Vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam không dừng ở việc cung cấp hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… mà còn là tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên nền tảng số. Thông tin cá nhân, lịch sử giao dịch của người tiêu dùng dễ bị lọt, lộ.
Quảng cáo một đằng, sản phẩm thật một nẻo
Chị Nguyễn Thị Ngọc (ở ngõ 154 Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội) cho biết, chị vừa mua một máy đánh trứng trên mạng. Sau hai lần sử dụng thì máy bị trục trặc. Chị đã liên lạc qua sàn thương mại điện tử Shopee để kiến nghị. “Tôi cũng có liên hệ tổng đài và chờ hướng giải quyết” - chị Ngọc nói nhưng cũng bày tỏ, không quá kỳ vọng vào việc sẽ được giải quyết.
Không riêng chị Ngọc, nhiều người tiêu dùng cũng thừa nhận, mua hàng online thì xác định có rủi ro.
Theo bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, thách thức lớn nhất hiện nay là giao dịch TMĐT ngày càng trở nên phức tạp. Khi người tiêu dùng tham gia nhiều vào các giao dịch TMĐT, họ trông đợi rất nhiều vào cơ quan quản lý nhà nước.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh cũng cho rằng, vi phạm không dừng ở việc cung cấp hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) mà cao hơn còn là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên nền tảng số. Thông tin cá nhân, lịch sử giao dịch của người tiêu dùng dễ bị lọt, lộ.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Hoạt động mua sắm online ngày càng trở nên mạnh mẽ, những kênh bán hàng hóa, dịch vụ online cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đó là tạo ra kẽ hở cho nhiều đối tượng lợi dụng để kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên khắp các nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook, TikTok…
Bộ Công thương cho biết, cơ quan này thường xuyên theo dõi, giám sát, phát hiện, xử lý các vi phạm thông qua bán hàng online, livestream. Năm 2023, Bộ Công thương đã yêu cầu các sàn, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ/khóa 6.254 gian hàng với 23.359 sản phẩm vi phạm. Lực lượng quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng.
Bô này cũng phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công an, Bộ Y tế và các lực lượng chức năng rà soát, xử lý hàng trăm website/ứng dụng vi phạm mỗi năm, chuyển cơ quan công an xử lý nhiều vụ việc, ngăn chặn nguy cơ gây thiệt hại quy mô lớn cho người dân.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương) thông tin, hầu hết các sản phẩm có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, xâm phạm quyền SHTT. “Xét về góc độ kinh tế, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận, làm giảm uy tín của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến việc quay lưng với sản phẩm” – ông Bình nhận định đồng thời cho rằng, trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, người tiêu dùng phải thực sự là "mắt xích" quan trọng, phải trở thành người tiêu dùng thông thái. Điều đó không chỉ bảo vệ quyền lợi của chính người tiêu dùng mà còn góp phần làm lành mạnh thị trường hàng hóa.
Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng; cần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về TMĐT, đặc biệt là chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi gian lận. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, công khai danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm để người tiêu dùng cảnh giác.
Ông Bùi Thanh Thủy - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đề xuất cơ quan quản lý nhà nước tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, điều tra, xác minh để chỉ đạo sát sao, giải quyết kịp thời thông qua chế tài xử lý nghiêm minh, mang tính răn đe, "nếu như vi phạm pháp luật hình sự thì phải xem xét trách nhiệm hình sự". Còn đối với doanh nghiệp, ông Thuỷ cho rằng, cần áp dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo để tăng sản phẩm, thu nhập. Tuy nhiên, cũng phải nghĩ đến hoạt động xã hội, nghĩ đến người tiêu dùng. "Như thế giữa nhà nước với doanh nghiệp, người tiêu dùng mới có những lợi ích hài hòa" - ông Thủy nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng cho rằng, bản thân mỗi người tiêu dùng cũng cần nâng cao kỹ năng, hiểu biết tiêu dùng của mình để tự bảo vệ quyền lợi khi tham gia mua sắm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, nhất là trên môi trường TMĐT.