Vay vốn ODA là cần thiết, nhưng bên cạnh lợi thế cũng có mặt trái. Do đó phải làm rõ được trách nhiệm trong huy động, quản lý, sử dụng nguồn vốn là vấn đề đang được đặt ra. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã đề nghị Chính phủ cần rà soát lại hiệu quả, đánh giá tác động của 1.155 dự án sử dụng vốn ODA trong giai đoạn vừa qua theo quy định tại Luật Đầu tư công.
Nguồn vốn ODA là nguồn vốn tốt cho bất kỳ quốc gia nào bởi được vay ưu đãi với lãi suất thấp trong thời gian dài. Thời gian qua, việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA đã góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội nước ta phát triển. Tuy nhiên, một thực tế diễn ra nhiều năm lại đây là dòng vốn ODA và những dòng vốn từ nước ngoài tài trợ cho những dự án được giải ngân rất chậm. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, số vốn ODA và vốn vay ưu đãi còn lại chưa giải ngân khoảng 21,167 tỷ USD. Số vốn này sẽ giải ngân theo tiến độ hiệp định từ nay đến hết năm 2026. Tuy nhiên, sẽ tập trung khối lượng lớn vào giai đoạn 2017-2020 là 17,485 tỷ USD. Để bảo đảm giải ngân số vốn còn lại đã ký kết, trong giai đoạn này trung bình mỗi năm cần giải ngân được 4,37 tỷ USD.
Chính vì vậy, Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết số 70 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Qua đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án. Bên cạnh việc giải ngân, thì cần sử dụng nguồn vốn ODA cho hiệu quả.
Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giải ngân các dự án bằng nguồn vốn ODA không dễ dàng, trong đó phải có vốn đối ứng và tiến độ thực hiện dự án. Do đó bất cứ chương trình vốn ODA hay vốn vay ưu đãi nào cũng cần thu xếp vốn đối ứng cũng như tiến độ công trình. Nếu thực hiện dự án không theo phương án, tiến độ thì cũng sẽ không giải ngân được.
Theo ông Hiếu, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, lãi suất vay ODA không thuận lợi như trước mà nay đã cao hơn. Dòng vốn này cũng dần dần khép lại chứ không như trước đây là dành cho nhóm các nước thu nhập dưới trung bình. Vay ODA phải tạo ra được sản phẩm sinh ra phúc lợi, tạo ra công ăn việc làm từ đó nền kinh tế có tiền để trả nợ. Còn dùng vốn ODA mà không sinh ra các sản phẩm cho xã hội, không đưa ra tiện ích cho xã hội thì không có nguồn để trả nợ. Cho nên cần rà soát lại tất cả các dự án để xem những dự án nào gây lãng phí, không hiệu quả thì rút lại và cần tiếp tục rà soát sao cho sử dụng có hiệu quả. Phải có sự thẩm định chặt chẽ từ đó sàng lọc ra những dự án chưa sử dụng, hoặc sử dụng không đúng mục đích, hoặc chưa hiệu quả, đưa nó sang một bên và phải đưa ra được phương án xử lý.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, về cơ bản việc vay vốn ODA là có kết quả và đạt được những hiệu quả nhất định giúp cho xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh tế cũng như nâng cao trình độ quản lý thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại yếu kém cần được xem xét như chưa thật sự đổi mới, chưa thật sự quyết liệt để khắc phục những tồn tại hạn chế từ những năm trước đây trong quản lý, phân bổ và sử dụng vốn ODA. Từ đó ông Hiển cho rằng, cần rà soát lại hiệu quả đánh giá tác động của các dự án sử dụng vốn ODA trong giai đoạn vừa qua. Cần phải cương quyết xử lý các sai phạm tồn tại một cách triệt để và đổi mới quản lý đầu tư công, quản lý nợ công nói chung và vốn ODA nói riêng, không chạy theo mục tiêu giải ngân; thực hiện đúng theo Luật Quản lý nợ công mới.
Cũng theo ông Hiển, trước hết Chính phủ cần rà soát lại hiệu quả, đánh giá tác động của 1.155 dự án sử dụng vốn ODA trong giai đoạn vừa qua theo quy định tại Luật Đầu tư công. Đặc biệt xem xét sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch tài chính và kế hoạch đầu tư công trung hạn, chỉ ra những điểm tích cực để phát huy cũng như những hạn chế để có giải pháp khắc phục.