Rừng ngập mặn chết hàng loạt

Hạnh Nguyên-Cẩm Kỳ 27/04/2023 06:06

Hàng chục héc ta rừng mắm phòng hộ ven biển ở xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chết khô. Rừng ngập mặn nơi đây bắt đầu chết từ năm 2021, sau đó tăng dần, đến nay chỉ còn trơ trọi ít cây còn sống. Vì sao vậy?

Cây mắm rừng ngập mặn bị chết, trơ lại cành khô.

Cây mắm chết trắng bãi

Thủy triều rút, đi dọc đê biển Hải Hà Thư, xã Kỳ Hà, nhìn những cây mắm, cây sú vẹt trụi lá, chết khô, nằm trơ trọi giữa bãi triều rộng lớn, khiến ai cũng xót xa. Cả rừng cây xanh tốt vươn mình hiên ngang trước sóng biển trước đây giờ thay thế bằng xác cây khô cứng, vùi thân dưới bùn cát.

Người dân địa phương cho hay, 3 năm trở về trước, mỗi khi thủy triều rút, dân trong thôn Tây Hà, Bắc Hà (xã Kỳ Hà) đổ ra khu vực đê biển để kiếm kế sinh nhai. Lúc đó, rừng ngập mặn xanh tốt, nguồn lợi thủy sản lớn, cua, ghẹ, vẹm, tôm, cá…đến đây trú ngụ từng đàn. Chỉ sau vài tiếng đồng hồ dò tìm, đánh bắt, bà con kiếm được từ 200 đến 500 nghìn đồng, đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày.

Thế nhưng, cây mắm chết hàng loạt, hải sản không còn chỗ trú ngụ, bà con dân biển Kỳ Hà mất nguồn thu đáng kể. Hàng ngày, chỉ lác đác vài người đến bắt hàu, cá… còn sót lại.

Rừng ngập mặn ở đây hình thành từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước; là nơi giàu nguồn lợi thủy sản, giúp bà con cải thiện cuộc sống, vừa là “khiên” chắn sóng, đón bão, chống sạt lở mỗi khi mùa mưa bão đến.

Phía bên kia rừng ngập mặn, ngay cạnh đê biển Hải Hà Thư là khu vực nuôi trồng thủy sản, đồng muối của bà con nhân dân xã Kỳ Hà. Rừng ngập mặn bị “xóa sổ”, uy hiếp đê biển và nguy cơ “tấn công” khu vực canh tác của bà con.

Ông Lê Văn Luyện - Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Hà cho biết, khu rừng này chủ yếu là cây mắm và một ít cây sú vẹt, được trồng từ những năm 1993-1994, với chiều cao bình quân từ 1m, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chắn gió bão, bảo vệ hàng trăm hộ dân ven biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và tuyến đê biển bên trong những năm qua. Giờ đây, rừng mắm chết hàng loạt tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đến cuộc sống người dân Kỳ Hà. Năm ngoái, cơ quan chức năng về rà soát, tìm hiểu, nhưng đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân và chưa có biện pháp khắc phục, cải thiện.

Ngay cạnh khu vực rừng ngập mặn lâu năm bị chết của xã Kỳ Hà, có khoảng 4ha rừng thuộc dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư mới trồng cách đây 2 năm cũng chết hàng loạt. “Thời điểm dự án trồng mới, khu vực rừng cũ vẫn xanh tốt. Tuy nhiên, chỉ thời gian ngắn sau, đồng loạt cả điểm cũ và điểm mới, cây ngập mặn đều chết như ngả rạ” - ông Luyện thông tin.

Ông Nguyễn Hồ Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà cho hay: Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NNPTNT tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, diện tích ở khu vực đó khoảng 4ha. Trong vòng 2 năm qua, khu vực dự án mới, cây từng bị chết, đơn vị thi công trồng xen dắm để thay thế nhưng vẫn tiếp tục chết. Dự án mới vẫn đang trong thời gian bảo hành, chưa bàn giao cho địa phương quản lý.

Song, có một điều lạ là khu vực rừng ngập mặn của xã Kỳ Ninh, Kỳ Trinh, Kỳ Hải (thị xã Kỳ Anh) có cùng một luồng lạch và giáp với xã Kỳ Hà nhưng cây không chết.

Sớm có biện pháp trồng thay thế

Giữa năm 2022, sau khi người dân, chính quyền xã Kỳ Hà phản ánh về tình trạng rừng ngập mặn chết hàng loạt, thị xã Kỳ Anh, cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh vào cuộc kiểm tra. Theo Sở NNPTNT tỉnh Hà Tĩnh, rừng ngập mặn bị chết tại địa bàn xã Kỳ Hà thuộc lô 1, khoảnh 1, tiểu khu 358B xã Kỳ Hà có diện tích 43,21ha, chủ yếu là loài cây mắm biển có tên khoa học Avicennia Marina (Forssk) Vierh. Trồng năm 1994, thuộc đối tượng quy hoạch phòng hộ chắn sóng, với chiều cao bình quân từ 1m (đối với khu vực cây thấp) và 2,5m (đối với khu vực cây cao), mật độ 6.200 cây/ha.

Toàn bộ diện tích rừng trồng này thuộc dự án Oxfam (năm 1994). Hiện nay, UBND xã Kỳ Hà đang giao khoán cho 2 thôn Tây Hà và Bắc Hà quản lý, bảo vệ. Trong đó, diện tích rừng có cây chết không có khả năng phục hồi là 25,81ha (trong tổng số 43,21ha), chiếm tỷ lệ 60%; diện tích rừng có cây đang sống 17,4ha, chiếm tỷ lệ 40%. Đến nay, số cây chết tiếp tục tăng lên.

Vẫn theo Sở NNPTNT Hà Tĩnh, qua kiểm tra, ngành chức năng không phát hiện giáp xác, sâu đục thân, hà bám vào thân cây nên loại trừ nguyên nhân do các đối tượng sinh vật gây hại. Còn chính xác cây chết do đâu thì chưa có câu trả lời. Sở NNPTNT đã đề nghị UBND tỉnh mời các cơ quan chức năng về rừng ở trung ương và các đơn vị liên quan vào cuộc để xác định nguyên nhân rừng ngập mặn bị chết.

UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành văn bản triển khai thực hiện các biện pháp xử lý và tìm nguyên nhân khiến hàng chục héc ta rừng phòng hộ tại địa bàn thị xã Kỳ Anh bị chết. UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Sở NNPTNT chủ trì, phối hợp địa phương và đơn vị liên quan kiểm tra cụ thể, khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp cần thiết để xử lý việc rừng ven biển ở xã Kỳ Hà bị chết hàng loạt theo đúng quy định. Giao Sở NNPTNT chủ trì, phối hợp Sở Tài chính hướng dẫn UBND thị xã Kỳ Anh và các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện nội dung thanh lý số diện tích rừng bị chết và trồng lại rừng thay thế kịp thời.

Để trồng mới được rừng ngập mặn rất khó khăn và mất nhiều thời gian, kinh phí. Phải mất khoảng 5 năm với kinh phí 350 triệu đồng để trồng và chăm sóc thành công 1ha rừng ngập mặn phát triển, phát huy được tác dụng phòng hộ. Ông Đào Đức Giang - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Kỳ Anh cho biết, đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân rừng ngập mặn ở xã Kỳ Hà chết hàng loạt. Sắp tới, sẽ tiến hành thanh lý số rừng ngập mặn bị chết để trồng thay thế. Trên địa bàn thị xã Kỳ Anh có nhiều khu vực có dự án trồng rừng ngập mặn, riêng xã Kỳ Hà là diện tích được ưu tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rừng ngập mặn chết hàng loạt