Với mục tiêu giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS, thời gian qua, các cấp, ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân.
Nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS của tỉnh giai đoạn 2021- 2025”. Để thực hiện Đề án này, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh đã triển khai mô hình điểm về phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các xã vùng DTTS và miền núi. Cán bộ tư pháp phối hợp với cán bộ dân số, cán bộ trạm y tế tư vấn, giới thiệu các nội dung về sức khỏe tiền hôn nhân. Nhờ vậy, tại các xã có đồng bào DTTS sinh sống không có tình trạng hôn nhân cận huyết. Tuy nhiên tình trạng tảo hôn và sinh con trước độ tuổi vẫn còn.
Còn tại huyện miền núi Ba Chẽ, qua thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021- 2025” đã cho thấy kết quả đáng phấn khởi.
Ông Đoàn Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Ba Chẽ cho biết, thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống năm 2023 và những tháng cuối năm 2023, Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ sẽ tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và các tài liệu có liên quan về hôn nhân, phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại cộng đồng thôn và trường học. Tăng cường truyền thông giáo dục giới tính, kỹ năng sống, Luật hôn nhân và Gia đình trong trường học vùng đồng bào DTTS; duy trì thực hiện các mô hình điểm và củng cố 8 Câu lạc bộ “Phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết” tại 8 xã, thị trấn của huyện.
Giống như huyện Ba Chẽ, huyện Bình Liêu cũng là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống. Hiện nay, toàn huyện có 7 xã, thị trấn thì cả 7 xã đều thuộc vùng DTTS. Thời gian qua, các phòng, ban của huyện và các xã, thị trấn trên địa bàn đều triển khai các giải pháp thực hiện đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. UBND các xã, thị trấn của huyện cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung đề án; củng cố đội ngũ tuyên truyền viên; phối hợp mở các lớp tập huấn, các hội nghị cung cấp thông tin về Luật Hôn nhân và gia đình, nguy cơ, hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho cán bộ dân số xã, cộng tác viên, người dân tại các thôn bản, khu phố. Nhờ đó, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện Bình Liêu không có trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Theo bà Ân Thị Thìn, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, khi thực hiện Đề án này, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền, vận động thực hiện giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống với sự tham gia của hàng trăm Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng các thôn, bản. Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh còn phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Bên cạnh đó, tổ chức các hội nghị trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS về hôn nhân gia đình trên địa bàn các xã Đồng Tâm, Đồng Văn (huyện Bình Liêu) và xã Đồn Đạc, Nam Sơn (huyện Ba Chẽ)... Cấp phát hàng nghìn cuốn sách, tài liệu, nhiều sổ tay và tờ gấp có nội dung liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và các quy định của pháp luật về Luật Hôn nhân và gia đình cho các địa phương. Ngoài ra, việc tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết còn được thực hiện trên hệ thống thông tin cơ sở, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương...
Cũng theo Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh, hiện nay Ban Dân tộc và các địa phương đã tích cực vận động, tuyên truyền nhằm ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bằng nhiều hình thức như: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, của thôn, bản; treo băng zôn khẩu hiệu tuyên truyền; cấp phát tờ rơi cho người dân; phổ biến thông tin liên quan trong các buổi giao ban với đội ngũ cộng tác viên, y tế thôn bản, sinh hoạt của các chi hội, đội nhóm, các Câu lạc bộ... Riêng Ban Dân tộc tỉnh từ đầu năm đến nay đã tổ chức 6 buổi tập huấn nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, viên chức các địa phương về phòng chống tảo hôn; tổ chức 6 buổi đến tận thôn, bản để tuyên truyền, vận động người dân về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…
“Cùng với đó, việc kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện đề án cũng được tỉnh và các địa phương đẩy mạnh. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh đã tiến hành khảo sát thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận thuyết thống tại: Bình Liêu, Móng Cái, Cẩm Phả, Ba Chẽ, Uông Bí, Đông Triều, Đầm Hà, Tiên Yên, Hạ Long, Vân Đồn, Hải Hà. Qua kiểm tra cho thấy, các địa phương, các phòng, ban, đơn vị, xã, phường, thị trấn ở phần lớn huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn đã có sự phối hợp tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân tham gia phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; đưa các quy định Luật Hôn nhân và gia đình, nội dung chăm sóc sức khoẻ sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em vào hương ước, quy ước của thôn, bản, tiêu chuẩn gia đình văn hóa...”, bà Thìn chia sẻ
Nhờ những giải pháp nói trên, tại các khu vực đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã không có tình trạng hôn nhân cận huyết. Tình trạng tảo hôn và sinh con trước độ tuổi 18 đến nay đã giảm đáng kể.