Cùng với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, công tác cai nghiện và quản lý sau cai thời gian qua tiếp tục được các cơ quan chức năng quan tâm, chỉ đạo sát sao. Tuy nhiên, tình hình nghiện ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ ngày càng tinh vi và khó kiểm soát hơn…
Cai nghiện ma túy bằng methadone.
Ma túy và hệ lụy
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, các ngành, các cấp triển khai nhiều giải pháp phòng, chống, kiểm soát ma túy và đã mang lại kết quả nhất định, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, tình hình nghiện ma túy vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ ngày càng tinh vi và khó kiểm soát hơn.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, đến cuối năm 2017, cả nước có 222.582 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó có trên 67,5% người đang sinh sống ngoài xã hội, 13,5% người trong cơ sở cai nghiện bắt buộc, 19% người đang trong trại tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.
Tình hình sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) tiếp tục gia tăng ở các địa phương, ước tính tỷ lệ sử dụng ATS chiếm khoảng 60 - 70% trong số người nghiện. Riêng ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, tỷ lệ này lên đến 70 – 85% trong số người nghiện. Còn tại Hà Nội, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh, 40% người nghiện có sử dụng ATS và số này có tỷ lệ loạn thần cao gấp 9,7 lần số không sử dụng ATS.
Theo Viện Nghiên cứu sức khỏe tâm thần, loạn thần ở người sử dụng ATS chủ yếu là hoang tưởng, ảo giác và trầm cảm. Những người trầm cảm thường có hành vi tự sát gây rất nhiều khó khăn cho cơ sở cai nghiện. Nếu như các loại ma túy truyền thống như hêrôin, thuốc phiện gây hưng phấn trong vài giờ thì ma túy tổng hợp tạo hưng cảm tới 3 - 4 ngày.
Trong thời gian này, người sử dụng sống trong thế giới hoang tưởng nên thường làm những hành động gây nguy hiểm cho bản thân.
Đáng lo ngại hơn, những năm gần đây, việc sử dụng ma túy đá có hai xu hướng, một là trẻ hóa hơn, hai là số lượng bệnh nhân vào điều trị nội trú tăng dần lên. Theo các bác sĩ, ma túy đá gây tác hại đối với toàn bộ cơ thể như hệ hô hấp, hệ tim mạch, hệ thần kinh, hệ sinh dục… trong đó, bộ não là nơi bị tổn thương rõ nhất. Các chất này phá hủy hệ thống thần kinh trung ương, gây ảo giác giết người hay phạm tội trong lúc không điều khiển được hành vi của mình.
Mặc dù đã được cảnh báo rất nhiều về tác hại của các loại ma túy nhưng tỷ lệ người sử dụng vẫn đang gia tăng. Tình hình ngày càng phức tạp, khiến cho công tác điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Đáng lo ngại là giới trẻ hiện nay vẫn còn khá mơ hồ về tác hại của ma túy đá. Phần lớn bệnh nhân trẻ đang điều trị tại bệnh viện cho rằng ma túy đá không gây nghiện, nên có thể dùng bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, trên thực tế, não bộ của người sử dụng ma túy đá sẽ dần bị phá hủy, nguy cơ cao trở thành bệnh nhân tâm thần.
Yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải đổi mới toàn diện công tác cai nghiện theo hướng thân thiện, tích cực với người nghiện ma túy. Xây dựng các mô hình mới trong công tác cai nghiện ma túy, giảm số điều trị tại các cơ sở cai nghiện, tăng số người được điều trị dựa vào cộng đồng để từng bước giảm tỷ lệ tái sử dụng ma túy, ngăn ngừa có hiệu quả số người nghiện mới.
Bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy
Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2018, UBND các tỉnh, thành phố đã tập trung chỉ đạo triển khai công tác cai nghiện theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện. Thực hiện chuyển đổi các cơ sở cai nghiện bắt buộc, các địa phương đã sắp xếp, quy hoạch, chuyển đổi cơ sở cai nghiện bắt buộc thành cơ sở điều trị tự nguyện, cơ sở đa chức năng.
Đến tháng 6/2018, cả nước còn 120 cơ sở cai nghiện ma túy, giảm 25 cơ sở. Tại các cơ sở cai nghiện, hiện có 34.620 học viên đang thực hiện điều trị cai nghiện. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng số người được tiếp nhận, tư vấn, điều trị, cai nghiện tại các cơ sở là 6.438 học viên. Bên cạnh đó, hiện cũng có 28 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện. Tuy nhiên, mới chỉ có 6 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng với số người được cai nghiện là 1.834 người.
Còn theo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), hiện nay toàn quốc có khoảng 52.000 người nghiện được điều trị bằng thuốc Methadone, chiếm khoảng 33% số người nghiện chất dạng thuốc phiện. Trong năm 2017, Bộ Y tế đã triển khai điều trị Buprenorphine – loại thuốc thay thế Methadone cho khoảng 500 bệnh nhân tại một số tỉnh miền núi (Điện Biên, Nghệ An, Sơn La). Tuy nhiên, việc tiếp cận điều trị vẫn rất khó khăn. Các cơ sở điều trị chủ yếu nằm ở tuyến quận, huyện, trong khi nhiều địa phương miền núi khoảng cách từ nhà đến huyện quá xa, rất khó tiếp cận với dịch vụ điều trị bằng thuốc thay thế Methadone cũng như các dịch vụ y tế khác.
“Hiện nay công tác điều trị, cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy là một công việc khó khăn và phức tạp, lâu dài. Hiện các cơ sở cai nghiện bắt buộc được xây dựng đã nhiều năm nhưng chưa được nâng cấp, sửa chữa, cải tạo để phù hợp với yêu cầu chuyển đổi; số người cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng giảm dần... Bên cạnh đó, công tác quản lý sau cai theo Luật Phòng, chóng ma túy tại cơ sở quản lý sau cai nghiện chủ yếu là quản lý hành chính, chưa có các biện pháp hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho người nghiện trước khi về cộng đồng” – ông Nguyễn Xuân Lập nhấn mạnh.
Tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, năm 2017 đã điều trị cho gần hơn 600 người sử dụng ma túy. Từ đầu năm đến nay có gần 200 bệnh nhân được gia đình đưa đến điều trị. Đa số người bệnh vào viện trong tình trạng bị hoang tưởng, rối loạn tâm thần nặng. Đáng lo ngại là giới trẻ hiện nay vẫn còn khá mơ hồ về tác hại của ma túy đá. Phần lớn bệnh nhân trẻ đang điều trị tại bệnh viện cho rằng ma túy đá không gây nghiện, nên có thể dùng bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, trên thực tế, não bộ của người sử dụng ma túy đá sẽ dần bị phá hủy, nguy cơ cao trở thành bệnh nhân tâm thần. |
“Hãy bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy” chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống ma túy 26/6 năm nay một lần nữa khẳng định mạnh mẽ sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đến thế hệ trẻ của đất nước trong chiến lược phát triển con người Việt Nam. |