Trong quy hoạch cảng hàng không, sân bay lần này, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) không khống chế cố định số lượng cảng hàng không mà tùy thuộc vào nhu cầu phát triển của địa phương.
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra sáng 14/7, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không cho biết, trong quy hoạch lần này, Bộ GTVT không khống chế cố định số lượng cảng hàng không, chỉ là định hướng, tùy thuộc vào nhu cầu, khả năng phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, nhu cầu bảo đảm quốc phòng, phòng chống cứu hộ cứu nạn thì cho phép bổ sung các vị trí mới, sân bay mới vào quy hoạch với địa phương; trong đó phải đáp ứng 3 tiêu chí gồm nhu cầu, vị trí phát triển được cảng hàng không, sân bay và chuẩn bị các nguồn lực đầu tư bảo đảm cảng hàng không hoạt động hiệu quả.
Về tổng số tiền dự kiến cần để đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 lên tới 420.000 tỷ đồng, Cục trưởng Cục Hàng không cho biết, các cảng hàng không là kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia, mục tiêu chính là để phục vụ cho đi lại của người dân. Do đó, hiệu quả cảng hàng không là hiệu quả tổng thể lợi ích quốc gia, xã hội, doanh nghiệp và người dân. Có những địa điểm cảng hàng không bắt buộc phải có để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề là tổ chức mạng lưới cảng hàng không làm sao để hạch toán mà vẫn có khả năng sinh lời và bảo đảm phát triển. Vì vậy, đối với cảng hàng không, không nên tiếp cận riêng lẻ mà cần cái nhìn tổng thể, xuyên suốt.
Trước câu hỏi thời gian qua các địa phương ồ ạt xin quy hoạch và đầu tư các sân bay, liệu có phá vỡ quy hoạch khi mà các sân bay khoảng cách quá gần nhau, ông Thắng cho rằng mong muốn của các địa phương khi có sân bay là chính đáng vì các cảng hàng không có vai trò quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. “Cảng hàng không chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, cơ cấu các cảng hàng không phụ thuộc nhiều yếu tố như nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng miền cả nước; quan hệ giữa phương tiện hàng không với các loại hình giao thông khác, trên nguyên tắc phát triển hài hòa và có sự phân bổ hợp lý để phát triển đồng bộ các loại phương tiện, làm sao các loại hình phương tiện hỗ trợ phát triển cùng nhau” - ông Thắng nói.
Ông Thắng cũng cho rằng, cần đặc biệt quan tâm tới hiệu quả. Đây là điểm quan trọng khi đặt vấn đề các địa phương nên có sân bay không và nên có vào thời gian nào, bởi sân bay có nguồn lực đầu tư và chi phí lớn, ngoài việc mang lại lợi ích chung vẫn phải bảo đảm hiệu quả nhất định để duy trì và phát triển, tránh tình trạng sân bay định ra rồi dừng khai thác.
Tầm nhìn đến năm 2050, cả nước sẽ hình thành 33 cảng hàng không. Ông Đinh Việt Thắng nhìn nhận: Với số lượng cảng hàng không được quy hoạch như trên sẽ đảm bảo đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 có trên 95% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100km, cao hơn mức trung bình của thế giới hiện nay (75%) và tương đương với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.