Trước thông tin, Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc đơn phương thông báo ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông từ 12h ngày 1/5 đến 12h ngày 16/8, ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi đã lên tiếng phản đối và tiếp tục vươn khơi bám biển.
Các nhân công đang bốc cá vào khay nhựa ở cảng Kỳ Hà.
Sáng 5/5, chúng tôi có mặt tại cảng cá Kỳ Hà, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, ghi nhận có rất nhiều tàu cá ngư dân trong tỉnh Quảng Nam ra vào cập cảng cá tấp nập.
Trong số tàu cá nói trên, có nhiều tàu cá đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam mang về đầy khoang cá ngừ. Còn dưới cảng cá có nhiều nhân công đang chăm chỉ phân loại cá cho vào khay nhựa để vận chuyển cá lên xe thùng đã tạo một bầu không khí nhộn nhịp, sôi động.
Ngư dân Trần Văn Tỉnh đang kiểm tra dây thừng chuẩn bị vươn khơi.
Ngư dân Trần Văn Tỉnh (48 tuổi), chủ tàu cá QNa 91027 TS, công suất 420CV, ở thôn 2, xã Tam Hải, huyện Núi Thành cho biết, việc Trung Quốc ban hành lệnh cấp đánh bắt cá trên biển Đông đã diễn ra nhiều lần rồi, anh và các ngư dân địa phương rất quen nên “không có gì phải lo sợ hết”. Theo anh Tỉnh, “việc cấm đánh bắt cá trên biển Đông của Trung Quốc là quá vô lý, tôi và các ngư dân khác vẫn quyết tâm vươn khơi đánh bắt hải sản ở ngư trường truyền thống của dân tộc”.
Anh Tỉnh cho biết đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm và kiểm tra các ngư lưới cụ để cùng với 13 thuyền viên vươn khơi đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam. “Tôi và mỗi ngư dân trên tàu cá là những cột mốc sống trên biển và khẳng định chủ quyền biển đảo của dân tộc” - Ngư dân Tỉnh nói.
Ngư dân Thích khẳng định: Chúng tôi vẫn kiên cường bám biển.
Ngư dân Bùi Thích (47 tuổi), Chủ tàu cá QNa 90359 TS, trú thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang vừa cập cảng cá cho hay: “Cho dù gặp khó khăn trong việc đánh bắt hải sản trên biển Đông, nhưng tôi và các tàu thuyền viên khác nhất quyết vươn khơi, bám biển. Vì đây, là vùng biển bao nhiều đời của cha ông đã để lại. Trong chuyến biển này, tàu cá tôi đánh bắt được 10 tấn cá ngư sọc dừa, giá bán 20 nghìn đồng/1kg cá, thu về được 120 triệu đồng”. Ngư dân Thích cũng cho biết, sau khi nghỉ ngơi vài ngày tàu của anh sẽ nhập nhiên liệu và thực phẩm tiếp tục vươn khơi đánh bắt hải sản trở lại.
Để an toàn cho các tàu cá ra khơi, ông và các ngư dân mong muốn các cơ quan chức năng có biện pháp tăng cường lực lượng bảo vệ trên biển để giúp cho ngư dân chúng yên tâm vươn khơi bám biển trong lúc Trung Quốc ban hành lệnh cấm này.
Không chỉ ở Quảng Nam mà ở các cảng cá tại Quảng Ngãi những ngày này cũng rất sôi động. Có mặt tại cảng cá Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn hay ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, chúng tôi đã chứng kiến hàng trăm tàu cá của ngư dân địa phương ngoài tỉnh vào cập bến để bán cá cho thương lái. Không khí diễn ra nhộn nhịp, sôi nổi. Cùng với đó các tàu cá khác đang vận chuyển nhiên liệu, như yếu phẩm, ngư lưới cụ lên tàu để chuẩn bị ra khơi. Không khí tại các cảng cá này vô cùng sôi động.
Hiện, Quảng Ngãi đang có trên 1.000 tàu thuyền hoạt động đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Trong đó, tại Hoàng Sa có hơn 600 tàu với gần 1.000 lao động, Trường Sa 425 tàu với trên 700 lao động.
Các nhân công đang bốc cá vào khay nhựa ở cảng Kỳ Hà.
Còn tại tỉnh Quảng Nam có khoảng 4.000 tàu cá tham gia đánh bắt hải sản, trong đó có gần 500 tàu đánh bắt xa bờ ở 2 quần đảo nói trên. Chỉ tính riêng huyện Núi Thành đã có 2.445 phương tiện hoạt động khai thác thủy hải sản với tổng công suất 52.250 CV, thu hút 9.400 lao động địa phương. Trong số đó, có hơn 2.000 lao động đặc thù đánh bắt xa bờ.
TP Đà Nẵng, Bính Định, Khánh Hòa cũng có hàng nghìn tàu thuyền và ngư dân liên tục bám biển…
Ông Nguyễn Hữu Định, Phó ban nông nghiệp xã Tam Quang cho biết: “Hiện toàn xã có 142 tàu cá có công suất trên 90CV và khoảng 1.500 lao động đang hành nghề đánh bắt hải sản ở hai ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Năm 2017 xã Tam Quang sẽ đề ra mục tiêu đánh bắt được 18.000 tấn hải sản”.
Còn ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, để bảo vệ ngư dân và vùng biển của chúng ta, phía tỉnh Quảng Nam lâu nay đã triển khai rồi chứ không phải đến lúc Trung Quốc ban hành lệnh cấm thì mình mới triển khai.
Tỉnh đã nhiều lần làm việc với Biên phòng, Hội nghề cá tỉnh, Cảnh sát biển và đã nhắc rất kỹ nội dung chú ý tuyên truyền cho ngư dân: Đánh bắt thủy hải sản đúng quy định của pháp luật cả trên vùng biển Việt Nam và cả trên vùng biển quốc tế; khẩn trương thúc đẩy thành lập Tổ đội trên biển, Nghiệp đoàn nghề cá các xã giúp nhau trên biển, khi có thiên tai, địch họa.
Đặc biệt, cuối năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành bổ sung điều lệ Qũy hỗ trợ ngư dân, trong đó thêm nội dung hỗ trợ cho ngư dân về an sinh xã hội, rủi ro, sự cố trên biển. Hiện nay số dư của Quỹ hỗ trợ ngư dân đã lên đến 30 tỷ đồng (từ nguồn huy động tổ chức, cá ngân) để chi hỗ trợ thêm ngư dân khi có sự cố.
Bất chấp lệnh cấm của Trung Quốc ngư dân vẫn vươn khơi bám biển.
Các cơ quan chức năng đã khuyến cáo ngư dân cần lập đội tàu tự quản, không nên đánh bắt thủy sản riêng lẻ, trang bị kỹ càng cho người dân về kiến thức chủ quyền cũng như cách hành xử bình tĩnh, linh hoạt khi hoạt động trên biển, đặc biệt ngư trường Hoàng Sa, có vấn đề gì phải cấp báo ngay. Các trạm kiểm soát biên phòng khu vực ven biển đang theo dõi tình hình trên biển 24/24 giờ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản.