Những ngày này, người dân cả nước cùng hướng về Đại hội Đảng lần thứ XII, với niềm tin và hy vọng. Cùng với nhiều nội dung quan trọng, người dân rất quan tâm đến việc đổi mới, phát triển nền kinh tế. Ba mươi năm qua, đất nước ta đã thu được những thành quả to lớn trên con đường đổi mới, nhưng còn đó những hạn chế, yếu kém, đầy thách thức, những đòi hỏi, giải pháp trước những mục tiêu đề ra. Yêu cầu đổi mới, phát triển, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu, cần phải phấn đấu quyết liệt.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi khai mạc ĐH XII.
Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày ngày 21-1, đã nêu rõ, sau 30 năm đổi mới, cùng với những thành quả quan trọng, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đã đạt được, thì còn đó hạn chế là việc “đổi mới chưa đồng bộ và toàn diện”; “một số chỉ tiêu kinh tế- xã hội chưa đạt kế hoạch; nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được”.
Trong khi đó, mục tiêu “đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đã được xác định từ Đại hội VIII của Đảng”. Báo cáo của Tổng Bí thư chỉ rõ: “Trên thực tế, 20 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan nên nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu trên không đạt được. Trong 5 năm tới, phải phấn đấu quyết liệt hơn, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, để sớm đạt được mục tiêu”.
Theo đó, việc cần làm là tiếp tục đổi mới và sáng tạo trong quản lý. Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường. Cụ thể, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là chủ trương lớn, quan trọng được nêu ra từ Đại hội XI của Đảng.
Vì sao mục tiêu, định hướng đã đặt ra từ Đại hội VIII, nhưng một số chỉ tiêu, tiêu chí phấn đấu chưa đạt được? Vấn đề trăn trở không chỉ của Đảng, mà còn của mọi người dân. Trước đó, tại một cuộc hội thảo “Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015”, nhiều chuyên gia từng bi quan về tương lai nền kinh tế, khi vấn đề tụt hậu của Việt Nam so với các nước trong khu vực là một thực tế. Từ khoảng cách GDP trên đầu người cho đến năng suất, chất lượng lao động. Một số ý kiến cho rằng nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng cũng có ý kiến mạnh dạn cho rằng do hạn chế từ sai lầm chủ quan dẫn tới bất ổn vĩ mô. Không ít người bi quan đã đề nghị giảm mục tiêu tăng trưởng xuống tới 5,4%. Tuy nhiên từ sự nhìn thẳng vào sự thật, với nhiều biện pháp cấp bách từ tình thế cho đến lâu dài, Đảng, Chính phủ đã đưa nền kinh tế đi vào ổn định, phát triển. Con số tăng trưởng 6,68 % năm 2015 thực sự nói lên việc khởi sắc đối với kinh tế nước ta. Điều đặc biệt, như nhiều tổ chức dự báo kinh tế thế giới, dù năm 2016, 2017 kinh tế toàn cầu vẫn còn khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn phát triển ổn định, bền vững với dự báo tăng trưởng 6,8-7%, sẽ là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu.
Vì sao chúng ta có được sự đột phá, những bước tiến? Điều đó có nguyên nhân của việc khắc phục yếu kém, tăng cường các giải pháp, trong đó có những giải pháp như đổi mới mô hình, cơ cấu lại nền kinh tế...Xuất phát trên đà thành công và Đảng đã khẳng định, chủ trương tiếp tục đẩy mạnh quá trình theo hướng kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh....
Để đạt được mục tiêu, thời gian 5 năm quả là quá ngắn cho việc từ tái cơ cấu lại đến sự phát triển ổn định, đột phá. Điều quan trọng hơn nữa như Đảng yêu cầu, là phải “thực hiện cơ cấu lại đồng bộ, tổng thể nền kinh tế và các ngành, các lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng”. Đó là xây dựng nền công nghiệp và thương hiệu công nghiệp quốc gia với tầm nhìn chung và dài hạn, có lộ trình cho từng giai đoạn, phát triển có chọn lọc, một số ngành công nghiệp chế tạo, chế biến, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp năng lượng, cơ khí... Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sịnh an toàn thực phẩm.v.v..
Đảng đã chỉ rõ, động lực quan trọng nhất và cũng là điều kiện để đổi mới mô hình tăng trưởng là đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới, sáng tạo. Rõ ràng chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh rất quan trọng trong quá trình hội nhập tới đây. Từ việc nâng cao năng suất lao động, đi đôi với chất lượng.
Theo đó, đòi hỏi việc nâng cao kiến thức, kỹ thuật, sự sáng tạo. Chỉ nói như lĩnh vực nông nghiệp, người nông dân Việt Nam từng sản xuất được các loại máy sản xuất như tuốt lúa, gặt đập, thậm chí tự chế tạo được cả máy bay, tàu ngầm loại nhỏ. Nhưng cũng còn đó chuyện nhẹ dạ, cả tin nghe theo thương lái vặt lá, hoa cây trồng đem bán non, dùng hóa chất can thiệp vào quá trình chế biến, sản xuất, thậm chí có chuyện như người dân dùng cả xi măng để thay cho phân bón cho hoa màu ở một vài địa phương...
Chủ trương, giải pháp đã đặt ra sẽ được phân tích, xây dựng hoàn chỉnh. Kế hoạch, nhiệm vụ thực hiện đạt hiệu quả cao là yêu cầu cho những tập thể đơn vị, cá nhân có trách nhiệm. Các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII được Tổng Bí thư nêu cũng mới là những vấn đề gói gọn cơ bản trong những việc cần làm. Yêu cầu của Đảng, Nhân dân đang đặt lên vai các cá nhân sẽ được bầu chọn, gánh vác trách nhiệm trước Đảng, trước Dân trong những ngày tới đây, cũng như sự sáng suốt của Đại hội trong việc xây dựng, hoàn chỉnh các văn kiện.
Người dân kỳ vọng vào một Đại hội đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và đổi mới. Sẽ không còn cơ hội cho những sai lầm, hay dùng dằng, chậm tiến. Trách nhiệm, gánh nặng thật sự, và với những mục tiêu, yêu cầu thực sự. Đây là niềm tin của Nhân dân với Đảng. Và để đạt được những mục tiêu, để hoàn thành trọng trách - như Tổng Bí thư đã nêu, - phải phấn đấu quyết liệt.