Mùa thu hoạch thuốc lào của người dân ở huyện Vĩnh Bảo bắt đầu từ đầu tháng 6 và sẽ kéo dài trong vòng hơn một tháng.
Những ngày đầu tháng 6, mặc cái nắng như đổ lửa, tại huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), người dân đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lá thuốc lào. Đây là công đoạn bước đầu để tiến tới ủ, xén và đem phơi để cho ra những sản phẩm thuốc lào đã trở thành thương hiệu của vùng quê này.
Nghề trồng cây thuốc lào ở huyện Vĩnh Bảo, trong đó có xã Lý Học hiện vẫn được duy trì như một nghề truyền thống đặc biệt của địa phương. Theo người dân ở đây, trồng cây thuốc lào khá mất công vì cây dễ bị nấm, dẫn đến đốm hoặc cháy lá. Do đó, hàng ngày họ phải dọn cỏ, bón phân đầy đủ và cân đối để đảm bảo cây phát triển khỏe mạnh.
Sau khi hái, lá thuốc được cắt bỏ những phần thừa và xếp lá thành cuộn to và dài gần 2 m. Sau đó, lá được ủ từ 5 - 7 ngày, đến khi cuộn lá ngả sang màu vàng sẫm, tỏa ra mùi thơm đặc trưng mới đem thái nhỏ thành sợi. Cuối cùng là phơi lá từ 5 đến 6 ngày dưới trời nắng tới khi thật khô.
Những năm gần đây, người dân Vĩnh Bảo ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất và chất lượng thuốc lào đã tăng lên nhiều, trong khi ngày công lao động lại giảm đáng kể.
Tuy thuốc được thái bằng máy nhưng người điều khiển máy vẫn đóng vai trò quan trọng, đôi bàn tay khéo léo của người thợ giúp cho sợi thuốc đều, nhỏ và không bị đứt chỉ.
"Năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi, các hộ trồng lá thuốc trong xã năm nay cũng rút ra kinh nghiệm từ các vụ trước nên có cách chăm bón và phòng trừ sâu bệnh tốt hơn. Chính vì vậy mà cây thuốc sinh trưởng hơn năm ngoái.
Cây thuốc lào là một cây trồng không được khuyến khích nhưng xét về mặt kinh tế, so với các loại cây trồng khác thì trồng thuốc lào cho hiệu quả gấp 2 - 3 lần nên bà con nông dân chúng tôi vẫn duy trì làm trong nhiều năm qua", ông Hoàng Đức Minh, một hộ trồng lá thuốc trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo cho hay.
Qua khảo sát tại một số hộ dân ở Vĩnh Bảo, năm nay, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng thuốc lào vẫn "được" giá.
Mỗi sào thuốc lào (360 m2) sau khi thu hái năng suất ước khoảng trên 50 kg – 60 kg/sào thuốc khô. Với giá từ 120.000 – 200.000 đồng, cao điểm lên tới 300.000 đồng/kg, người trồng có thể thu về từ 7-10 triệu đồng/sào. Với lượng diện tích hiện có, theo chia sẻ, mỗi hộ gia đình sẽ mang về thu nhập từ 50 – 100 triệu đồng trong một vụ.