Kinh tế

Rộng cửa đi làm việc tại Phần Lan

Lan Hương 22/01/2025 10:24

Từ năm 2025, Phần Lan chính thức tiếp nhận chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề và lao động thời vụ Việt Nam sang làm việc ở nhiều lĩnh vực. Mức thu nhập ổn định từ 1.500 - 2.000 euro/tháng (tương đương 40 - 52 triệu đồng).

tr15.jpg
Dự kiến Phần Lan cần 3.000 lao động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Ảnh: Tống Giáp.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác về dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng, lao động thời vụ Việt Nam đi làm việc tại Phần Lan giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan kí kết mới đây.

Nhu cầu tuyển dụng lớn

Theo Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan Arto Olavi Satonen, chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của ông mở ra các hướng hợp tác sâu rộng và cơ hội nghề nghiệp tại Phần Lan cho lao động Việt Nam trong các lĩnh vực như công nghệ, công nghiệp và chăm sóc sức khỏe, giáo viên mầm non... Chính vì vậy, việc ký kết Bản ghi nhớ là một trong những giải pháp quan trọng giúp Phần Lan giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực do già hóa dân số. Mỗi năm, khoảng 10.000 - 15.000 lao động tại Phần Lan ra khỏi thị trường lao động nên nhu cầu lao động không ngừng gia tăng. Bộ trưởng Arto Olavi Satonen cho biết, trong 15 năm tới, Phần Lan dự kiến cần khoảng 1,3 triệu lao động.

Trước hết, trong năm 2025, quốc gia Bắc Âu này cần khoảng 2.000 nhân công trong các lĩnh vực hạ tầng, dịch vụ và thực phẩm, yêu cầu lao động có khả năng sử dụng tiếng Anh. Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cần khoảng 3.000 lao động với tiêu chí tuyển chọn khắt khe hơn là người lao động phải có khả năng giao tiếp bằng tiếng Phần Lan. Ngành công nghiệp dự kiến cần 1.000 lao động, con số này sẽ gia tăng trong những năm tới khi nền kinh tế Phần Lan tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Ngành công nghệ thông tin (IT) cũng cần khoảng 1.000 lao động…

"Việt Nam là một trong 4 quốc gia (Việt Nam, Philippines, Ấn Độ, Brazil) chúng tôi ưu tiên tuyển lao động. Số lượng lao động tuyển dụng phụ thuộc vào các công ty cũng như nhu cầu phát triển kinh tế thay đổi hàng năm. Chúng tôi đang cần lao động trong các ngành nghề: chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin..." - ông Arto Olavi Satonen thông tin.

Đánh giá về thị trường lao động Phần Lan, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung khẳng định, lao động Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng các tiêu chí và yêu cầu mà nước này đặt ra. Từ cuối năm 2023 đến nay, Bộ LĐTBXH đã chấp thuận đăng ký của 3 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ Việt Nam có hợp đồng cung ứng 134 lao động làm việc tại Phần Lan. Đến nay đã có 55 lao động đi làm việc tại Phần Lan, với thu nhập ổn định từ 1.500 - 2.000 euro/tháng, điều kiện làm việc và phúc lợi xã hội khá tốt. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để Việt Nam chấp thuận phái cử lao động.

Chuẩn bị tốt nguồn nhân lực

Những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam đưa gần 160.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Khoảng 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề. Đặc biệt, châu Âu được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng với nhu cầu lớn về lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.

Với Phần Lan, để khai thác tốt thị trường tiềm năng này, ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, Cục sẽ thông tin rộng rãi để các doanh nghiệp cũng như phía Phần Lan thông tin về nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài nói chung cũng như nhu cầu tiếp nhận lao động của Việt Nam đối với các ngành nghề cũng như các điều kiện về thu nhập, phúc lợi xã hội dành cho lao động nước ngoài tại Phần Lan.

Mặc dù hiện nay Phần Lan có nhu cầu lớn về lao động nước ngoài. Tuy nhiên, quy định pháp luật, thủ tục nhập cảnh của Phần Lan nói riêng cũng như các nước châu Âu (EU) nói chung tương đối chặt chẽ. Chính vì thế, số lượng lao động của Việt Nam sang làm việc Phần Lan nói riêng, châu Âu nói chung không thể tăng đột biến giống như các nước Đông Bắc Á. Tuy nhiên, việc hai bên ký thỏa thuận hợp tác lao động là cơ hội và thúc đẩy trong thời gian tới để Việt Nam có thể đưa hàng trăm, hàng nghìn lao động sang làm việc tại Phần Lan trong các lĩnh vực mà phía Phần Lan có nhu cầu như công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe.

Để lao động Việt Nam đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các nước, bà Trần Thị Minh Thu - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bách nghệ toàn cầu (Glo-Tech) cho rằng, Chính phủ và các trường nghề cần phải thay đổi xây dựng chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng người Việt chuyên sâu, sát với thực tế hơn để người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài có tay nghề tốt, nắm vững ngoại ngữ, để họ nắm bắt được văn hóa, tự tin hội nhập trong môi trường quốc tế, đặc biệt là các nước có nền công nghiệp phát triển, có tính tự chủ, minh bạch cao như Phần Lan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rộng cửa đi làm việc tại Phần Lan