Rộng cửa lao động sang Hàn Quốc

Lê Bảo 03/04/2023 07:00

Hàn Quốc vốn là thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam. Năm 2022, số lượng người lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc là hơn 9.900 người.

Người lao động đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc được vay vốn kí quỹ.

Thị trường trọng điểm

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) vừa thông báo kế hoạch tuyển chọn người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc (chương trình EPS).

Đây là kế hoạch được thực hiện theo nội dung Bản ghi nhớ giữa Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc với Bộ LĐTB&XH Việt Nam về việc phái cử và tiếp nhận người lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.

Theo kế hoạch được thống nhất giữa hai bên, năm 2023, Hàn Quốc cần hơn 12.000 lao động ở các ngành nghề là sản xuất chế tạo (6.344 người); ngành xây dựng (901 người); ngành nông nghiệp (841 người); ngành ngư nghiệp (4.035 người).

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, thời gian qua, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng; thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có tiền lương cao và điều kiện tốt. Nhiều thị trường xuất khẩu lao động mới đã được mở ra như Australia, NewZealand, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Séc, Slovakia, Rumani,…Trong đó, Hàn Quốc vốn là thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam.

Được vay vốn đến 100 triệu đồng

Đáng chú ý, Bộ LĐTB&XH vừa có tờ trình Chính phủ về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện hỗ trợ cho vay để ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người lao động thuộc đối tượng chính sách đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS).

Theo dự thảo, người lao động thuộc đối tượng được vay vốn, được vay đến 100 triệu đồng để ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội mà không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Thời hạn cho vay do thỏa thuận giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và người lao động, nhưng tối đa không quá 5 năm 4 tháng.

Được biết, năm 2004, Bộ LĐTB&XH đã ký với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc Bản ghi nhớ (MOU) về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (ký gia hạn 2 năm/lần).

Theo Bộ LĐTB&XH, quá trình triển khai Chương trình này đã đem lại nhiều lợi ích song phương cho cả Việt Nam và Hàn Quốc. Tính đến nay, Việt Nam đã đưa hơn 110.000 lượt lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình này với thu nhập bình quân 1.800 USD/tháng (số lao động EPS đang làm việc hiện có khoảng 30.000 người Chương trình EPS trong tổng số 40.000 lao động Việt Nam tại Hàn Quốc). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chương trình EPS đã phát sinh tình trạng một số lao động tự ý bỏ hợp đồng hoặc sau khi hết hạn hợp đồng không về nước mà ở lại Hàn Quốc làm việc, cư trú bất hợp pháp, ảnh hưởng tiêu cực đến thực hiện MOU.

Trước thực trạng trên, Bộ LĐTB&XH đã tham mưu, trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách, nhằm tăng cường quản lý người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc, giảm tỷ lệ lao động ở lại bất hợp pháp, trong đó có giải pháp thực hiện ký quỹ đối với người lao động trước khi đi làm việc.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết. Hiện nay các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tiếp tục trao đổi với các đơn vị liên quan của Hàn Quốc nới lỏng các điều kiện để lao động trong ngành đóng tàu sớm nhập cảnh Hàn Quốc; thúc đẩy công tác kết nối, hỗ trợ các địa phương trong nước đưa lao động sang Hàn Quốc theo chương trình lao động thời vụ, nhất là các địa phương đang xúc tiến ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rộng cửa lao động sang Hàn Quốc