Trước mỗi năm học mới câu chuyện lạm thu lại trở thành mối quan tâm của nhiều phụ huynh. Ghi nhận cho thấy, hiện nhiều địa phương đã quyết liệt chấn chỉnh tình trạng này.
Ngay trước thềm năm học mới 2024- 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM đã yêu cầu tất cả khoản thu phải được các nhà trường thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến phụ huynh, học sinh, sinh viên. Cơ sở giáo dục cần nêu rõ nội dung những khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục theo Nghị quyết 13/2024/NQ- HĐND và khoản thu tổ chức các hoạt động giáo dục khác theo quy định.
Đồng thời, Sở yêu cầu giãn thời gian thực hiện các khoản thu; không tổ chức thu gộp nhiều khoản trong cùng một thời điểm, thực hiện đầy đủ chế độ quản lý tài chính theo quy định. Sở GDĐT TPHCM cũng nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định. Các khoản thu của ban đại diện cha mẹ học sinh cần thực hiện nghiêm theo Thông tư 55 của Bộ GDĐT (Thông tư 55 ngày 22/11/2011 của Bộ GDĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh).
Phân tích nguyên nhân nhiều năm qua tình trạng lạm thu vẫn xảy ra vào đầu năm học, ông Trần Khắc Huy - Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GDĐT TPHCM cho biết: Qua các cuộc khảo sát và kiểm tra cho thấy nhiều cán bộ quản lý chưa vận dụng và hiểu rõ Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và Thông tư 55. Một số đơn vị còn lẫn lộn khi thực hiện hai thông tư này.
Do đó, các trường học phải nghiên cứu thật kỹ Thông tư 16 và Thông tư 55 của Bộ GDĐT trong năm học 2024 - 2025 khi thực hiện các khoản thu chi.
Lãnh đạo Sở GDĐT TPHCM đề nghị Phòng GDĐT các quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo quyết liệt hiệu trưởng các đơn vị về vấn đề trên. Hiệu trưởng nào làm sai, Phòng GDĐT phải có biện pháp xử lý.
Tại Nghệ An, Sở GDĐT tỉnh cũng vừa công bố những khoản thu theo quy định tại các nhà trường trong năm học 2024-2025. Cụ thể, có 3 khoản thu gồm: Học phí, được xác định theo Nghị quyết số 02/2024 ban hành ngày 22/4/2024 của HĐND tỉnh quy định mức thu học phí trong các cơ sở giáo dục công lập, mức hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn giảm học phí theo quy định thuộc tỉnh Nghệ An quản lý từ năm học 2023-2024.
Ngoài học phí, còn có hai khoản thu khác là bảo hiểm y tế và dịch vụ trông giữ xe. Theo hướng dẫn của Sở GDĐT, việc triển khai phải thực hiện theo nguyên tắc nhu cầu và đồng thuận.
Vào đầu năm học, căn cứ nhu cầu của học sinh và được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, tình hình thực tế tại đơn vị mình (điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy, năng lực và số lượng đội ngũ giáo viên, nhân viên...), nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục.
Tại Quảng Trị, UBND tỉnh cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo Sở GDĐT và UBND các huyện, thị xã, thành phố về thực hiện các khoản thu trong cơ sở giáo dục năm học 2024 - 2025.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 58/2024 của HĐND tỉnh quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập chưa đảm bảo chi thường xuyên và phân loại vùng để áp dụng mức thu học phí trên địa bàn tỉnh Quảng Trị từ năm học 2024 - 2025. Địa phương cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị tăng cường công tác quản lý thu, chấm dứt tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức tại các cơ sở giáo dục.
Nhằm tăng cường công tác quản lý các khoản thu, chi từ cha mẹ học sinh trong năm học mới 2024- 2025, lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội cho biết đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu.
Đối với kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, các nhà trường thực hiện theo quy định tại Thông tư số 55. Trong quá trình thực hiện, Sở GDĐT Hà Nội lưu ý tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư nói trên.
Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, không được thu 7 khoản sau: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; không thu của cha mẹ học sinh để mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng học tập cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Đây là năm học đầu tiên các trường học ở Hà Nội áp dụng Nghị quyết số 03/2024 ngày 29/3/2024 của HĐND thành phố quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục. Việc minh bạch các khoản thu với mức trần cụ thể để áp dụng thống nhất toàn thành phố là tin vui với các gia đình học sinh với kỳ vọng không còn hiện tượng cùng một khoản thu nhưng mỗi trường lại có mức thu khác nhau, hoặc mỗi trường tự đặt ra số lượng các khoản thu không giống nhau.
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội khẳng định, Sở sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình thu chi ngay từ những ngày đầu năm học; kịp thời nắm bắt, xử lý thông tin phản ánh hiện tượng lạm thu; xử lý nghiêm đối với hiệu trưởng nhà trường có sai phạm.
Tăng cường thanh tra, giám sát các khoản thu
Trước đó, Bộ GDĐT đã có văn bản chỉ đạo về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực GDĐT đối với năm học mới 2024 - 2025. Theo đó, yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội về các mức thu, khoản thu của cơ sở giáo dục; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học. Thực hiện công khai về cam kết chất lượng GDĐT, các điều kiện đảm bảo chất lượng và thu chi tài chính.