Hơn 3 thập niên, múa rối Việt Nam đặc biệt là múa rối nước luôn có sức hút hấp dẫn khán giả. Tuy nhiên, trong những thành công, vẫn có những khoảng lặng khiến người làm nghề trăn trở. Đó là khán giả ngoại lấn át khán giả nội.
Ảnh minh họa.
“Đỏ đèn” cho khách Tây
Mới đây, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã thông báo doanh thu sau 1 năm tổ chức biểu diễn vào khoảng 40 tỉ đồng và được sách Guiness châu Á ghi danh là Nhà hát biểu diễn sáng đèn suốt 365 ngày trong năm. Nhìn vào số buổi biểu diễn, doanh thu, lượng khán giả hàng năm của Nhà hát Múa rối Thăng Long thì bất kể nhà hát nào cũng mơ ước. Ngay cả các nhà hát trên thế giới cũng hiếm nơi nào làm được.
Nhìn dòng người xếp hàng mua vé tại rạp hát bất kể trời mưa hay nắng, từng đoàn ô tô du lịch đưa khách đưa đón khách tới xem làm tắc nghẽn cả đường phố, những người làm chương trình biểu diễn nghệ thuật ai cũng vui mừng vì Hà Nội có một địa chỉ văn hóa luôn sáng đèn. Tuy nhiên, người làm nghề lại băn khoăn suy nghĩ về thành phần khán giả.
NSƯT Đăng Tiến- nguyên Trưởng phòng Nghệ thuật Nhà hát Múa rối Thăng Long thừa nhận, nhiều buổi biểu diễn rối nước có đến 95% là khán giả quốc tế. Còn nhớ thập niên 90 thế kỷ trước khi rối Thăng Long hồi sinh trở lại biểu diễn ở Đền Ngọc Sơn và rạp 57B Đinh Tiên Hoàng (khánh thành năm 1994) vào các tối thứ 6, thứ 7 và chủ nhật có đến 98% là khán giả trong nước với mọi lứa tuổi.
Nếu không có các buổi biểu diễn hợp đồng do trường học liên hệ tổ chức vào các dịp khai giảng, kết thúc năm học và tự thân nhà hát rồi đến tận cơ sở phục vụ thì số lượng khán giả nội còn ít hơn nữa. Không chỉ việc khán giả Việt ít quan tâm đến rạp để xem rối nước mà ngay loại hình nghệ thuật từ bao đời nay vẫn tồn tại ở làng quê ở vùng châu thổ sông Hồng thì cũng có đến 95% người dân sống xung quanh đó này chưa một lần được xem rối nước. Nếu có cũng chỉ vì sự hiếu kỳ, sự thu hút của không khí lễ hội náo nhiệt.
Cơ hội nào cho rối Việt
Theo NSND Hoàng Tuấn – Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long: “Những người hoạt động sân khấu hiện nay chưa nhận thức được quan niệm phục vụ thiếu nhi đầy đủ và là nhiệm vụ trọng tâm. Thậm chí trong quan niệm của một số người, xây dựng các chương trình phục vụ thiếu nhi là trò con nít”. Ông Tuấn cũng bày tỏ ngay đơn vị của ông được giao nhiệm vụ phục vụ thiếu nhi là chính, vậy mà hiện tại 95% phục vụ người lớn, và 1 năm chỉ diễn khoảng 100 buổi phục vụ các cháu trên tổng số 1.500 buổi 1 năm, chiếu chưa tới 10% số buổi diễn. Một con số quá khiêm tốn.
Ở đó nguyên nhân là hầu hết các nhà hát do hoàn cảnh kinh tế thường chỉ tập trung vào các tác phẩm dành cho đối tượng người lớn bởi liên quan đến việc chăm lo cho cuộc sống của hàng trăm nghệ sĩ. Dẫn tới lãnh đạo các đơn vị không dám dàn dựng các vở diễn mà đầu ra đã biết trước doanh thu rất khó trong khi phải bỏ ra một khoản kinh phí không nhỏ để dàn dựng.
Có thể thấy, thực tế với những ưu và nhược điểm những người hoạt động trong nghệ thuật rối nước đến nay cũng chưa đánh giá được tầm quan trọng của khán giả nội với sự tồn vong của nghệ thuật mình theo đuổi.
Làm sao để xây dựng được nhiều chương trình rối nước có chất lượng cao cả về hình thức lẫn nội dung mà vẫn kế thừa những giá trị cốt lõi của nghệ thuật rối nước cha ông để lại. Làm sao phải thu hút khán giả nội. Bởi đối với nghệ thuật biểu diễn, khán giả chính là động lực thúc đẩy, là yếu tố quan trọng giúp nghệ sĩ thăng hoa.
Rối nước cũng không nằm ngoài quy luật đó. Với lợi thế là loại hình nghệ thuật gắn bó gần gũi với trẻ thơ cần mạnh dạn nghiên cứu đưa các kiến thức nghệ thuật rối nước vào chương trình giáo dục học đường cấp I, cấp II. Xây dựng các chương trình ngoại khoá bằng hình thức tiếp xúc giao lưu với nghệ sĩ, nghệ nhân để trực tiếp nghe những người làm nghề nói về cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của kỹ thuật chế tác con rối, của các tích trò. Từ đó các em sẽ được làm quen với các nhân vật rối cụ thể, học cách điều khiển chúng để khơi gợi niềm hứng thú, trí tò mò, rồi cụ thể, học cách điều khiến chúng để khơi gợi niềm hứng thú, trí tò mò, khám phá của lớp trẻ. Tất cả các hoạt động này sẽ giúp các em nảy sinh tình cảm yêu quý, say mê và có ý thức hơn trong việc gìn giữ bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc.