Rà soát ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún đất

B.Phúc (tổng hợp) 06/08/2023 11:16

Các tỉnh miền núi phía Bắc kiểm tra, rà soát khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ đêm 5/8 đến đêm 7/8, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Lượng mưa phổ biến 60-120 mm, có nơi trên 180 mm. Khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ 10-30 mm/24h, có nơi trên 50 mm/24h.

Từ đêm 7-8/8, ở khu vực vùng núi, trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20-50 mm, có nơi trên 100 mm. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá: cấp 1. Dự báo tác động của mưa lớn, khu vực vùng núi đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Khu vực trũng, thấp đề phòng ngập úng. Khu đô thị, mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng.

Tập trung ứng phó mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất, bảo đảm an toàn hồ đập

Theo Hanoimoi, trước diễn biến thiên tai còn phức tạp, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất, bảo đảm an toàn hồ đập tại các tỉnh Tây Nguyên.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng và một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, trong những ngày qua tại khu vực Tây Nguyên tiếp tục xảy ra mưa lớn kéo dài, nhiều khu vực tiếp tục xảy ra sụt lún, sạt trượt đất, ảnh hưởng đến các khu dân cư, công trình giao thông, đặc biệt là tình trạng sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực thi công hồ chứa nước Đông Thanh (xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) và hồ chứa nước Đắk N’Ting (huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông) có nguy cơ gây mất an toàn hồ đập.

Để tiếp tục tập trung ứng phó với mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất, bảo đảm an toàn hồ đập, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Nông và các địa phương khác ở khu vực Tây Nguyên tập trung chỉ đạo, triển khai lực lượng rà soát ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún đất, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn dân cư, an toàn hồ đập trên địa bàn. Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu thiếu trách nhiệm để xảy ra sự cố mất an toàn hồ đập gây thiệt hại tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai) phân công 1 đồng chí Thứ trưởng chủ trì, phối hợp với các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng khẩn trương kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng ngừa, khắc phục thiên tai tại khu vực Tây Nguyên, nhất là công tác bảo đảm an toàn dân cư, an toàn hồ đập, sạt lở, sụt lún đất ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông; cử chuyên gia có kinh nghiệm hỗ trợ các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Nông nghiên cứu, đánh giá về mức độ an toàn của 2 hồ Đông Thanh (tỉnh Lâm Đồng), Đắk N’Ting (tỉnh Đắk Nông) để có biện pháp xử lý phù hợp, bảo đảm an toàn công trình và an toàn dân cư…

Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm trưởng đoàn để kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ, sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng. Ảnh VGP/ Hải Minh.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, những ngày vừa qua, thiên tai xảy ra tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Điện Biên, Cao Bằng, Yên Bái, Bắc Cạn, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Nội, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Nai, Cà Mau, Trà Vinh đã làm 1 người chết (ở tỉnh Đắc Nông, bị nước cuốn trôi khi lội qua suối, đã tìm thấy thi thể), 1 người mất tích (ở tỉnh Đắk Nông, bị trượt chân xuống suối trên đường đi làm về). Bên cạnh đó, thiên tai còn làm 99 ngôi nhà bị hư hỏng, 288 ngôi nhà bị ngập, 8.876,34ha lúa, hoa màu bị ngập úng, thiệt hại, 173,72ha ao hồ nuôi trồng thủy sản bị tràn, vỡ bờ; sạt lở 8.382m3 đất, đá đường giao thông nông thôn; 2 công trình kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 1 cầu dân sinh bị cuốn trôi; 2 cống thoát nước bị hư hỏng, cuốn trôi…

Chủ động ứng phó với diễn biến mưa lớn

Theo TTXVN tại các địa phương, tại xóm Ban Tiện, thôn Phù Ninh, xã Minh Phú (Sóc Sơn, Hà Nội) đã xảy ra tình trạng xói, lở đất làm nhiều phương tiện giao thông bị mắc kẹt, gây khó khăn trong đi lại, ảnh hưởng đến tâm lý người dân. Để ngăn chặn vụ việc tương tự xảy ra trên địa bàn, huyện Sóc Sơn đã triển khai ngay các biện pháp nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản, công trình của người dân.

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Lai Châu xảy ra mưa lớn kéo dài trên diện rộng gây sạt lở nhiều tuyến đường giao thông với khối lượng hàng nghìn mét khối đất, đá. Ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu và Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã có mặt tại hiện trường để khảo sát thực trạng, tìm phương án khắc phục, đảm bảo giao thông nhanh nhất.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn đang tiếp tục có mưa, do vị trí sạt lở nằm ở phía taluy âm, điểm sạt sâu làm mất toàn bộ chân đường, nên phương án khắc phục triệt để sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trục đường chính kết nối giữa huyện Sìn Hồ với các địa phương trong tỉnh Lai Châu bị sạt lở. (Ảnh: TTXVN phát).

Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở, sụt lún nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Tại km 3+600 Quốc lộ 4H (đoạn thuộc huyện Mường Chà), lượng lớn đất đá từ taluy dương sạt xuống mặt đường khiến xe ôtô không thể lưu thông. Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an huyện Mường Chà đang phối hợp với Công ty Đường bộ 2 khắc phục sự cố.

Trên Quốc lộ 6, vào khoảng 8 giờ ngày 5/8, tại km 421 (địa phận bản Co Ngựu, xã Mương Mùn, huyện Tuần Giáo), sạt lở đất đá làm hai vách taluy dương đổ xuống mặt đường khiến giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, tuyến đường tạm thời cơ bản thông xe sau nỗ lực khắc phục của cơ quan chức năng. Tại km 180 Quốc lộ 12 (đoạn thuộc huyện Điện Biên) cũng xuất hiện tình trạng sạt lở taluy âm nguy hiểm. Lực lượng chức năng đã tiến hành rào chắn và gắn biển cảnh báo kịp thời để đảm bảo an toàn cho người đi đường.

Ngoài ra, tại các tuyến đường như Quốc lộ 279, tỉnh lộ 150, các tuyến đường giao thông liên xã, bản ở huyện Mường Chà, Điện Biên Đông, Điện Biên và Mường Nhé cũng xuất hiện nhiều điểm sạt lở gây cản trở giao thông. Cơ quan chức năng đang khắc phục sự cố trên các tuyến đường này.

Tạm thời thông xe tại điểm sạt lở taluy dương Km421 Quốc lộ 6, tỉnh Điện Biên. (Ảnh: TTXVN phát).
Tối 2/8/2023, trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) xảy ra mưa lớn kéo dài gây ngập úng cục bộ trên nhiều tuyến phố và khu dân cư. Nước ngập sâu khiến cho các phương tiện giao thông đi lại khó khăn cũng như ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN).
Các phương tiện di chuyển khó khăn trên đoạn đường ngập sâu ở thành phố Điện Biên Phủ. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN).
Nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ ngập sâu trong nước. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN).

Công điện ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất

Theo TTXVN, để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, ngày 5/8, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống Thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó Sự cố Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn đã ban hành Công điện số 08/CĐ-QG.

Công điện nêu rõ các bộ, ngành, địa phương huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại nhà ở, sản xuất nông nghiệp; khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Các tỉnh miền núi phía Bắc kiểm tra, rà soát khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất. Lực lượng chức năng tổ chức kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Các địa phương vùng núi phía Bắc chỉ đạo kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.

Các tỉnh vùng núi phía Bắc chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường đưa tin về tình hình mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rà soát ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún đất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO