'Rò rỉ' chất nổ quân sự tại Mỹ - Kỳ 1: Trộm cắp khắp nơi

Hà Anh (theo AP) 13/12/2021 15:04

Với tiềm lực quân sự lớn mạnh nhưng vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng về việc quản lý vũ khí, đặc biệt là chất nổ quân sự, 1uân đội Mỹ đã để thất thoát chất nổ mà họ thậm chí còn không biết đến sự mất mát đó. Kẻ trộm chính là những quân nhân đã từng phục vụ cho quân đội, nhưng tất cả đều viện dẫn lý do phạm tội vô cùng “trong sáng”. Cùng tìm hiểu về những vụ trộm thú vị này.

Một địa điểm ở Jacksonville, Bắc Carolina, nơi vào tháng 6/2018, một trung sĩ Thủy quân lục chiến đã chôn chất nổ mà anh ta đánh cắp từ Trại Lejeune gần đó. (Hình minh họa AP).

Những “con sâu làm rầu nồi canh”

Một chuyên gia phá hủy bom mìn của lực lượng Thủy quân lục thiến lo lắng về tương lai của nước Mỹ và về cuộc nội chiến mà anh ta sợ rằng sẽ xảy ra sau cuộc bầu cử tổng thống. Vì vậy, từng chút một, anh ta đã lấy cắp 13 pound (6 kg) chất nổ dẻo C4 từ các phạm vi huấn luyện của Trại Lejeune - một căn cứ lớn của Lực lượng Thủy quân lục chiến ở Jacksonville, Bắc Carolina.

“Từ các cuộc bạo loạn, tôi thấy đất nước này đang tiến tới một tương lai không xác định đáng sợ. Tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất trong đầu, tôi đang bảo vệ gia đình và các quyền hiến định của mình", Trung sĩ quân đội khai với các nhà điều tra quân sự.

Hành vi phạm tội của Trung sĩ quân đội trên có thể đã không bị phát hiện, nhưng các nhà chức trách đã có được một cơ hội may mắn khi vào năm 2018, họ đã có một cuộc điều tra về vụ trộm khác cũng từ Trại Lejeune.

Trong một số trường hợp khác, chất nổ thậm chí còn nằm trong tay một số học sinh trung học.

Đây không phải là những trường hợp cá biệt. Theo một cuộc điều tra liên tục của Associated Press, trong một thập kỷ qua, hàng trăm và có thể là hàng nghìn quả lựu đạn xuyên giáp, hàng trăm kg chất nổ dẻo C4, cũng như mìn và tên lửa đất của lực lượng vũ trang Mỹ bị đánh cắp hoặc thất lạc.

Quân đội không bảo vệ được tất cả vũ khí chiến tranh của mình. Vẫn còn nhiều chất nổ được báo cáo là mất tích và sau đó đã được thu hồi.

Các hồ sơ điều tra cho thấy, quân đội đã làm giả hồ sơ để che đậy một số vụ trộm, hoặc không báo cáo về sự mất tích của chất nổ. Đôi khi, họ không bảo vệ được chất nổ ngay từ đầu vào. Hậu quả của việc này có thể gây chết người.

Vào tháng 8, một quả đạn pháo đã phát nổ tại một bãi tái chế ở Mississippi. Chris Smith đang nghỉ giải lao giữa giờ lao động vì thời tiết quá nắng nóng.

Khi đang uống nước và hút thuốc lá, đột nhiên anh thấy một đồng nghiệp đang chảy rất nhiều máu ở chân ôm lấy mình. Người đàn ông đã chết ngay tại đó.

Hai ngày sau, một chiếc vỏ đạn pháo còn nguyên vẹn được tìm thấy tại bãi phế liệu. Sở cảnh sát địa phương cho biết, vỏ đạn này là loại được sử dụng trong lựu đạn pháo, một loại vũ khí pháo tầm xa.

Cơ quan điều tra nghi ngờ những quả đạn này đến từ Trại Shelby, một căn cứ của Lực lượng Vệ binh Quốc gia cách đó khoảng 40 km.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mississippi, Trung tá Deidre Smith cho biết, không có bằng chứng nào về việc quả đạn pháo có nguồn gốc từ Trại Shelby.

Một bức ảnh minh họa về tên lửa huấn luyện được tìm thấy vào tháng 4/2019 tại một nơi cư trú gần Pháo đài Hood, một căn cứ của Quân đội ở Killeen, Texas. (Hình minh họa AP).

Theo các nhà chức trách liên bang, trước đây, những tên trộm chuyên săn tìm kim loại đã từng nhắm mục tiêu vào Trại Shelby.

Vào năm 2012, một người đàn ông đã bị thương trong một vụ nổ tại nhà ở Gulfport, Mississippi, khi anh ta cố gắng cưa một trong 51 quả đạn chống tăng AT-4 lấy từ khu vực thao trường trong phạm vi huấn luyện của Trại Shelby. Năm người đã phải nhận tội với các cáo buộc cấp liên bang.

Một số vụ trộm đã thu hút sự chú ý tại địa phương, như vụ trộm xảy ra vào năm 2019, khi tên lửa huấn luyện được tìm thấy trong khu dân cư ngay gần Fort Hood ở Texas.

AP đã phát hiện ra những vụ khác chưa được báo cáo công khai, trong số đó có vụ trộm ở Trại Lejeune và một vụ vào năm 2013, theo đó, 36 dây thuốc nổ TNT đã bị đánh cắp trong một cuộc tập trận tại Căn cứ Không quân Clark ở Philippines.

Các quan chức quân đội cho biết, những tên trộm trong nội bộ quân đội chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” và rằng, so với các kho dự trữ thì tổng lượng chất nổ bị mất hoặc bị đánh cắp là rất nhỏ.

“Chúng tôi muốn đưa con số về 0 để không có tổn thất nào, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi không coi trọng những tổn thất đã có”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Trung tá Uriah Orlando cho biết.

Chất nổ đã được tìm thấy trong nhà dân, các đơn vị lưu trữ, bên trong doanh trại quân đội và dọc theo các con đường, thậm chí tại một trạm kiểm soát biên giới Mỹ-Mexico.

Đây không phải là những chiến tích chiến tranh hoen gỉ được bảo quản từ gác xép của ông nội. Chúng đến từ các chuyến hàng hoặc căn cứ quân sự.

Một khối thuốc nổ TNT tại một cuộc huấn luyện của Lực lượng Thủy quân lục chiến huấn luyện ởTrại Lejeune ở Jacksonville, Bắc Carolina. (Hình minh họa AP).

Sự lỏng lẻo trong nhiệm vụ giải trình

Cuộc điều tra về Vũ khí AWOL của AP đã chỉ ra rằng, trách nhiệm giải trình không chặt chẽ và các vụ trộm nội gián đã dẫn đến việc mất hơn 2.000 súng quân dụng kể từ năm 2010. Một số súng được sử dụng trong các vụ trọng tội hoặc bán cho các băng nhóm đường phố.

Để quản lý vấn nạn này, Quốc hội đã yêu cầu quân đội cung cấp cho các nhà lập pháp báo cáo chi tiết về những mất mát và các vụ trộm cắp hàng năm.

Tuy nhiên, có một điều mà những báo cáo đó sẽ không thực hiện được đó là làm cho việc ăn cắp các chất nổ như C4 trở nên khó hơn, bởi chất nổ khó phát hiện hơn súng cầm tay.

Trong khi quân đội kiểm tra súng ra vào kho vũ khí, chất nổ được phân phối từ các điểm cung cấp đạn dược với giả định chúng sẽ kích nổ bất cứ lúc nào.

Mặc dù phải có ít nhất hai người ký vào báo cáo tiêu thụ, nhưng đó chỉ là là một quy trình “danh dự”. Nếu chất nổ không được sử dụng và biến mất thì chỉ có kẻ trộm mới biết chúng ở đâu. Chất nổ không có số seri riêng để theo dõi và chất nổ dẻo dễ bị ngụy trang vì chúng có thể được cắt nhỏ hoặc tạo hình.

Việc lưu trữ hồ sơ và giám sát không triệt để đã cho phép một cá quân nhân đóng tại Quantico, Virginia, lấy trộm những lon thuốc nổ và kíp nổ.

Cuộc điều tra của AP cũng đã phát hiện thêm một vụ kỹ thuật viên đạn dược đã lấy trộm bốn quả lựu đạn phân mảnh bằng cách ghi khống biên bản rằng, chúng đã phát nổ trong quá trình huấn luyện và đây quả thực là một lời khai không khiến ai nghi ngờ.

AP đã tìm kiếm dữ liệu chi tiết từ bốn chi nhánh quân sự liên quan đến việc mất hoặc trộm chất nổ từ năm 2010 đến năm 2020.

Quân đội đã cung cấp một biểu đồ có tổng cộng gần 1.900 mục nhập cho các vật liệu nổ bị mất tích, khoảng một nửa trong số đó được cho là đã được thu hồi. Phần lớn trong số chúng là chất nổ C4/TNT. Các loại khác bao gồm pháo, súng cối, mìn đất, lựu đạn, rocket và lựu đạn 40 mm xuyên giáp bắn từ súng phóng.

Người phát ngôn của quân đội, Trung tá Brandon Kelley, cho biết, biểu đồ này đại diện cho một hệ thống hồ sơ thủ công, cẩn thận. Tuy nhiên, ngay cả với đánh giá đó, các nhà nghiên cứu không phải lúc nào cũng có thể xác định được số lượng, chẳng hạn như không thể biết chính xác bao nhiêu kg C4 / TNT được thể hiện trong 1.066 mục nhập.

Lựu đạn phân mảnh quân sự bị đánh cắp được tìm thấy trong một ngôi nhà ở Quantico, Virginia, vào ngày 19/1/2010. (Ảnh minh họa AP).

Trung tá Kelley tiếp tục cho biết, trong bối cảnh tiềm lực quân sự mạnh mẽ của Quân đội Mỹ, lượng thuốc nổ bị mất là không đáng kể. Trong thập kỷ qua, Quân đội Mỹ “đã duy trì trách nhiệm giải trình thích hợp với 99,999984% bom, đạn”, ông nói.

Để đáp ứng yêu cầu của Đạo luật Tự do Thông tin, Lực lượng Thủy quân lục chiến đã công bố dữ liệu rất rõ ràng để chứng minh một cuộc kiểm đếm chính xác. Phân tích sơ bộ của AP cho thấy, hàng nghìn quả lựu đạn xuyên giáp và hàng trăm kg chất nổ dẻo C4 đã được báo cáo là bị mất hoặc bị đánh cắp.

“Một số trong số đó đã được thu hồi sau đó và thường những báo cáo này được cho là do lỗi của con người, chẳng hạn như đếm sai hoặc tài liệu không đúng”, Đại úy Andrew Wood cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản. Ông viết rằng, Lực lượng Thủy quân lục chiến có “các chính sách và thủ tục thích hợp ... để kiểm đếm chất nổ”, mặc dù Quân đoàn đang xem xét cải tiến.

Lực lượng Không quân thì cung cấp một biểu đồ cho thấy, khoảng 50 pound (23 kg) C4, hơn 800 feet (244 mét) dây nổ và vài chục quả lựu đạn xuyên giáp 40 mm đã biến mất mà không được thu hồi. Người phát ngôn của Lực lượng Không quân Sarah Fiocco cho biết, tỷ lệ thất thoát trong kho dự trữ thuốc nổ trị giá 25 tỷ đô la chỉ là một phần nhỏ trong tổng trị giá kho vũ khí. “Lực lượng Không quân đã làm rất tốt về trách nhiệm giải trình chất nổ”, bà Fiocco viết trong báo cáo.

Trong khi đó, Lực lượng Hải quân cho biết, chỉ có 20 quả lựu đạn đã bị đánh cắp, trong đó, có hai quả đã được thu hồi. Nhưng hồ sơ điều tra quân sự của AP cho thấy, có thêm 24 quả lựu đạn nữa được báo cáo mất tích trong kho vũ khí của một con tàu vào năm 2012.

Nói về việc này, phát ngôn viên của Lực lượng Hải quân, Trung úy Lewis Aldridge cho biết, vụ việc đã “vượt quá thời gian lưu giữ hồ sơ địa phương trong 2 năm” và nói thêm: “Chúng tôi cam kết minh bạch và tuân theo các quy trình thích hợp cũng như coi trọng trách nhiệm giải trình về chất nổ”.

Theo quy định, không phải tất cả lượng chất nổ bị mất đều cần phải được báo cáo cho cơ quan quản lý của Quân đội. Những lỗ hổng báo cáo này đã làm cho con số mất cắp chính thức do Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng thu thập được bị đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Ví dụ: các cơ sở không cần phải thông báo cho Lầu Năm Góc về những tổn thất hoặc trộm cắp dưới 10 pound chất nổ dẻo C4, mặc dù mỗi chi nhánh có thể có các quy định nội bộ nghiêm ngặt hơn.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Rò rỉ' chất nổ quân sự tại Mỹ - Kỳ 1: Trộm cắp khắp nơi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO