Thời điểm này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang bước vào mùa tuyển sinh cao điểm trong năm với nhiều chính sách ưu đãi, thu hút người học.
Trường Cao đẳng (CĐ) Kỹ thuật Cao Thắng vừa công bố điểm trúng tuyển bằng phương thức xét điểm học bạ THPT (điểm chuẩn học bạ) 2 học kỳ lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12. Theo đó, điểm trúng tuyển vào trường dao động từ 20 - 31,5 (điểm môn Toán nhân hệ số 2), trong đó ngành có điểm chuẩn cao nhất là công nghệ kỹ thuật ô tô (31,5 điểm), tiếp đến là bảo trì, sửa chữa ô tô (29 điểm)… Dự kiến năm nay trường tuyển 60% trong tổng số 4.500 chỉ tiêu theo phương thức xét học bạ. Với 40% còn lại, trường sẽ xét tuyển phần lớn dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ cho biết, vừa tổ chức lễ nhập học cho hơn 500 học sinh khóa 17 (niên khóa 2023 - 2026), hệ vừa học trung cấp nghề vừa học THPT hệ 9+). Đối với hệ CĐ, trường đang tuyển sinh
Theo khoản 1, điều 16, Nghị định số 81/2021/NĐ- CP, đối tượng học sinh, sinh viên học ngành nghề đặc thù tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được giảm 70% học phí. Đây là chất xúc tác, là điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng thêm sức hấp dẫn, thu hút người học trong mùa tuyển sinh năm nay và những năm tiếp theo.
Trường CĐ Công nghiệp Hà Nội thông tin, học phí học nghề khối kỹ thuật tại trường trung bình là 1,7 triệu đồng/ tháng. Áp dụng đối với 7 nghề đặc thù nhà trường đang đào tạo, gồm Công nghệ hàn, Điện công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ ô tô… học sinh, sinh viên học các nghề này được giảm 70% học phí. Như vậy, mức học phí sau khi giảm chỉ còn 510.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, những sinh viên có chất lượng đầu vào tốt, học sinh hàng năm đạt loại khá giỏi đều nhận được học bổng khuyến khích của nhà trường. Đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường cũng có chính sách hỗ trợ học phí để các em yên tâm học tập và rèn luyện.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội cho biết, giáo dục nghề nghiệp ngày nay đã thay đổi rất nhiều. Nhiều phòng học của nhà trường đươc đầu tư trang thiết bị hiện đại không thua kém gì các trường quốc tế. “Học nghề hiện nay không phải là chân lấm tay bùn như trước đây. Chúng tôi dạy thực hành là chính nên phải đầu tư trang thiết bị như doanh nghiệp” - ông Ngọc nói.
Đơn cử, nắm bắt xu hướng hiện nay khi nghề hàn đã chuyển sang tự động hóa, yêu cầu người thợ sử dụng robot hàn và các thiết bị hiện đại để tạo ra sản phẩm, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, nhà trường đã phối hợp với các doanh nghiệp để đào tạo ra các kỹ thuật viên, kỹ sư thực hành nghề công nghệ hàn sử dụng công nghệ cao. Việc đào tạo bám sát nhu cầu của doanh nghiệp, người học không phải nộp học phí do đã được nhà trường và doanh nghiệp hỗ trợ. Sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng ngay với mức lương có thể lên đến 15 triệu đồng/tháng và tăng theo kinh nghiệm, năng lực.
Năm 2022, khoảng 50% học sinh dự thi tốt nghiệp THPT không đăng ký xét tuyển vào đại học (ĐH). Ở mùa tuyển sinh năm nay, mặc dù thời gian chưa kết thúc nhưng ghi nhận tới những ngày cuối cùng, tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH chiếm hơn 50% số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT và thấp hơn cùng thời điểm năm 2022. Trong nhiều nguyên nhân được các chuyên gia phân tích, có một yếu tố quan trọng đó là hiện nay học sinh sau THPT có nhiều hướng đi đa dạng, không còn tập trung vào con đường chính là vào ĐH. Thứ hai, việc đăng ký nguyện vọng diễn ra sau thi tốt nghiệp THPT nên tỷ lệ này giảm. Trước đó, năm 2020 và 2021 tỷ lệ đăng ký xét tuyển ĐH trên 70% là do việc đăng ký trước thi tốt nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Lưu - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh cho biết, thực tế tuyển sinh những năm qua ghi nhận nhiều trường hợp thí sinh đạt điểm cao không đăng ký học đại học mà chọn học nghề. "Những em học giỏi nhưng vẫn đi học nghề là chuyện bình thường vì các em có thiên hướng phát triển kỹ năng nghề. Không phải cứ học giỏi mới vào ĐH, học dốt mới học nghề" - ông Lưu nói.