Rác thải 'bủa vây' xã có hàng trăm ca sốt xuất huyết ở Hà Nội

Lê Khánh 26/08/2023 09:47

Hiện thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì đang là "điểm nóng" về ca nhiễm bệnh sốt xuất huyết của Hà Nội. Theo ghi nhận nơi đây, rác thải tràn lan ra sông, mương, cống khiến nước đen ngòm, bốc mùi hôi tanh gây ô nhiễm môi trường.

Video thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì đang là "điểm nóng" về ca nhiễm bệnh sốt xuất huyết của Hà Nội có mương nước đen xì bốc mùi hôi tanh.

Hiện tại huyện Thanh Trì là một trong số huyện của Hà Nội có số người mắc sốt xuất huyết cao nhất, xã Vĩnh Quỳnh chiếm 70% số người mắc bệnh sốt xuất huyết của huyện. Tính đến hết ngày 22/8 xã này đã có 257 người mắc bệnh cao gấp 6 lần so với cả năm 2022. Đáng chú ý, riêng thôn Vĩnh Ninh chiếm hơn 90% số ca mắc sốt xuất huyết của toàn xã.

Ông Khuất Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Thanh Trì cho biết, việc chống dịch sốt xuất huyết cần cả cộng đồng dân cư cùng quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng dịch một cách đồng bộ, đúng hướng dẫn, đúng quy trình. Do vậy vai trò của ban lãnh đạo các thôn, tổ dân phố các thành viên đội xung kích, hội viên các nghành đoàn thể trong việc hành động và tuyên truyền đến người dân là yếu tố quyết định.

Hình ảnh mương nước tại thôn Vĩnh Ninh,đang là "điểm nóng" về ca nhiễm bệnh sốt xuất huyết của Hà Nội đen, bốc mùi hôi tanh.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, dự báo, đỉnh dịch sốt xuất huyết trong năm 2023 tại Hà Nội có thể rơi vào khoảng tháng 9 và tháng 10. Giai đoạn này, thời tiết mưa nhiều, nhiệt độ cao, tạo thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi truyền bệnh.

Cùng với đó, Hà Nội đã có nhiều ổ dịch với nhiều ca mắc dẫn đến nguy cơ cao bùng phát, lan rộng dịch sốt xuất huyết. Đặc biệt, giai đoạn này, sinh viên từ các tỉnh lân cận bắt đầu về Hà Nội nhập học, cũng là nguyên nhân làm tăng số ca thuộc đối tượng dễ mắc sốt xuất huyết.

Mương nước tại thôn Vinh Ninh chạy bao quanh làng tràn ngập rác thải.

Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết Online, tại khu vực thôn Vĩnh Ninh được coi là "điểm nóng" của dịch sốt xuất huyết có hệ thống mương nước bẩn bao vây quanh làng bốc mùi hôi tanh nồng nặc vào những ngày nắng nóng.

Anh T. một người dân ở thôn Vĩnh Ninh cho biết, gia đình anh có 4 người thì 3 người mắc sốt xuất huyết. Sau hơn 1 tuần điều trị tại bệnh viện thì anh T. và người nhà ở nhà nghỉ ngơi, xin nghỉ ở công ty thêm ít ngày. Cũng theo anh T. ở thôn Vĩnh Ninh đang còn nhiều ổ dịch. Nhiều gia đình vẫn chưa ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung. Nước thải chảy ra sông, mương tích tụ lâu ngày gây ô nhiễm.

Mương nước này còn nổi đầy váng đen đặc sệt.

"Mấy ngày nằm viện vì sốt xuất huyết tôi liên tục bị sốt, cơ thể đau nhức. Nó mệt mỏi hơn cả bị mắc Covid-19 hay các loại dịch bệnh khác", anh T. chia sẻ.

Anh T. cũng chia sẻ thêm, trước đây sông, mương vây quanh thôn rất sạch sẽ, những ngày hè có thể tắm được nhưng giờ đây chỉ toàn là nước thải. Ở đây là vùng trũng của huyện Thanh Trì, đến vụ mùa nước từ sông Tô Lịch, sông Nhuệ kèm chất bẩn cũng chảy về. Nước lâu ngày không thoát được ô nhiễm vô cùng.

Nhiều nhà dân xả thải nước trực tiếp ra ngay con mương cũng khiến nơi đây trở nên nhếch nhác mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường.

Theo một số người dân tại đây, Hợp tác xã nông nghiệp thôn Vĩnh Ninh đã tự động lấy nguồn nước bẩn, hôi thối chưa qua xử lý từ sông Nhuệ, sông Tô Lịch để làm mùa vụ đưa vào ruộng, năm 2 vụ lấy 2 lần. Có thể đây cũng là nguyên nhân khiến môi trường thôn Vĩnh Ninh thêm ô nhiễm.

Con mương có dòng nước đen chạy quanh thôn Vĩnh Ninh.
Rác thải tràn lan tại mương nước trước mặt nhà dân.
Rác thải ở dưới mương đã phần là túi ni lông.
Một số người dân cho biết, do môi trường ô nhiễm nên vào mùa mưa nồm ẩm muỗi sinh sôi nảy nở nhiều vô kể. Có ngày chong đèn bẫy được cả túi muỗi.
Nhiều người dân tại thôn Vĩnh Ninh rất mong muốn các cấp chính quyền có phương án để dọn dẹp sạch sẽ con mương này để người dân có cuộc sống trở nên tốt hơn.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rác thải 'bủa vây' xã có hàng trăm ca sốt xuất huyết ở Hà Nội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO