Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm chia sẻ tại Hội nghị kiểm điểm thực hiện Quy chế phối hợp năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 giữa Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và Chính phủ, là vấn đề giám sát an toàn thực phẩm- Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016- 2020 vừa được Mặt trận và Chính phủ ký kết ngày 30/3. Đại Đoàn Kết xin giới thiệu một số ý kiến.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không làm hết trách nhiệm sẽ bị xử lý nghiêm
Tôi có một lòng tin rằng việc giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm chắc chắn chúng ta sẽ làm tốt. Cho nên trong cuộc phối hợp giám sát này, chúng ta xác định chỉ rõ trách nhiệm của bộ máy chính quyền, ai không làm hết trách nhiệm phải xử lý nghiêm và ngay.
Chúng ta từng nói an toàn thực phẩm liên quan đến pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi cho nên nó liên quan đến cả vấn đề đạo đức. Tuy nhiên, đích thân tôi và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã từng kiểm tra nhiều nơi, phát hiện ra một điều rằng, vi phạm an toàn thực phẩm rốt cuộc là ở khâu tổ chức thực hiện.
Có những việc không cần tuyên truyền ai cũng biết, ngay cả đô thị lớn nói mãi mà vẫn không làm được là cái thớt gỗ mà các gia đình thường dùng chính là thủ phạm dẫn đến mất vệ sinh an toàn thực phẩm nhất.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyến Thị Kim Tiến.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Chỉ có người dân mới có thể phát hiện nhanh nhất những sai phạm tại khu dân cư
Chúng ta đều biết, vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay rất bức bách cho nên việc giám sát an toàn thực phẩm là việc cần thiết, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với VTV, Bộ Công an, Bộ Thông tin truyền thông nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền vấn đề này.
Tuy nhiên, trong giám sát an toàn thực phẩm, chỉ có người dân mới có thể phát hiện nhanh nhất, chính xác nhất những sai phạm trong sản xuất thực phẩm tại địa bàn mình.
Chọn giám sát an toàn thực phẩm là đúng và trúng vì Mặt trận có một hệ thống chân rết ở hơn 100 ngàn khu dân cư trên cả nước.
Ông Nguyễn Đắc Vinh phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn: Cần có một chương trình đồng bộ
Hiện nay, nhân dân rất quân tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, qua quá trình khảo sát tại một số địa phương như Nghệ An chúng tôi thấy có một vấn đề, ngay cả đất để trồng rau sạch cũng bị ô nhiễm thì trồng kiểu gì vì đây là những mảnh đất lâu năm, ngấm thuốc sâu, nếu muốn trồng tiếp rau sạch thì phải mất 3 năm nữa mới có thể cải tạo lại mảnh đất đó.
Cho nên, để làm được việc này, chúng ta cần thiết kế một chương trình đồng bộ, phải làm có trọng tâm, trọng điểm, phân rõ vai trò của Bộ Y tế, Mặt trận như thế noà? Trong Mặt trận thì Đoàn thanh niên làm gì, các tổ chức đoàn thể khác làm gì để có ý thức chịu trách nhiệm về phần việc của mình.
GS Phạm Thị Trân Châu.
Giáo sư Phạm Thị Trân Châu, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn khoa học- giáo dục và môi trường: Phải có cách để thu hút người dân tham gia
Giá trị của thực phẩm sạch không thể hơn nhau 15 ngàn đồng mà ít nhất để có một quy trình làm ra thực phẩm sạch phải gấp ba lần như thế. Chúng ta kêu khó khi đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng có những việc khó nếu biết cách thì lại rất đơn giản.
Trong vấn đề kiểm soát để giúp dân biết được đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm sạch, nên chăng nhà nước cần đầu tư Viện khoa học công nghệ thiết kế máy đo, đặt tại các trạm kiểm sát ở chợ, siêu thị để khuyến khích người dân thử thực phẩm, ai muốn kiểm tra thì phải trả tiền.
Khi phát hiện ra sai phạm, người dân khu vực đó sẽ gọi tới một đường dây nóng để phản ánh tình hình. Phải thu hút người dân tham gia vào bằng cách đó.