Rộng cửa xuất khẩu lao động

Lê Bảo 08/03/2023 07:00

Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tổng số người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 2/2023 là 6.601 người, bằng hơn 13 lần (1.320%) so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là những tín hiệu rất tích cực.

2 tháng đầu năm, Việt Nam đưa gần 30.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Những thị trường được người lao động lựa chọn đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), dẫn đầu là Nhật Bản 3.470 lao động, Đài Loan (Trung Quốc) 2.690 lao động, Singapore 141 lao động nam, Hàn Quốc 81 lao động nam... Năm 2023, Cục Quản lý lao động ngoài nước đặt mục tiêu sẽ đưa 110.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao.Trong 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã có 28.429 người lao động đi XKLĐ, đạt 25,84% kế hoạch năm 2023, bằng hơn 20 lần (2.091%) so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, dẫn đầu là thị trường Đài Loan (Trung Quốc) 14.609 lao động, Nhật Bản 12.473 lao động, Singapore 250 lao động, Hàn Quốc 230 lao động…

Dấu hiệu khởi sắc

Kết quả trên cho thấy, dù chững lại trong giai đoạn đại dịch Covid-19, thị trường lao động ngoài nước đã gần như phục hồi sau đại dịch với số người lao động đi làm việc ở nước ngoài quay trở lại đạt mức trước đại dịch. Các thị trường lao động ngoài nước từng bước được mở cửa và trở lại bình thường, một số thị trường tiếp nhận lao động truyền thống và trọng điểm đều có dấu hiệu khởi sắc.

Để thực hiện chỉ tiêu đưa khoảng 110.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan cho biết, sẽ duy trì ổn định thị trường lao động nước ngoài hiện có, phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động và bảo vệ quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Vẫn theo ông Hoan, người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước, có đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống người lao động và gia đình. Lực lượng lao động sau khi về nước trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội trong nước và là nhân tố quan trọng giúp lan tỏa tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động và là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế. Do đó, người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về nước cần được huy động và sử dụng có hiệu quả vì mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bổ sung nhiều đối tượng được hỗ trợ

Tại Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ LĐTBXH đề xuất bổ sung thêm nhiều đối tượng được hỗ trợ để đi làm việc ở nước ngoài. Đề xuất này nằm trong nhóm chính sách về thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững, một trong 4 nhóm chính sách lớn trong dự thảo sửa đổi Luật Việc làm đang được Bộ LĐTBXH xây dựng.

Cụ thể đề xuất có chính sách hỗ trợ việc làm cho các nhóm lao động đặc thù, bổ sung đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, gồm: thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; lao động thuộc huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Luật Việc làm quy định 5 nhóm đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, gồm: Người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo; người thuộc hộ cận nghèo; người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp và thân nhân của người có công với cách mạng. Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện, số đối tượng thụ hưởng ít, từ năm 2017 đến nay, mới hỗ trợ được 1.785 lao động

Trong khi đó, hiện nay nhiều địa phương đã ban hành chính sách hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ nguồn ngân sách địa phương cho một số đối tượng như thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội…

Vì vậy, việc bổ sung các đối tượng trên sẽ giúp người lao động được tiếp cận các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Như vậy, ngoài các nhóm đối tượng hiện hành, một số nhóm đối tượng như thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án; lao động thuộc huyện nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo sẽ được ưu tiên hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài.

Số liệu từ Báo cáo quốc gia của Việt Nam về tái hòa nhập thị trường lao động cho người lao động di cư cho thấy, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thể kiếm được mức lương cao hơn gấp ít nhất 2 hoặc 3 lần so với những người ở quê nhà, cấp số nhân này có thể còn cao hơn ở các nước tiếp nhận có thu nhập cao, chẳng hạn như Hàn Quốc và Nhật Bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rộng cửa xuất khẩu lao động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO