Một trong những rào cản khiến hàng hóa Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế bởi chi phí logistics vẫn đang ở mức cao. Trong đó vận tải đường bộ vẫn chiếm tỷ trọng lớn với chi phí đắt đỏ.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, vận tải đường bộ vẫn đang phải đảm nhận tỷ trọng vận chuyển rất lớn, không cân đối với các phương thức vận tải khác. Cụ thể, vận tải ôtô gánh trên 90% tổng khối lượng vận chuyển hành khách và trên 70% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa. Chất lượng dịch vụ cơ bản đã được nâng cao, đặc biệt là vận tải hành khách. Tuy nhiên, đối với vận tải hàng hóa còn hạn chế bởi các đơn vị vận tải có quy mô nhỏ, manh mún chiếm tỷ trọng lớn, sức cạnh tranh kém; tỷ lệ xe chạy rỗng còn ở mức cao (khoảng 45%) dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp, đẩy chi phí logistic lên rất cao.
Đơn cử: Chi phí vận chuyển container loại 40 feet từ Hà Nội vào TPHCM khoảng 40 triệu đồng, cao gấp 9,7 lần so với vận chuyển bằng đường biển và hơn 2,5 lần so với vận chuyển bằng đường sắt. Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Lộc Trời, cho biết chi phí vận chuyển 1kg lúa bằng đường thuỷ nội địa tốn 200 đồng, trong khi đường sắt tốn 600 đồng, đường bộ lên tới gần 900 đồng.
Để khắc phục vấn đề này, sàn giao dịch vận tải đã được mở ra, tuy nhiên, theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT): Sàn giao dịch vận tải VinaTrucking đã khai trương từ tháng 12/2015 và được kỳ vọng khi đi vào hoạt động sẽ mạng lại nhiều lợi ích cho chính các đơn vị kinh doanh vận tải và nền kinh tế. Tuy nhiên sau hơn 5 năm hoạt động, số lượng thành viên tham gia và các giao dịch thành công vẫn còn hạn chế; lượng hàng hóa trao đổi giao dịch trên sàn khan hiếm, các doanh nghiệp vận tải không mặn mà tham gia vì còn nhiều hạn chế bất cập như: Khi tham gia sàn giao dịch, các doanh nghiệp vận tải phải bắt buộc đăng ký tài khoản mới được giao dịch trên sàn, khiến nhiều doanh nghiệp nghi ngại về việc bị kiểm soát thông tin.
Bên cạnh đó, một số sàn giao dịch có thiết kế chưa thuận tiện cho người dùng, đa số còn sử dụng theo hình thức website, chưa có các ứng dụng trên thiết bị di động. Nhiều chủ xe (chủ doanh nghiệp vận tải) và chủ hàng hiện nay vẫn còn ngại và chưa quen với việc thực hiện các giao dịch trực tuyến. Hay với việc giao dịch trên sàn giao dịch cũng chưa hấp dẫn là do chủ hàng và chủ xe (chủ doanh nghiệp vận tải) không muốn công khai, minh bạch khối lượng hàng hóa, giá cước, loại hàng, tuyến đường vận chuyển vì sợ lộ bí mật kinh doanh, sợ bị mất mối hàng,…
Tính đến thời điểm hiện nay đã có gần 700 thành viên tham gia đăng ký sàn giao dịch vận tải Vinatrucking, trong đó phần lớn là thành viên chủ xe (đơn vị kinh doanh vận tải), còn lại hơn 150 thành viên là chủ hàng và thành viên vãng lai, với hàng trăm chuyến hàng, chuyến xe đã được đăng ký thành công trên sàn. Tuy nhiên, thực tế những khó khăn của sàn giao dịch vận tải Vinatrucking (cũng là khó khăn của các sàn giao dịch khác) là sự mất cân đối giữa các thành viên tham gia khi số lượng “xe tìm hàng rất lớn” trong khi danh sách “hàng cần vận chuyển” còn ít.
Như vậy để sàn giao dịch hoạt động tốt, giúp kéo giảm chi phí vận tải, đưa giá cước vận tải về đúng giá trị thực như mục tiêu đề ra phải giải được bài toán giảm tỷ lệ xe chạy rỗng. Ông Trần Bảo Ngọc đề xuất: Để có thể kéo giảm được chi phí vận tải đường bộ (ở đây chủ yếu là chi phí vận tải hàng hóa bằng đường bộ trong hệ thống chi phí logistics) cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp có sự phối hợp mạnh mẽ từ các đơn vị vận tải, chủ hàng, các hiệp hội và các cơ quan liên quan.
“Sàn giao dịch cần chủ động tìm kiếm nguồn tài chính, kêu gọi đầu tư để cải tiến phần mềm đảm bảo dễ sử dụng cho người dùng, đa dạng các hình thức kết nối; chủ hàng, chủ xe có thể dễ dàng thực hiện tìm kiếm hàng, tìm kiếm phương tiện và giao dịch trên Sàn. Đồng thời, cung cấp thông tin giá cước nhằm minh bạch hóa về giá cước, về thông tin trên thị trường”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Trong các ý kiến cử tri gửi về Bộ GTVT thời gian gần đây, có nhiều ý kiến đề xuất Bộ GTVT xem xét về việc giảm phí sử dụng dịch vụ đường bộ BOT trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông Trần Bảo Ngọc cho rằng, việc giảm phí BOT là không khả thi. Lý do là các doanh nghiệp BOT cũng đang gặp nhiều khó khăn do phải giảm giá vé cho một số loại phương tiện và chưa được tăng giá theo lộ trình trong hợp đồng dự án, lượng xe tiếp tục giảm do ảnh hưởng dịch dẫn đến doanh thu các trạm BOT càng thấp, nhiều dự án đã không đảm bảo thời gian thu phí hoàn vốn như quy định trong hợp đồng đã ký kết.