Phát biểu tại Hội nghị liên tịch thường niên giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, công tác phối hợp giữa hai cơ quan ngày càng chặt chẽ, thực hiện hiệu quả quy định của Pháp luật nhất là trong việc tổ chức thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.
Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, thành công trong công tác phối hợp phải kể đến hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và đưa ra các quyết sách phục hồi, phát triển kinh tế. Nổi bật là Nghị quyết 30/2021/QH15 ban hành ngày 28/7/2021 đã thể hiện quyết tâm chính trị, kịp thời tạo khung pháp lý và cơ chế đặc thù để tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch với những diễn biến nhanh, khó lường và hết sức phức tạp.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng hành với MTTQ Việt Nam trong việc tổ chức vận động xã hội, hỗ trợ an sinh.
“Qua nắm bắt tình hình cử tri và nhân dân, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đánh giá cao và cảm nhận sâu sắc qua một năm hoạt động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội khóa XV có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát, tổ chức kỳ họp, quyết định những vấn đề quan trọng, kịp thời, đáp ứng tốt hơn mong mỏi, kỳ vọng của cử tri và nhân dân”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng cho rằng, công tác tổng hợp, tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến các kỳ họp Quốc hội vẫn chưa phản ánh hết được các góc cạnh thực tiễn, chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân; công tác giám sát, tổng hợp kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân của các Bộ ngành còn hình thức, chưa “đeo bám” đến cùng sự việc, đặc biệt các vụ việc gây bức xúc lớn trong nhân dân; công tác phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam đối với các dự án Luật, các nghị quyết về cơ chế, chính sách, giám sát các hoạt động của cơ quan Nhà nước; giám sát tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, hoạt động của đại biểu dân cử còn mang tính hình thức, chưa thực chất, hiệu quả chưa cao…
Xuất phát từ thực tế triển khai nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị Chủ tịch Quốc hội quan tâm, chỉ đạo, ủng hộ thông qua Đề án quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam; cơ cấu, vị trí, chức năng, chế độ chính sách của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội ủng hộ việc xây dựng dự án Luật giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; trước mắt ủng hộ nghiên cứu, sửa đổi bổ sung hoặc ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, hiện nay Ban soạn thảo Luật Thanh tra đã bỏ chế định thanh tra nhân dân trong dự thảo luật và đưa chế định này vào dự thảo luật thực hiện dân chủ ở cơ sở nhưng thực tế thanh tra nhân dân là chế định hết sức quan trọng, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân, dân là chủ, bởi vậy, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ theo hướng giữ nguyên chế định thanh tra nhân dân trong luật thanh tra đến khi ban hành Luật giám sát, phản biện xã hội được chấp thuận thông qua.
“Nếu đưa chế định thanh tra nhân dân vào luật thực hiện dân chủ cơ sở thì phải đảm bảo nội dung đầy đủ, toàn diện và khả thi hơn”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ.