Chủ tịch UBND thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) Bùi Văn Phú vừa quyết định đình chỉ công tác 15 ngày đối với Chủ tịch UBND phường Tấn Tài Phan Hoàng Việt, để xử lý trách nhiệm trong việc chỉ đạo thu phí cấp giấy đi đường cho nhân dân sai quy định. Trong khi các phường khác cấp miễn phí, phường Tấn Tài thu 10.000 đồng của dân.
Việc ngay sau khi nhận được thông tin phường Tấn Tài thu phí trái quy định khi cấp giấy đi đường cho người dân, Chủ tịch UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm đã lập tức phản ứng nhanh bằng quyết định tạm đình chỉ công tác chủ tịch phường cho thấy thái độ quyết liệt, nghiêm minh, không dung dưỡng sai phạm của lãnh đạo địa phương này.
Hiện, đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường tại nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, khiến nhiều địa phương phải ban bố tình trạng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trong bối cảnh đó, người dân muốn ra đường đều phải có “giấy thông hành” để kiểm soát, đảm bảo phòng tránh dịch lây lan trên diện rộng.
Với không ít người, bị hạn chế ra ngoài không chỉ là sự bí bách mà còn khiến họ không thể làm việc kiếm sống. Do đó, một bộ phận nhân dân chưa chấp hành quy định của Chỉ thị 16, trong đó một số không nắm rõ quy định, phần khác là cố tình vi phạm. Song, chính quyền sở tại phải kiên nhẫn động viên, thuyết phục chứ không nên gây khó.
Đơn cử như ví dụ ở trên, lẽ ra chính quyền phường Tấn Tài phải chia sẻ khó khăn với người dân, tạo điều kiện giúp đỡ những người thực sự có việc cần thiết ra ngoài, chứ không phải là “tận dụng cơ hội” để kiếm tiền khi cấp “giấy thông hành”. Rất may là lãnh đạo TP Phan Rang - Tháp Chàm đã kịp thời “sửa sai” giúp cấp dưới, trấn an dư luận.
Hay như câu chuyện Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa (TP Nha Trang, Khánh Hòa) hạch sách người dân với lý do bánh mì không phải là thực phẩm râm ran dư luận xã hội mấy ngày qua. Ngay sau khi xảy ra sự việc, Chủ tịch UBND TP Nha Trang Nguyễn Sỹ Khánh đã phải gửi thư xin lỗi công dân liên quan và nhân dân trên địa bàn.
Nêu hai ví dụ trên để thấy, khi một cán bộ thực thi công vụ mà có thái độ hống hách, cửa quyền sẽ gây ra hiệu ứng xã hội không tốt đối với chính quyền địa phương. Trong khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành dữ dội ở nhiều địa phương, rất cần sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của nhân dân đối với chính quyền mới mong dập được dịch.
Đáng mừng là ngay sau khi xảy ra các sự việc đáng tiếc trên, cấp trên trực tiếp của các “quan phường” đã kịp thời vào cuộc xử lý khủng hoảng một cách khéo léo. Cách mà Chủ tịch UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm và Chủ tịch UBND TP Nhà Trang xử lý vấn đề đã khiến dư luận xã hội “tâm phục, khẩu phục”.
Thay vì “đăng đàn” lý giải này nọ để bênh vực, bao che cho cấp dưới, lãnh đạo các địa phương trên đã thẳng tay xử lý, đồng thời lên tiếng nhận trách nhiệm và xin lỗi nhân dân. Có ai nỡ nói đi nói lại, cằn nhằn mãi một người đã thực sự cầu thị, nhận lỗi? Chẳng phải người xưa có câu: Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại đó sao?
Cũng vì kịp thời xử lý ngay những cán bộ vi phạm, đồng thời công khai nhận trách nhiệm của lãnh đạo các thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và Nha Trang, cả hai vụ việc đã dần lắng xuống, dư luận không còn quá bức xúc, thậm chí thêm phần yêu mến thái độ cương quyết của lãnh đạo các địa phương nói trên.
Cách xử lý như vậy không chỉ khiến dư luận dịu đi, mà còn có thể răn đe, cảnh tỉnh những cán bộ khác nếu có ý định lộng quyền. Còn một tác dụng vô cùng quan trọng nữa, đó là củng cố niềm tin của nhân dân vào chính quyền các cấp, tạo sức mạnh chiến thắng dịch bệnh.