Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII là tiến hành kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021 gắn với thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đã trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này.
PV:Trước Hội nghị lần này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã dành 3 ngày để kiểm điểm, tự phê bình và phê bình về sự lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể và cá nhân từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021. Và tại hội nghị, Trung ương cho ý kiến về kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư gắn với thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII. Điều đó nói lên điều gì, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Nhất là quán triệt hơn nữa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII. Trong đó nhấn mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng 4 vấn đề. Thứ nhất là xây dựng Đảng về chính trị. Thứ hai là xây dựng Đảng về tư tưởng, trong đó có việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thứ ba xây dựng Đảng về đạo đức. Thứ tư là công tác tổ chức cán bộ.
Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã có kết luận, và phải nhấn mạnh thêm mối quan hệ giữa xây dựng chỉnh đốn Đảng với hoàn thiện hệ thống chính trị. Đó là vấn đề rất cơ bản. Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh đến vấn đề này. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng bao giờ cũng phải gắn với xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị. Đảng ta là Đảng cầm quyền, mối quan hệ Đảng với Nhà nước, MTTQ Việt Nam, và các đoàn thể trong hệ thống chính trị rất khăng khít. Nếu Nhà nước không mạnh, Đảng cũng không mạnh. Hay các tổ chức trong hệ thống chính trị không mạnh, trì trệ, tiêu cực cũng ảnh hưởng đến xây dựng Đảng.
Việc đưa ra Trung ương bàn là để thống nhất trong toàn bộ trong Ban chấp hành Trung ương chứ không chỉ là việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Qua đó, đồng bộ thể hiện sự thống nhất từ trên xuống dưới, nên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Trên dưới đồng lòng. Dọc ngang thông suốt”. Như thế mới chuyển biến, và điều đó thể hiện bản lĩnh, quyết tâm chính trị rất cao của Đảng.
Việc Trung ương cho ý kiến về kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo việc thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, một lần nữa cho thấy gắn xây với chống, thưa ông?
- Xây dựng Đảng phải gắn với chỉnh đốn Đảng. Bởi xây dựng và chỉnh đốn Đảng có mối quan hệ khăng khít với nhau. Đặc biệt, chỉnh đốn Đảng là vấn đề đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” năm 1947.
Khi đó Bác Hồ đã đề cập đến những vấn đề suy yếu, thiếu kỷ luật, thiếu trách nhiệm từ đảng viên cho đến tổ chức Đảng. Yếu kém thì phải chỉnh đốn lại cả về tư tưởng, về quan điểm chính trị, về tổ chức kỷ luật. Trong Đảng có biểu hiện suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, thậm chí tổ chức đảng tại một số nơi mất sức chiến đấu thì cần chỉnh đốn, sửa chữa, trong đó có vấn đề tham nhũng.
Đặc biệt, chúng ta phải chú ý đến mối quan hệ giữa xây dựng Đảng và bảo vệ Đảng. Muốn bảo vệ Đảng, trước tiên chúng ta phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; bảo vệ Cương lĩnh đường lối của Đảng; bảo vệ nguyên tắc của Đảng trong đó có nguyên tắc tập trung dân chủ; bảo vệ nội bộ Đảng trong đó có bảo vệ cán bộ.
Vừa rồi chúng ta đã có Kết luận 14 của Bộ Chính trị về “chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn thách thức, đổi mới sáng tạo. Những cán bộ đó phải được bảo vệ. Đã có cán bộ tốt bị các phần tử xấu cố tình bôi nhọ, hạ thấp uy tín. Cho nên mới có việc cán bộ không dám làm, làm sợ sai, sợ bị “thế nọ thế kia”. Vì vậy phải có cách để bảo vệ cán bộ thật tốt.
Thưa ông, trong 6 nội dung thì có đến 3 vấn đề liên quan đến xây dựng Đảng được Trung ương 5 cho ý kiến lần này như: Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; và kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư gắn với thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII. Đó là một sự liên tục và hỗ trợ cho nhau?
- Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được Trung ương cho ý kiến lần này tiếp tục nhấn mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII đã nhấn mạnh, nhất là đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, vô tổ chức, vô kỷ luật, nói mà không làm, quan liêu, xa dân, lợi ích nhóm...
Cho nên, lần này Trung ương cũng cho ý kiến về Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là vấn đề rất cần thiết, và cần thành lập sớm, đề cao trách nhiệm của cấp ủy địa phương trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Việc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng là một phần của chỉnh đốn Đảng, thưa ông?
- Chống tham nhũng, tiêu cực vừa là xây dựng, cũng vừa là chỉnh đốn những yếu kém, “khuyết tật” trong Đảng. Bên cạnh tham nhũng và tệ quan liêu lãng phí thì suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên là nguy cơ rất lớn. Như Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Trung ương 4 khóa XII đã nêu rõ “tham nhũng đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ”. Vì vậy Trung ương lần này đã nhấn mạnh đến việc “chống tham nhũng, tiêu cực” chính là vừa xây dựng, vừa chỉnh đốn Đảng.
Nếu chỉ lo xây dựng mà không lưu ý đến chỉnh đốn, ngăn chặn và đầy lùi tiêu cực thì chúng ta cố gắng xây dựng đến mấy cũng bị hạn chế hiệu quả. Cho nên “chống” là nhiệm vụ bức thiết, thường xuyên để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực. Còn “xây” là cơ bản, là chiến lược lâu dài.
Trân trọng cảm ơn ông!