng tháo gỡ những nút thắt