Những ngày gần đây, dư luận lại tiếp tục nóng lên với vụ việc rừng đặc dụng Mường Phăng, Điện Biên (Di tích quốc gia đặc biệt) bị chặt phá, rút ruột.
Thời điểm hiện tại, số liệu kiểm kê ban đầu tại thực địa là 173 cây gỗ, tổng khối lượng hơn 20 m3. Số cây bị đốn hạ nằm rải rác trong rừng đặc dụng Mường Phăng trên địa bàn hai xã Pá Khoang và Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ. Kích thước cây gỗ lớn nhất bị chặt hạ phát hiện có đường kính gốc trên 40 cm, các loài cây bị khai thác chủ yếu là Thanh Mai, Mắc Khén, Giẻ Vối Thuốc và một số loại cây bản địa khác (thuộc nhóm V đến nhóm VIII).
Được biết, rừng đặc dụng Mường Phăng có diện tích hơn 4.436 ha thuộc hai xã Mường Phăng và Pá Khoang, có chức năng bảo vệ Di tích chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trước sự việc này, Sở NNPTNT tỉnh Điện Biên đã có quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Nguyễn Việt Cường - Giám đốc Ban quản lý rừng di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng, thuộc Sở NNPTNT tỉnh Điện Biên. Ông Cường bị đình chỉ từ ngày 21-12 để làm rõ trách nhiệm trong việc xảy ra vi phạm khai thác rừng trái pháp luật tại khu vực rừng đặc dụng do Ban quản lý rừng di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng quản lý.
Với việc đình chỉ một cán bộ quản lý rừng, dư luận đặt câu hỏi, tại sao thiệt hại lớn như vậy mà chỉ xử lý đình chỉ? Bởi chúng ta đã biết hệ luỵ từ việc phá rừng, minh chứng rõ ràng nhất là đợt lũ lụt miền Trung đau thương xảy ra mới đây.
Vậy làm gì để những cánh rừng được sống bình yên? Bởi thực tế tại rừng Mường Phăng còn trên 30 thôn bản cộng đồng nằm xen kẽ trong khu rừng đặc dụng, thậm chí ngay cả trong vùng lõi chưa và hiện vẫn không đáp ứng được kinh phí để di dời và do điều kiện đất đai. Cùng với đó là phong tục tập quán của người dân luôn có nhu cầu về gỗ để làm nhà nên vẫn xảy ra tình trạng âm thầm, lén lút vào khai thác trộm gỗ rừng trái phép...
Vẫn biết, quan trọng nhất vẫn là quy trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng của Ban quản lý Rừng di tích và Cảnh quan môi trường Mường Phăng. Nhưng ở một góc nhìn khác thì đa phần người dân từ lâu nay vẫn chưa thể dựa vào rừng để có thu nhập ổn định và bảo đảm sinh kế. Do đó, những vụ phá rừng vẫn cứ tiếp diễn.