Hàng loạt sự kiện kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất của danh nhân văn hóa thế giới Đại thi hào Nguyễn Du đang diễn ra tại Hà Tĩnh. Chuỗi hoạt động không chỉ dấy lên tinh thần yêu Truyện Kiều, tưởng nhớ Nguyễn Du ở quê hương của ông mà còn lan tỏa xa hơn… Bởi “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”.
Từ học đường…
Hàng trăm năm qua, kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du đã đi vào đời sống sâu sắc, bền bỉ. Đặc biệt, trên quê hương Đại thi hào ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, các thế hệ giáo viên, học sinh đang nỗ lực học tập, giữ gìn, phát huy.
Trường Tiểu học Thị trấn Tiên Điền (Nghi Xuân) có khuôn viên nằm trong khu vườn cũ của gia đình cụ Nguyễn Du. Nhà trường vừa phục dựng ngôi nhà cụ Nguyễn Du ngay trước thư viện xanh của trường, trở thành địa điểm lý tưởng để học sinh ngồi đọc sách mỗi giờ ra chơi.
Điều đặc biệt lý thú là bất kỳ một bạn học sinh nào ở Trường Tiểu học thị trấn Tiên Điền cũng đều có thể đọc, ngâm hoặc lẩy một vài câu Kiều. Nhiều em tuy chỉ mới học lớp 2, lớp 3, nhưng đã thuộc hàng trăm câu Kiều như em Đặng Vương Minh Anh- học sinh lớp 3A1 có thể đọc thuộc được gần 300 câu Kiều, em Hoàng Lê Hà Linh- học sinh lớp 4B1 đọc thuộc được hơn 600 câu Kiều.
Cô Lê Thị Cẩm Nhung- giáo viên Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Thị trấn Tiên Điền cho biết: “Ở các giờ ngoại khóa, giáo viên đã lồng ghép việc đưa Truyện Kiều vào chương trình dạy và được đông đảo học sinh thích thú, hưởng ứng. Bên cạnh đọc thuộc Truyện Kiều, trường còn tổ chức “Ngày hội tiếng hát dân ca” lồng ghép các loại hình nghệ thuật xuất phát từ Truyện Kiều như ngâm Kiều, lẩy Kiều, trò Kiều… để tạo hứng khởi cho học sinh”.
Không chỉ các giáo viên dạy môn xã hội mà nhiều thầy, cô giáo dạy các môn tự nhiên cũng dành niềm say mê đặc biệt cho Truyện Kiều”. Cô Trần Thị Xuân Thu dạy Hóa-Sinh của Trường trung học cơ sở Nguyễn Trãi cũng dành tình yêu đặc biệt cho những câu Kiều. Cô thuộc tất cả 3.254 câu trong Truyện Kiều.
Cô Thu chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nghi Xuân, từ nhỏ đã được nuôi dưỡng tâm hồn từ những câu ru Kiều của bà, của mẹ nên tôi đã mê say Truyện Kiều từ đó. Tính nhân văn trong Truyện Kiều giúp tâm hồn tôi hướng thiện, đẹp đẽ, thấu hiểu và yêu thương học trò nhiều hơn”.
Cô Đinh Thị Lan Hương - Phó Trưởng phòng GDĐT huyện Nghi Xuân chia sẻ: “Việc lan tỏa Truyện Kiều trong học đường luôn được ngành giáo dục quan tâm và có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Ngoài việc đưa Truyện Kiều vào bài học, đơn vị còn phát động các cuộc thi như “Bạn đọc thuộc Kiều”, “Tìm hiểu về Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều”…
Kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du, bên cạnh cuộc thi “Bạn đọc thuộc Kiều,” cuộc thi “Tìm hiểu về Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều” do Sở GDĐT tỉnh Hà Tĩnh phát động đã tạo sức lan tỏa lớn trong các trường học ở Hà Tĩnh. Sau hơn một tháng phát động, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 150 trường THCS ở 13 phòng giáo dục huyện, thành, thị và 63 trường THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp, các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trên toàn tỉnh tham gia với tổng số hơn 130.000 bài thi với nội dung và hình thức rất sống động, thiết thực.
…đến đời sống
“Đọc, nghe, cảm thụ truyền bá, thẩm bình, đánh giá văn Nôm Truyện Kiều cũng là câu chuyện của nhiều trăm năm… Tiếng Việt trong Truyện Kiều- câu chuyện chúng ta bàn hôm nay, sau một lịch sử trên dưới 200 năm khi Truyện Kiều ra đời, trước hết có ý nghĩa tôn vinh và tri ân một Nguyễn Du xứng danh Đại thi hào, là người đã đưa tiếng Việt lên một tầm cao giá trị, trước và sau ông cho đến nay, chưa ai sánh được”- GS Phong Lê, Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam đã nhấn mạnh như thế trong đề dẫn Hội thảo khoa học “Tiếng Việt trong Truyện Kiều” được tổ chức vào sáng 25/9.
GS Phong Lê còn khẳng định: Từ là một khúc “Nam âm tuyệt xướng”, là “Thiên thu tuyệt diệu từ” đến “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn” (Chế Lan Viên), “Tiếng thu như tiếng mẹ ru những ngày” (Tố Hữu). Trải qua hàng trăm năm, vẻ đẹp và sức sống của tiếng Việt trong Truyện Kiều ngày càng tỏa rạng hơn, sâu lắng hơn. Một tiếng Việt của Nguyễn Du cũng là tiếng Việt cho muôn người, cho muôn đời - nó là của cải, là giá trị, là kho báu để khẳng định sự trường tồn của văn hóa dân tộc.
48 tham luận của các nhà nghiên cứu tại Hội thảo “Tiếng Việt trong Truyện Kiều” đã cho thấy, kiệt tác của Nguyễn Du có sức ảnh hưởng đến đời sống của người dân Việt sâu sắc biết nhường nào. Như Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh nói: Kiệt tác Truyện Kiều - Nguyễn Du đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt qua bờ cõi quốc gia, trở thành một phần tinh hoa của văn hóa nhân loại, ghi dấu văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế.
Đặc biệt, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Tuần văn hóa Nguyễn Du”, kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du, tối 26/9 tỉnh Hà Tĩnh sẽ long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm, tưởng niệm và Chương trình nghệ thuật “Nguyễn Du, Trăm năm trong cõi…”.
Chương trình khắc họa cuộc đời và sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du. Chương trình nghệ thuật có 8 trường đoạn: Khai từ, Tuổi thơ trong nhung lụa, Trôi giữa dòng đời, Non Hồng tức cảnh, Giao hưởng nhạc vũ - kịch Truyện Kiều, Đối thoại với người trong truyện, Văn tế Nguyễn Du, Ngàn năm hậu thế nhớ Nguyễn Du. Mỗi trường đoạn tái hiện lại một mốc lịch sử từ lúc Nguyễn Du lọt lòng được bồng bế trên đôi tay mẹ đến những biến cố ông phải trải qua trong cuộc đời.