Chạy theo xu hướng, tạo “trend”, thông tin giật gân xuất phát từ sự vô tình hay thậm chí là cố ý của một thiểu số người dùng mạng xã hội khi lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng lên các nền tảng công nghệ số đã khiến “rác mạng” lan truyền với “vận tốc ánh sáng”.
“Rác mạng” tràn lan mọi nhà
Ngày nay, mạng xã hội là một thực tế không thể chối bỏ trong xã hội hiện đại. Bởi đây là công cụ giúp các cá nhân bộc lộ cảm xúc, kết nối, chia sẻ, thậm chí là hòa nhập cộng đồng thông qua những ứng dụng của internet.
Bên cạnh những tiện ích, mạng xã hội đang dần bộc lộ những hệ lụy khôn lượng khi “rác mạng” xuất hiện ở tất cả mọi nơi, len lỏi vào đời sống của mỗi người. Không gian mạng trở nên hỗn loạn khi tổng hòa các nguồn tin không có sự kiểm soát, những “lệch chuẩn” nhờ thế mà được dịp phát tán trên các nền tảng số nhan nhản tới mức khó kiểm soát.
Với nhiều bạn trẻ, việc lên mạng xã hội đã trở thành một hoạt động mang tính phản xạ, tất yếu. Hễ cứ rảnh lúc nào là các em lại lấy điện thoại ra lướt mạng.
Các em vui vẻ, háo hức khi đọc các bình luận khen ngợi những bức ảnh mà họ đã “up” lên mạng. Rồi cũng mang tâm trạng bất an bởi những bình luận trái chiều.
Ở khía cạnh khác, vì mục đích câu view, kiếm tiền bằng mọi giá, bất chấp những giá trị nhân văn, nhân ái tốt đẹp, giới thanh thiếu niên cũng trở thành con mồi béo bở cho các kênh kiếm tiền bẩn.
Những người làm công việc sáng tạo nội dung từ việc “đua” theo xu hướng, tạo “trend”, cùng cách giật thông tin nóng… khởi nguồn từ sự vô tình hay thậm chí là cố ý của một thiểu số người dùng mạng xã hội là nguồn cơn khiến “rác mạng” dễ dàng tràn lan, len lỏi vào đời sống thường nhật.
Những video clip viral "rác" với nội dung thiếu kiểm soát xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, được truyền tay nhau với “tốc độ ánh sáng” cho thấy sự dễ dãi trong khâu quản lý. Mặt khác phản ánh nhận thức về văn hóa, đời sống, xã hội của một bộ phận khán giả chưa có sự chọn lọc, việc tiếp cận thông tin còn chưa kỹ lưỡng
Điều đáng nói, không chỉ là một vài clip phản cảm, nhảm nhí vô bổ, mạng xã hội ngày nay còn tiềm ẩn những nội dung độc hại như: hướng dẫn chơi ma túy, các trò chơi, thực nghiệm nguy hiểm, trò đùa gây hại, món ăn kỳ dị… Thậm chí là cả tự sát đang tiềm ẩn những hệ lụy khôn lường đối với cả trẻ nhỏ.
Truyền tay chóng mặt, tại sao vậy?
Chủ động rà soát, kiên quyết xử lý các vi phạm trên không gian mạng... đó là những hành động đã và đang được các cơ quan chức năng kiên quyết thực hiện và xử lý, đặc biệt là đối với những thông tin sai lệch trên không gian mạng gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, bất chấp sự kiểm soát, “rác mạng” vẫn lan truyền với “vận tốc ánh sáng” khiến cho việc rà soát, xử lý trở nên “khó càng thêm khó”.
Hệ lụy từ các nội dung thiếu chuẩn mực, thiếu đạo đức, vô cảm, độc hại lan truyền chóng mặt không chỉ dừng lại ở những sự vụ mắt thấy, tai nghe mà nguy hiểm hơn còn xâm nhập, tàn phá vào giá trị sống của giới trẻ.
Trò chuyện với Đại Đoàn Kết Online, TS Lưu Hồng Minh, Nguyên trưởng khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. cho rằng, mạng xã hội là con dao hai lưỡi, có những hậu quả nhãn tiền nhưng cũng có những hậu quả tiềm ẩn phía sau. Các thông tin độc hại, rác rưởi trên mạng nếu không được lên án, loại bỏ trong cuộc sống sẽ để lại nhiều hệ lụy khó lường trước.
“Một vài năm trở lại đây, rác mạng xuất hiện dày đặc hơn trong đời sống xã hội đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc. Để bảo vệ những giá trị sống tốt đẹp và không phải trả cái giá đắng chát, chúng ta cần phải lên án mạnh mẽ, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cùng vào cuộc mạnh tay hơn nữa bằng chế tài để quyết liệt dọn sạch rác trên mạng xã hội”, TS Minh khẳng định.
Trả lời cho câu hỏi, tại sao rác mạng lại lan truyền một cách chóng mặt, TS Lưu Hồng Minh không tỏ ra quá bất ngờ.
TS Minh cho biết đây là lẽ tất yếu, bởi rác mạng là những hệ quả từ việc bùng nổ công nghệ 4.0, mặt trái từ việc sử dụng mạng xã hội.
“Vấn nạn này vốn đã nhức nhối trong khoảng vài năm nay. Khi tham gia vào mạng xã hội, nếu người tiếp cận thông tin không tỉnh táo, sáng suốt sẽ dẫn đến việc bị tiêm nhiễm, ảnh hưởng tiêu cực bởi những thông tin thiếu đi sự kiểm chứng đó. Lẽ dĩ nhiên, có cung thì ắt sẽ có cầu”, TS Minh nói.
Đề xuất biện pháp nhằm hạn chế mức tối thiểu việc “rác mạng” lan truyền với “vận tốc ánh sáng”, TS Lưu Hồng Minh cho rằng điều cốt lõi xuất phát từ kỹ năng chọn lọc thông tin của mỗi cá nhân để nhận diện các thông tin xấu, độc và lên án, bài trừ chúng một cách nhanh chóng.
“Mặt khác, chúng ta cần trang bị thêm kỹ năng về công nghệ - thông tin để ngăn chặn các nick ảo, lọc, xóa, báo xấu... các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội để không cho các thông tin đó lan truyền dễ dàng.
Mỗi cá nhân khi tham gia mạng xã hội cần cẩn trọng cân nhắc xem nên comment (bình luận), like (thích), share (chia sẻ), dẫn link về một vấn đề nào đó, để tránh việc vô tình trở thành cầu nối giúp lan tỏa thông tin xấu, độc.
Việc nắm các quy định của Luật An ninh mạng là một vấn đề bắt buộc giúp người sử dụng tránh những hành vi vi phạm có khi chỉ là vô tình nhưng gây ảnh hưởng tiêu cực cho bản thân và xã hội”, TS Lưu Hồng Minh nhấn mạnh.