Dù tuân thủ theo hàng loạt yêu cầu để đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhưng có một nghịch lý là mặt hàng rau quả sạch vẫn chưa dễ dàng chinh phục được người tiêu dùng ở khu vực chợ dân sinh, vì sao vậy?
Tại Hà Nội hiện khu vực các chợ truyền thống như chợ Hôm- Đức Viên, Kim Liên, Hà Đông…mặt hàng rau củ quả khá phong phú và đa dạng nhưng hầu hết đều không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, khi mua nhiều người tiêu dùng chỉ có thói quen tiện đâu mua đấy chứ chẳng quan tâm sản phẩm có đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP hay không.
Nông sản được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP trải qua quá trình kiểm soát chặt chẽ về an toàn vệ sinh từ khâu chọn giống, chăm sóc cây trồng cho đến khi thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển… đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người dân.
Nhưng chị Hoàng Thị Huệ, người bán rau quả an toàn trên phố Đông Tác, quận Đống Đa (gần chợ Kim Liên) cho biết: Sản phẩm rau quả của cửa hàng được nhập từ làng rau an toàn Vân Nội, Đông Anh. Vì là rau sạch nên giá luôn đắt hơn các loại rau quả không rõ nguồn gốc và vì vậy cũng rất kén khách hàng.
Bên cạnh việc nhiều người vẫn có thói quen mua rau tại các chợ tạm, chợ cóc gần nơi sinh sống thì cũng có một thực tế là người tiêu dùng chưa thật sự tin tưởng vào nguồn gốc, chất lượng của rau quả sạch. Do đó, tuy có nhiều cửa hàng rau quả sạch nhưng số cửa hàng hoạt động bền vững, hiệu quả vẫn chưa cao.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NNPTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng, đến nay toàn thành phố có hơn 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản do thành phố quản lý; 4.699 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản được cấp phép do các quận, huyện, xã, phường quản lý. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm, nông sản có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, phân phối qua nhiều khâu trung gian, nguồn lực phát triển, trình độ quản lý còn hạn chế.
Để người tiêu dùng tiếp cận và hiểu được giá trị của sản phẩm an toàn, thời gian qua, ngành Công thương TP Hà Nội đã có một số giải pháp đưa nông sản an toàn tới tay người tiêu dùng qua các điểm bán thực phẩm đạt chuẩn VietGap. Nhưng đến nay, hàng VietGAP vẫn chủ yếu phân phối ở hệ thống các siêu thị, chợ truyền thống thì hầu như chưa xuất hiện, dù nơi này thu hút số đông người tiêu dùng. Vậy làm thế nào để hàng Việt GAP tiêu thụ được ở khu vực chợ truyền thống để nông sản sạch phát triển bền vững?
Có lẽ việc đầu tiên là phải chuyển đổi thói quen người tiêu dùng, để họ thấy được giá trị của sản phẩm an toàn, an tâm về sản phẩm. Và làm được điều này đòi hỏi một phần trách nhiệm từ các cơ quan chức năng.
Ví dụ, phía quản lý thị trường cần làm bài bản công tác quản lý, từ giấy tờ chứng nhận sản phẩm an toàn, cho đến hạn chế bày bán sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, kém chất lượng trên thị trường. Khi phát hiện trường hợp ngộ độc thực phẩm cần làm mạnh tay, chỉ rõ nguyên nhân từ những nguồn thực phẩm nào, nêu tên đơn vị cung cấp.
Hay như cách làm của một số HTX tại Long An, khi mang bán nông sản sạch ở các chợ dân sinh, họ kết hợp với việc tổ chức miễn phí cho người tiêu dùng tới tham quan quá trình sản xuất rau quả an toàn của HTX,… Có làm được như vậy rau quả sạch mới có cơ hội “chen chân” vào các chợ truyền thống.