Cơn bão số 1 đang áp sát đất liền TP Móng Cái (Quảng Ninh), nhưng không làm giảm đi không khí rộn ràng của Lễ hội đình Trà Cổ.
Lễ hội đình Trà Cổ năm 2023 được TP Móng Cái tổ chức từ ngày 17 đến 20/7. Một lãnh đạo phường Trà Cổ cho biết: Trong buổi sáng 18/7 diễn ra khai mạc Lễ hội, thời tiết ở Trà Cổ chỉ có mưa và gió nhẹ, nên không ảnh hưởng tới Lễ hội. Sau đó các phần nghi lễ chủ yếu tổ chức bên trong đình, nên tất cả các khâu của Lễ hội không bị cắt bỏ phần nào do ảnh hưởng của bão số 1.
Đình Trà Cổ, thuộc phường Trà Cổ (TP Móng Cái) là di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia. Đình được ví như “cột mốc văn hoá” vùng biên ải. Đến hẹn lại lên, hằng năm, cứ đến dịp 30-5, 1-6 âm lịch, những người con xa quê, du khách thập phương lại về Trà Cổ dự hội đình.
Theo đó, vào trước dịp lễ hội, làng chọn ra 12 đàn ông có tư cách đạo đức tốt, gia đình phương trưởng, cha mẹ vuông tròn để làm “cai đám”. Các “cai đám” này phục vụ tại lễ hội. Đến dịp áp tết, các “cai đám” này sẽ mua 1 con lợn giống (lợn đực) về nuôi.
Kể từ lúc ấy, chú lợn đã trở thành con vật của thần, không được gọi là lợn mà gọi là “Ông Voi”. Các “Ông Voi” được chăm sóc chu đáo, sạch sẽ, nóng có quạt mát, ngủ được mắc màn chống muỗi. Vào chiều 30-5 âm lịch, các “Ông Voi” này được đưa lên kiệu rước ra đình chầu ở hai bên cửa đình. Ban Tổ chức sẽ chấm điểm bằng cách cân xem “Ông Voi” nào nặng nhất, “cai đám” đó sẽ giành giải nhất. Các “Ông Voi” tiếp tục chầu thần đến trưa hôm sau thì được các “cai đám” đưa về nhà. Kể từ lúc này, “Ông Voi” trở lại đúng vị trí của nó là con lợn.
Trước đây, đời sống còn khó khăn, các “Ông Voi” được cân, bán cho phường buôn, nay đời sống khá giả, các gia đình thường giết thịt cúng gia tiên và khao họ hàng.
Phóng viên Đại Đoàn Kết giới thiệu một số hình ảnh về Lễ hội đình Trà Cổ đang diễn ra: