Tại Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết 42/2017/QH về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, ngày 28/8, Ngân hàng Nhà nước một lần nữa khẳng định quyết tâm xử lý nợ xấu.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị.
Đã xử lý hơn 138,28 nghìn tỷ đồng nợ xấu
Thời gian qua các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD). Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 đã tạo điều kiện quan trọng góp phần xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 6/2018 tỷ lệ nợ xấu so với tổng nợ là 2,09%, giảm 2,46% so với thời điểm 31/12/2016.
Ông Nguyễn Văn Du- Phó Chánh Thanh tra Ngân Hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: “Tính đến 30/6/2018, hệ thống TCTD đã xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm 61,04 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng)”.
Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70,23 nghìn tỷ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 21,59 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46,46 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,59%).
Theo ông Du, năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng nhanh dần qua các năm. Tính đến 30/6/2018, vốn điều lệ của toàn hệ thống ước đạt 519,01 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2017, tăng 6,3% so với cuối năm 2016. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống ước đạt 720,43 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2017, tăng 21,1% so với cuối năm 2016.
Đại diện NHNN cho biết, kết quả xử lý nợ xác định theo Nghị quyết 42 theo hình thức khách hàng trả nợ tăng mạnh, phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện khi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) có quyền thu giữ tài sản đảm bảo theo Nghị quyết 42.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh thừa nhận, vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi sự chung sức, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là sự hỗ trợ, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương như chưa có thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp khiến mua bán nợ xấu chưa sôi động, chưa có nhiều các thương vụ lớn.
Ngoài ra, nhiều bất cập cũng đã xuất hiện khi triển khai Nghị quyết 42 như việc thực hiện nội dung liên quan đến hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết 42; vấn đề liên quan đến thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm và nghĩa vụ nộp thuế có ảnh hưởng đến việc thực hiện thủ tục sang tên cho người mua; công tác giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự và hỗ trợ các TCTD trong việc thu giữ tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu; vấn đề xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản còn dở dang;…
Không để quá trình xử lý nợ xấu chậm lại
Tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị thời gian tới NHNN, các bộ, ngành, địa phương và hệ thống các TCTD xử lý và kiểm soát nợ xấu để đến năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%. Phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống TCTD về mức an toàn theo thông lệ quốc tế. Phấn đấu từ nay đến năm 2020, hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 42 và Quyết định số 1058; riêng năm 2018, phấn đấu hoàn thành 30% mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, phối hợp tích cực với các bộ, ngành, địa phương liên quan giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42 và Quyết định 1058; đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, kịp thời phát hiện và chủ động thực hiện những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, không để quá trình này chậm lại.
Tại Hội nghị, Chủ tịch VAMC Nguyễn Tiến Đông kiến nghị, vốn điều lệ hiện có của VAMC là 2.000 tỷ đồng, chưa đáp ứng được một phần nhu cầu bán nợ của các tổ chức tín dụng. Vì vậy, VAMC đề nghị Chính phủ, NHNN cấp bổ sung đủ vốn điều lệ cho VAMC đạt mức 5.000 tỷ đồng đến hết năm 2018 và mức 10.000 tỷ đồng đến hết năm 2020. Qua đó, đẩy nhanh công tác xử lý nợ xấu thực chất và hiệu quả hơn, góp phần thực hiện thành công Đề án Cơ cấu lại các hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1058.
Ông Nghiêm Xuân Thành- Chủ tịch HĐQT Vietcombank, kiến nghị Chính phủ và NHNN xem xét bổ sung vốn cho các NHNN hoặc xin giữ lại cổ tức và cho phép phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài sao cho vừa bảo toàn vốn nhà nước, vừa đảm bảo quyền lợi cho cổ đông. Theo ông Thành, việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn, khi mà quy định phải bán lô lớn và giá cũng không được thấp hơn thị trường, yêu cầu nắm giữ 1 năm không được giao dịch. Với quy định này là rất khó khăn khi mà giá cổ phiếu trên thị trường liên tục biến động.
NHNN cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ có văn bản gửi Tòa án nhân dân tối cao xem xét, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp (Tổng cục Thi hành án dân sự) sớm có văn bản chỉ đạo về việc hoàn trả các tài sản đảm bảo là vật chứng của vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết 42.