Ngay sau đợt giảm giá lớn Black Friday, các nhà bán lẻ Việt Nam chuẩn bị tiếp tục một đợt giảm giá mới nhằm kích cầu cho đợt mua sắm lớn cuối năm, hướng tới các ngày lễ lớn như lễ Giáng Sinh, Tết Nguyên đán.
Hiện nay, tại nhiều cửa hàng truyền thống, các siêu thị, thậm chí cả trên các sàn thương mại điện tử, các chương trình giảm giá cũng đang dần xuất hiện nhằm thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng và kích cầu cho đợt mua sắm cuối năm. Trong đó, tại siêu thị, một số mặt hàng phục vụ dịp Tết và Giáng Sinh như bánh, kẹo, cà phê, trà… đã có những chương trình khuyến mãi, giảm giá như mua 2 tặng 1, mua hàng tặng cốc, giảm giá 10 – 30%…
Tại nhiều cửa hàng thời trang, các mẫu thời trang mùa đông mới hay các mặt hàng với hoa văn phục vụ dịp lễ Giáng Sinh đã bắt đầu được bày bán và quảng bá nhằm thu hút người tiêu dùng. Nhiều chương trình khuyến mãi lớn cũng đã được tung ra như giảm giá 50 – 70%, mua 1 tặng 1…
Tuy nhiên, dù đa dạng các hình thức giảm giá, lượng người mua hàng tới các cửa hàng truyền thống thời gian này chưa đông, thậm chí có xu hướng giảm so với năm trước. Theo chia sẻ của chị Thanh Nga, chủ một cửa hàng thời trang trên phố Chùa Bộc cho biết: “Năm nay, ngay cả trong những ngày cuối của đợt sale Black Friday, lượng khách hàng đến cửa hàng của tôi cũng không đông, thậm chí còn giảm khoảng 20 – 30% so với năm ngoái. Dù các chương trình giảm giá của cửa hàng đã được tung ra từ đầu tháng. Sang tháng 12, chúng tôi tiếp tục tung ra nhiều mẫu quần áo mới và chương trình giảm giá nhưng tình hình cũng chưa cải thiện.”
Đối với nhiều nhà bán lẻ, tiểu thương, dịp Black Friday sẽ là thước đo thị trường cho đợt mua sắm cuối năm, cả về lượng khách, nhóm hàng được ưa chuộng lẫn giá trị giỏ hàng. Tuy nhiên, lượng khách không quá khả quan trong đợt Black Friday vừa rồi cũng khiến nhiều người lo lắng. Một tiểu thương chia sẻ: “Cứ đà này, thì dịp Tết tôi cũng không dám nhập thêm hàng về. Hiện tại, cửa hàng của tôi đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi nhưng cũng chỉ mong đẩy được hết hàng tồn trước Tết.”
Một trong những lý do mà người mua hàng không quá mặn mà với các chương trình khuyến mãi tại các cửa hàng truyền thống là do sự phát triển mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử với giá rẻ và sự tiện lợi đã khiến người mua hàng “ngại” đến cửa hàng truyền thống mua đồ. Theo báo cáo mới nhất của NielsenIQ Việt Nam, người tiêu dùng đang có tần suất mua sắm online cao gấp đôi so với năm 2023. Trung bình mỗi người mua hàng trực tuyến gần 4 lần mỗi tháng và dành ra hơn 8 giờ mỗi tuần để mua sắm online. Con số này cao gần gấp đôi so với tần suất đi siêu thị.
Các sàn thương mại điện tử cũng đang tận dụng cơ hội này và tung ra ngày càng nhiều đợt giảm giá lớn như đợt giảm giá vào các ngày đôi (10/10, 11/11, 12/12…) với mức giảm giá sâu kèm theo nhiều mặt hàng tặng kèm. Các chương trình khuyến mãi được đưa ra tùy theo từng nhãn hàng và ngành hàng, với mức giảm đa dạng, lên tới 70%.
Theo khảo sát thực tế, nhiều mặt hàng phục vụ hai dịp lễ lớn cuối năm cũng đang được giới thiệu và quảng bá mạnh. Trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok Shop, Lazada cũng đã tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá "khủng" ở đa dạng ngành hàng, lên đến 50 - 70%. Trong đó, sàn thương mại điện tử Shopee đưa ra các gói giảm giá từ 50.000 - 300.000 đồng; deal 0 đồng và chỉ từ 1.000 đồng... Tiktok Shop cũng cung cấp các voucher giảm giá từ 30.000 – 200.000 đồng hay giảm từ 12 – 50%... Phía Lazada cũng tung ra các chính sách mua tivi giá 1.000 đồng, mua 1 tặng 1. Còn Tiki hay Sendo cũng có các chính sách giảm giá từ 10.000 - 15.000 đồng, hoặc giảm 10% đơn hàng cho sản phẩm công nghệ và gia dụng, thời trang, thực phẩm.
Đặc biệt, với dư âm ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2024 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương tổ chức, ghi nhận gần 1 ngàn lượt livestream và gần 2 tỷ lượt xem trên nền tảng TikTok Shop, nhiều người bán kỳ vọng sẽ thu hút được người mua hàng cho dịp mua sắm lớn cuối năm này.
Mặc dù xu hướng mua sắm online ngày càng phổ biến, các chuyên gia bán lẻ nhận định những đợt "siêu sale" như Black Friday sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động kinh doanh của các tiểu thương trong dịp Tết, đặc biệt với các mặt hàng thực phẩm.
Chuyên gia bán lẻ Nguyễn Quang Thái cho rằng, dựa trên thói quen trong văn hóa tiêu dùng, vào dịp Tết, người dân vẫn thích đi mua sắm trực tiếp để hòa mình vào không khí lễ hội. Do đó, các cửa hàng tạp hóa và tiểu thương kinh doanh thực phẩm không cần quá lo lắng về việc thiếu khách mà cần chú trong cân đối, đa dạng nguồn hàng, nhất là các mặt hàng phục vụ Tết như gia vị, nước ngọt, các loại thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chế biến, ăn liền.
Còn đối với chợ truyền thống, tình trạng ít khách mua hàng đã diễn ra một vài năm trở lại đây do thói quen tiêu dùng thay đổi, giá cả ở chợ kém cạnh tranh trong khi chất lượng dịch vụ chưa được cải thiện. Do đó, để hỗ trợ các tiểu thương tăng doanh thu, theo ông Thái, cần sự hỗ trợ của ban quản lý chợ và sự chung tay của các tiểu thương nhằm nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng, từ việc giữ gìn vệ sinh chợ, đến việc tổ chức gian hàng một cách hợp lý, dễ tìm kiếm, giúp việc mua sắm được thuận tiện hơn.
Các chợ cũng nên có các chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng, giới thiệu các sản phẩm mới, độc đáo, hay tổ chức các phiên chợ đêm, livestream bán hàng nhằm thu hút sự quan tâm. Ngoài ra, cần phối hợp với các đơn vị liên quan để quảng bá chợ trên các nền tảng mạng xã hội nhằm xây dựng hình ảnh đẹp, thu hút cả khách hàng từ nhiều khu vực khác.