Rộng cửa đón khách quốc tế

Minh Quân 29/03/2023 06:32

Với mức chi tiêu cao gấp 11 lần so với khách nội địa, nguồn khách quốc tế đóng vai trò quan trọng việc phát triển du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, lượng khách quay trở lại nước ta hiện nay khá khiêm tốn. Một số chuyên gia cho rằng, cần thay đổi tư duy khi xây dựng các sản phẩm để hấp dẫn du khách.

Cần phải xây dựng các sản phẩm du lịch để thu hút khách du lịch quốc tế. Ảnh: Quang Vinh.

Sau hơn một năm chính thức mở cửa trở lại, du lịch Việt Nam đang phục hồi. Tuy nhiên, bên cạnh những chỉ số tăng trưởng ở nguồn khách nội địa thì việc thu hút khách quốc tế vẫn đang là “điểm nghẽn”.

Khách quốc tế trở lại Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh.

Tích cực tháo gỡ điểm nghẽn

Cụ thể, năm 2022, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là 3,6 triệu lượt khách, đạt khoảng 70% kế hoạch đề ra. Tỷ lệ phục hồi du lịch chỉ đạt 18,1%, xếp sau nhiều nước trong khu vực mở cửa cùng thời điểm. Hay những quốc gia mở cửa du lịch muộn hơn như Singapore, Malaysia cũng thu hút khách quốc tế nhiều hơn.

Thực tế cho thấy, du lịch Việt Nam vừa qua rơi vào tình trạng “đi trước, về chậm”. Các đơn vị lữ hành hay các điểm đến đang khá hụt hơi trong việc giữ chân khách ở lại lưu trú trong thời gian dài và quay trở lại nhiều lần.

Thủ tục xuất nhập cảnh ngay ở các sân bay Việt Nam là một trong những lý do khiến khách du lịch nước ngoài từ chối quay lại. Có rất nhiều phản hồi của khách du lịch không chỉ về các hãng lữ hành mà còn về các hãng hàng không khi thời gian chờ đợi ở sân bay quá lâu. Có những người bay từ châu Âu, từ Mỹ mất cả chục tiếng đồng hồ rất mệt nhưng khi tới cảng hàng không, họ phải trải qua quá trình nhập cảnh kéo dài 2-3 tiếng đồng hồ. Nếu khách du lịch tới Việt Nam một lần và ngay tại điểm nhập cảnh đã mất nhiều thời gian như vậy thì e rằng trải nghiệm của họ ngay từ đầu đã không được thoải mái.

Theo PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch), nguồn khách quốc tế rất quan trọng khi họ mang ngoại tệ vào, lưu trú dài hơn và chi tiêu nhiều hơn. Ngoài ra, chính khách quốc tế sẽ là những người có sức lan tỏa cao nếu điểm đến có dịch vụ lưu trú tốt. Tuy nhiên trong thời điểm này, Việt Nam đang chứng kiến sự sụt giảm của dòng khách này. Với nhiều cơ sở hạ tầng trước đó được xây dựng theo chuẩn quốc tế sẽ có giá thành cao hơn tiêu chuẩn nội địa. Nếu khách quốc tế ít đến Việt Nam thời điểm này, những cơ sở hạ tầng gần như bỏ trống, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp.

“Để có thể đón khách quốc tế quay lại nhiều lần đòi hỏi doanh nghiệp phải có nhiều sản phẩm dịch vụ hơn. Để đón cơ hội, nhất thiết phải phục vụ ra phục vụ, thu ra thu, Việt Nam không phải điểm đến theo cách xô bồ” - ông Lương nói.

Hiểu khách để giữ khách

Mới đây, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội cho phép nâng thời hạn thị thực điện tử (E-visa) từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.

Bên cạnh đó, nhiều điểm đến, đơn vị lữ hành cũng dần thay đổi “tư duy” khi xây dựng các sản phẩm hấp dẫn đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của các du khách quốc tế. Đơn cử như tỉnh Quảng Nam đang tiến hành rà soát, đánh giá và xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu và tính chất đặc thù riêng của các thị trường khách quốc tế. Bên cạnh đó, địa phương cũng đang nghiên cứu tổ chức các hoạt động thu hút khách du lịch quốc tế như: Festival biển, Festival ẩm thực, các lễ hội, hoạt động đường phố...; phối hợp xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đêm. Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho du khách phù hợp với nhu cầu các thị trường khách quốc tế và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Quảng Nam. Hay như tỉnh Quảng Ninh, một trong những điểm đến “quen thuộc” của du khách Trung Quốc, mới đây cũng cạnh việc tổ chức các hoạt động kích cầu đã xây dựng 24 sản phẩm du lịch mới bao gồm sản phẩm du lịch biển đảo, văn hóa, du lịch đêm, du lịch sinh thái, nông nghiệp, thể thao mạo hiểm.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Lux Group Phạm Hà, muốn đón khách có tiền, đi dài, ở lâu, như khách châu Âu, Australia, Mỹ... vốn ưa chuộng thiên nhiên và du lịch trải nghiệm thì phải bảo vệ thiên nhiên, điểm đến luôn xanh, sạch, đẹp và văn minh và cần tạo ra nhiều trải nghiệm mới, như khu mua sắm, đồ lưu niệm phải đẹp, có nhiều không gian cho khách tham quan, khu vui chơi giải trí được mở muộn, thí điểm một số casino có kiểm soát tốt. Nhiều du khách than rằng, đến Việt Nam có tiền nhưng không có gì để chi tiêu.

“Phải phục vụ tốt du khách để họ hài lòng, họ sẽ trở lại và giới thiệu nhiều du khách đến Việt Nam” - ông Hà bày tỏ.

Đồng quan điểm, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính cho rằng, phải có sự nghiên cứu kỹ thị trường, khách hàng, từ đó mới có cơ sở để xây dựng sản phẩm phù hợp cũng như chính sách xúc tiến quảng bá hiệu quả. Du khách quốc tế thường quay trở lại bởi ấn tượng về những trải nghiệm tốt nhất ở điểm đến. Vì thế, công tác quản lý điểm đến cần phải làm tốt. Bên cạnh đó, cần tăng cường đối thoại công - tư để các doanh nghiệp kịp thời phản ánh những rào cản, khó khăn, đề xuất nhà nước tháo gỡ.

“Việc thành lập các văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài là vô cùng quan trọng trong công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến và quảng bá sản phẩm tới đối tượng khách hàng mục tiêu, từ đó thu hút mạnh mẽ du khách quốc tế đến với Việt Nam” - ông Chính nhấn mạnh.

Phó Tổng trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy:

Tạo ra sản phẩm du lịch theo nhu cầu của khách

Khi khách quốc tế đến Việt Nam thì nhu cầu của khách đến đâu thì trách nhiệm, nhiệm vụ của ngành du lịch đáp ứng tới đó. Nhu cầu của khách cần cái này thì chúng ta phải lo cái này, cần cái kia phải lo cái kia; với tinh thần chúng ta tạo ra các sản phẩm du lịch theo nhu cầu của du khách chứ không phải tạo ra sản phẩm du lịch theo nhu cầu của chúng ta. Do đó, các doanh nghiệp du lịch cần đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới trên cơ sở khai thác các giá trị độc đáo của văn hóa truyền thống và các di sản văn hóa của Việt Nam.

Phó Tổng giám đốc Vietravel Nguyễn Thị Lê Hương:

Du lịch nghỉ dưỡng sẽ giữ chân khách lâu hơn

Sản phẩm du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút khách trở lại nhiều lần. Cần truyền thông nhiều hơn nữa để du khách quốc tế biết đến Việt Nam như là một điểm đến nghỉ dưỡng tuyệt vời. Nếu như Bali, Hawai nổi tiếng là các hòn đảo hấp dẫn, Dubai là thủ phủ shopping của người châu Á thì Việt Nam là điểm đến của nghỉ dưỡng. Chúng ta đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm, nhưng du lịch nghỉ dưỡng sẽ giữ chân khách lâu hơn và đến nhiều hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rộng cửa đón khách quốc tế